Chương 4 BÀN LUẬN
4.2. PHÂN TÍCH TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỘ ẨM, NHIỆT ĐỘ VÀ LƯỢNG MƯA VỚI SỐ CA BỆNH SXHD.
Nghiên cứu này khi phân tích phân bố ca bệnh theo thời gian có kết nối với số liệu thời tiết ở tất cả các biểu đồ từ biểu đồ 3.5 đến biểu đồ 3.10 cho thấy lượng mưa luôn tăng cao ở thời điểm một tháng trước khi các ca bệnh
SXHD xảy ra. Khi phân tích r tương quan giữa lượng mưa theo tháng và ca bệnh theo của các tháng tương ứng trong 6 năm thì không thấy sự tương quan rõ ràng giữa yếu tố này. Tuy nhiên khi phân tích tương quan giữa lượng mưa các tháng trong năm và ca bệnh chậm pha 1 tháng so với lượng mưa của tháng đó thì thấy có sự tương quan rõ rệt ở tất cả các năm từ 2002-2007 với p < 0,05 tại năm 2002 và 2007 (Bảng 3.4). Tính chất tương quan này rất phù hợp về mặt sinh học và chu kỳ sinh nở của muỗi . Ở vùng nhiệt đới, trứng nở thành bọ gậy sau 2-3 ngày, bọ gậy nở thành quăng sau 4-7 ngày và quăng nở thành muỗi sau 1-3 ngày. Tùy theo điều kiện thích hợp, toàn bộ thời gian từ trứng phát triển thành bọ gậy, cung quăng đến muỗi trưởng thành có khả năng truyền bệnh chỉ mất khoảng 7-13 ngày. Sau khi hút máu người có chứa vi rút Dengue, thời gian trung bình ủ bệnh trong mũoi cái Aedes là 8-10 ngày là thời gian vi rút nhân lên trong tuyến nước bọt. Mối tương quan lệch pha này đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch ở điểm sau. Bắt đầu vào những tháng hè, khi có những trận mưa rào xuất hiện thì đứng ở vai trò người làm công tác dự phòng cần nhận thức được nguy cơ bùng nổ dịch SXHD của tháng sau đó và như vậy công tác phòng chống dịch SXHD cần được đẩy mạnh sau mỗi trận mưa rào bằng việc kêu gọi, hướng dẫn người dân trong cộng đồng vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, bề mặt nước tù đọng để muỗi không có môi trường sinh sản và phát triển theo đúng chiến lược đề ra “ không có bọ gậy thì không có dịch SXHD”
Nghiên cứu này chỉ ra rằng, tương quan giữa nhiệt độ, độ ẩm và SXHD không rõ ràng bằng tương quan giữa lượng mưa và ca bệnh SXHD (Bảng 3.4). Nhiệt độ được xem là điều kiện cần để muỗi sinh sản và phát triển ở một mật độ đủ lớn gây dịch. Tuy nhiên điều kiện thuận lợi nhất là nhiệt độ 20 đên 25 C. ở nhiệt độ <10 C và trên 44 C thì lăng quăng chết. Ở nhiệt độ 20 C và
độ ẩm 85% thì chu kỳ phát triển của muỗi từ 10-15 ngày. Như vậy nhiệt độ và độ ẩm chỉ là điều kiện cần. Như vậy yếu tố nào ảnh hưởng tới bùng phát SXHD trên địa bàn?. Phân tích lượng mưa từ 2002-2007 cho thấy lượng mưa giữa các năm không có gì khác biệt nhiều và ngay cả năm 2006-2007 khi số ca SXHD bùng phát mạnh thì lượng mưa của 2 năm đó cũng không cao hơn so với các năm trước. Phân tích cho thấy rằng cần nhìn nhận và đánh giá công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn vì khi điều kiện thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm, lương mưa) từ 2002-2007 không có nhiều khác biệt và từ 2002- 2005 không có dịch trên địa bàn trong khi đó số ca SXHD đã bùng phát từ 2006 đến 2007.
KẾT LUẬN
Các ca bệnh SXHD trên địa bàn Hà Nội từ 2002-2007 tập trung chủ yếu tại các quận nội thành trong đó số ca bệnh là nam giới nhiều hơn số ca bệnh là nữ giới. Địa bàn 5 quận nội thành Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng là những địa bàn thường xuyên xảy ra dịch SXHD qua các năm.
Dịch SXHD xảy ra với tính chất chu kỳ hàng năm với khởi phát vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 và tăng nhanh đạt đỉnh cao nhất ở tháng 10 sau đó số ca bệnh giảm dần từ tháng 12 đến tháng 3.
Năm 2006, 2007 có dịch SXHD xảy ra tai Hà Nội với số ca bệnh SXHD vượt quá nhiều lần so với ngưỡng dịch trung bình từ 2002-2007.
Có sự tương quan rõ rệt giữa lượng mưa và số ca bệnh SXHD trong đó các ca bệnh SXHD thường xảy ra 1 tháng sau khi lương mưa tăng.