ĐẶC TRƢNG THI PHÁP YÊU NGÔN 2.1 Không gian – thời gian nghệ thuật của Yêu ngôn
2.2.1. Yêu ngôn và thế giới của cái phi thường, những kì nhân, kì vật.
Thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân dù ở thể tài nào cũng đều là những con người dị biệt phi thường. Có thể nói đối với con người, Nguyễn Tuân rất trọng nhân cách đẹp, tâm hồn đẹp, thậm chí tâm linh đẹp.
Trong Vang bóng một thời có hơn một chục truyện, mỗi truyện tập trung nói về một cái tài, một kiểu ăn chơi phong lưu của lớp nhà nho tài hoa bất đắc chí. Đó là cụ Kép làng Mọc (Hương cuội) có cái thú uống rượu thưởng hoa cầu kì, khác người: uống rượu nhắm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha trong mùi lan thoang thoảng khắp vườn. Sở thích ấy da diết đến nỗi cụ sẵn sàng nguyện đem quãng đời xế chiều của một nhà nho để “phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý và rượu thạch lan hương”. Đó là cụ Sáu (Những chiếc ấm đất) chỉ uống trà pha bằng nước giếng trên chùa Đồi Mai. Cụ không bước chân đi đâu xa được vì không đem theo được nước giếng chùa và thề rằng: Giếng chùa mà cạn thì sẽ lập tức cho không người nào muốn xin bộ đồ trà quý báu và cụ dám cả gan đánh đổi sản nghiệp lấy một chén trà ngon. Đó là người hành khất sành trà Tàu, sau khi đã “ăn mày” được một ấm trà, ung dung uống như một kẻ quý phái. Với ông ta thú uống trà đã đạt tới cực điểm của một nghệ thuật tinh hoa. Đó là nghệ thuật sống của giới giang hồ trộm cướp (Ném bút chì) với lối phóng dao, phóng mai thượng đẳng – họ là những kẻ nhúng tay vào tội ác nhưng vẫn còn lương tri – một hạng anh hùng lai trộm cướp, hảo hán Lương Sơn Bạc thế kỉ XX… Có thể thấy các nhân vật của Nguyễn Tuân đều là những nghệ sĩ tài hoa trong nghề nghiệp của mình. Yêu ngôn cũng không nằm ngoài đặc điểm ấy, có điều nó được đẩy lên tới mức phi thường, xuất chúng, “không hiểu nổi”.
Nguyễn Tuân sáng tác Rượu bệnh để kính viếng vong linh người bạn rượu Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Nhân vật Bố Ô, “kì nhân không biết đói nhưng chỉ thấy khát rượu” là một loại hành khất cao sang rất gần gũi với nhân vật người hành khất sành uống trà trong Những chiếc ấm đất. Với nghệ thuật nếm rượu độc nhất vô nhị: mỗi buổi sớm lúc trời đất còn lờ mờ, ông cụ đã ngồi sẵn ở các cửa ô Hà Nội, đồ vật đem theo chỉ vỏn vẹn có một cái ghế gỗ và một cái chén gỗ to gần bằng cái lồng gỗ mít đóng oản của nhà chùa. Ông cụ ngồi đấy “để đón rượu, thứ rượu làm ở bên kia sông. Thứ rượu ngon cất ở tả ngạn sông Nhĩ, đưa qua bán bên đất Kinh đô” do các cô gái vùng Bồ Đề qua đò ngang ghé vào lối Ô Quan Chưởng. Mỗi khi có gánh rượu nào đi qua là “Ông già cử động rất trịnh trọng… cả người ông cụ lúc bấy giờ là sự vui sướng hồn nhiên”. Với gánh rượu nào cũng câu gọi: “Có rượu ngon, cho lão mua vài cân”, rồi liền đưa cái chén gỗ cho cô hàng rót đầy vào để nếm thử, nếm xong kêu nhạt, chê khê xua tay cho cô hàng đi… Cứ như thế “một cô hàng rượu, hai cô hàng rượu, dăm bảy cô hàng rượu đã qua đều đều. Mỗi cô là một chén rượu gỗ nếm thử. Mỗi lần nếm thử thứ rượu cất các thứ nồi nấu khác nhau không phải trả tiền”. Và Bố Ô thực sự là một nhân vật độc nhất vô nhị trên đời này trong cách uống rượu: lão nhắm rượu với một cái đinh. “Cái đinh đóng thuyền chấm vào chén rượu mút đánh chụt một cái rất gọn” đến khi đủ chếnh choáng “để giác quan thừa sức mà nhầm lộn về cuộc đời thực tại quanh mình”. Khi đủ ấm bụng, ông già lại chập chững trở về, và cả ngày cả tối ấy, đố phố phường có nhìn thấy mặt ông nữa. Ngày qua ngày, bao giờ cũng chỉ có thế, “một cái chén gỗ lớn, một cái ghế gỗ con, phục sức chưa tã rách nhưng cũng đã quá tàu tàu, ông ngồi thu hình trên nền đất lạnh của buổi tinh mơ, rình những gánh men lướt trong màn sương… chơi chơi thật thật cứ y như là tiên hiện hình xuống để thử lòng những người đi qua” mà thực chất là “để đánh thuế rất khéo vào những gánh hàng của các cô bán
rượu quẩy vào chợ tỉnh”. Rồi đến khi tất cả các cô gái bán rượu đều nhận ra cái trò “nếm rượu chằng” tinh quái của ông già – nếm thử để rồi không bao giờ mua thật cả - họ lại tự nguyện “mỗi buổi mai cấp cho ông già đầy một chén gỗ rượu”. Và cái tên Bố Ô do các cô hàng rượu gọi đùa ông có từ ngày đó. Viết Rượu bệnh, Nguyễn Tuân có nói tới một thói tật - rượu bệnh, nhưng cũng lại gắn nó với một nghệ thuật, một thú thưởng thức cao sang: trông Bố Ô uống rượu ngon tệ, cứ ngọt sớt đi thôi… Uống đẹp quá”. Nhân vật Bố Ô quả là một hình tượng độc đáo trong thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân. Và cũng quả là tài tình ngòi bút Nguyễn Tuân: ông đã tạo ra một độ nhoè của hình tượng cho nhân vật chập chờn giữa hư và thực, tiên hiện hình và kẻ phàm tục, nghèo hèn và cao sang
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Tuân viết khá nhiều về ca nương. Nhân vật Cô Tơ trong Chùa Đàn là nhân vật ca nương đẹp nhất được xây dựng trong tác phẩm của Nguyễn Tuân với những phẩm chất đáng ngưỡng mộ: chung thủy, nhân ái và tài nghệ ca ngâm trác tuyệt. Bởi yêu thương và chung thủy với chồng mà sau cái chết của Chánh Thú, Cô Tơ thề độc sẽ không buông tiếng hát nào cho người đời nghe và “không cho tai mình nghe” bất cứ tiếng đàn của người đàn ông nào trong thiên hạ, trừ khi có người dám cầm cây đàn oan nghiệt sát nhân của chồng để lại. Vì cảm phục tấm lòng thành và tài hoa của Bá Nhỡ mà cô không nỡ để Bá Nhỡ chết, cô đã thắp hương, gieo âm dương xin chồng tạm gác lời nguyền, tha mạng cho người đàn ông chẳng quản đời mình để mưu cầu cuộc sống cho một con người khác. Những khẩn cầu của cô đã không làm xoay chuyển được tình thế. Những kiếp tài hoa, tài tình thương lấy nhau để chịu cảnh oan nghiệt.Cô Tơ buộc phải chấp nhận cuộc hòa âm định mệnh mà cô đã biết trước cái kết cục thê thảm. Đoạn văn miêu tả cuộc giao hòa âm nhạc của bộ ba: Cô Tơ vừa hát vừa gõ phách, Bá Nhỡ đàn, và Lãnh Út điểm chầu, là những trang
viết xuất sắc mà mọi miêu tả âm thanh và hình ảnh được đẩy đến cực điểm, cũng ở đấy, tài năng và tấm lòng của người đào nương này được vẽ nên bằng những gam màu đẹp nhất, tinh tế nhất và cũng huyền ảo nhất. Tiếng hát cô Tơ “vượt qua những đỉnh nhọn của thế giới âm thanh. Tiếng hát mọc cánh, thăm thẳm trong trắng tinh khiết quá pha lê gọt. Cô đang gọi nước suối đá ngọt ngào dâng lên”. Tiếng phách trúc của cô “díu dan như cô đúc lại được muôn điệu của muôn giếng chim. Có những tiếng tre đanh thép, sắc bén đến cái mực cắt đứt được sợi tóc vô tình nào bay qua khoảng nơi phách đang bốc cao vươn mình dựng dậy như vách thành”, nó rót vào tai người nghe “cả một rừng chim và cả một suối thủy tinh”. Cô Tơ hát không chỉ bằng tài năng, mà còn bằng cả tấm lòng, cả trái tim hướng đến người gảy đàn – Bá Nhỡ - bởi cô biết rằng tắt bản đàn, là cuộc đời Bá Nhỡ cũng kết thúc. Bởi thế cô Tơ “cố bắt buông từng chữ cho thật chín nục để kẻ sắp hết làm người kia đem đi cho thật đầy đủ cái dư âm của cõi sống”. Khi Bá Nhỡ gục chết khô kiệt, cô Tơ òa khóc ôm xác Bá Nhỡ. Cô Tơ không chỉ là ca nương nức tiếng. Cô còn là biểu tượng tổng hòa của nghệ thuật đàn hát, là tiếng lòng, là tình người, là sự hội tụ tuyệt đỉnh của tài và tình.
Cũng trong Chùa Đàn, gây ấn tượng đặc biệt và gợi nhiều xúc động cho người đọc là nhân vật Bá Nhỡ, người quản gia của Lãnh Út, đồng thời cũng là một anh kép đàn bất đắc dĩ mà hết sức tài hoa. Vì muốn hồi sinh cho ông chủ – cũng đồng thời là ân nhân của mình, Bá Nhỡ có một tâm nguyện “muốn trở nên một chút ánh sáng, trở nên một cái đốm lửa để làm bừng dậy trong lòng con người tê dại này”. Bá Nhỡ quyết đem mạng sống của mình “rút ruột con tằm mà nhả cái tơ lòng”, chọn lấy “cái thác của đời tằm” để đánh đổi lấy mấy giây phút tuyệt vời, vinh quang của anh hoa phát tiết, mấy giây phút tuyệt vời của niềm giao cảm giữa những con người biết phụng thờ cái đẹp của tình người. Nguyễn Tuân đã tả cái tâm trạng giằng xé
dữ dội của Bá Nhỡ khi mà biết rằng “chỉ một chốc nữa thôi” mình sẽ kí vào bản án tử hình chính mình. “Mấy đầu ngón tay Bá Nhỡ sưng vù và bật máu. Bá Nhỡ đang chịu một nhục hình bá đao tùng xẻo… Bá Nhỡ say sưa trong cái nhận thức là mình đang chết dần giữa đàn hát và mỗi một tiếng trúc tiếng tơ đánh thêm lên là mình lại càng lả dần về cõi chết. Có người tử tự tử bằng mùi hoa ngát, có người tự tử bằng hơi nhạc. Người đang luyện phím khảo dây bỗng nở một nụ cười héo sững trên hai môi tái”. Bá Nhỡ chọn cuộc chơi tuyệt mệnh không chỉ để trả ơn, mà còn để tìm một kết cuộc ý nghĩa cho cuộc đời nhỡ nhàng của mình. Kiểu nhân vật này không phải chỉ xuất hiện ở
Chùa Đàn. Nhân vật Chiêu Hiện trong Xác ngọc lam cũng là một kẻ giang hồ khí phách. Chiêu Hiệu quê vùng Phủ Quốc xứ Bắc, bỏ xứ vào Nam với giấc mơ thành đạt, trên đường li hương đã thề độc rằng: chẳng ngồi xe ngựa thì không về qua chiếc cầu này. Giống như Bá Nhỡ, Chiêu Hiện mắc vào một vụ cướp có án mạng, nhưng nhờ có Huyện Khỏe bao che, cưu mang mà Chiêu Hiện thoát án. Mang ơn cứu mạng ấy, Chiêu Hiện tâm nguyện tìm cách trả ơn, “lúc nào cũng nghĩ đến việc đi tìm báu vật cho ân nhân”. Bằng mánh khóe, Chiêu Hiện đánh tráo được tảng đá nghè giấy của nhà họ Chu ở làng Hồ Khẩu về làm tặng vật cho chủ. Trong phiến đá quý ấy có Nữ thần Dó ẩn mình, đêm đêm nàng cất tiếng khóc chồng khiến ai cũng phải nhỏ lệ. Một lần, trong cơn nguy kịch, Chiêu Hiện phải cam tâm đập vỡ phiến đá hòng cứu cô Dó, nhưng không kịp bảo toàn sự sống cho cô. Nữ thần Dó chết, Chiêu Hiện đau buồn, hối lỗi nhận phần trách nhiệm trước cái chết của cô. Cũng từ đây, Chiêu Hiện đã nhận ra chân tướng của kẻ trọc phú. Ôm xác cô Dó, Huyện Khỏe sung sướng vì có được một khối thúy ngọc toàn bích. Và Huyện Khỏe tính toán rất nhanh rằng “bán đi thì có thể thu về được cơ man là tiền bạc” hoặc “đem làm vật tạ lễ một vị quan thầy”. Những lời cuả Huyện Khỏe khiến Chiêu Hiện sửng sốt, hóa ra “từ bao nhiêu lâu nay ông đã
thờ nhầm phải một người có nhân cách đê hạ quá”. Thái độ thực dụng trắng trợn của tên bạo phú khiến Chiêu Hiện chấn động và ngay đêm đó bỏ đi. Trở về chốn cũ, lòng đầy ân hận vì “đã giết chết mất ngọc biết nói”, càng ân hận hơn là nhà họ Chu “từ khi bị đánh tráo phiến đá nghè, nhà ấy làm ăn mỗi ngày một xuống và giấy Chu Hồ bây giờ đã là một câu chuyện gần như cổ tích, một câu chuyện chỉ còn thuộc về lịch sử của nghìn xưa”, Chiêu Hiện đã “ngủ luôn một giấc để lũ con đưa ra một cánh đồng tỉnh Sơn Tây”. Với cách ứng xử ấy, Chiêu Hiện thực sự là một tay giang hồ tài tử đầy nhân cách.
Những nhân vật của Yêu ngôn dù trong cảnh sống khốn cùng, dẫu nghèo nhưng không hèn. Bố Ô (Rượu bệnh) một mình dám xông vào tận dinh quan Thượng – kẻ “quyền trấn một góc trời, lấy đầu người trị hạ cứ dễ như bỡn” – la hét huyên náo đòi thả một cô gái quê bị cậu ấm con quan bắt vào hãm hại. Ấm Đới (Đới Roi) – kẻ lãng tử đã tiêu cả cơ nghiệp vào tiếng đàn giọng hát – dù đã rơi vào hoàn cảnh bần cùng, ngày ngày phải chuốt roi chầu đi bán, vậy mà vẵn khẳng khái tới mức cố chấp, thắt cổ chết làm con ma tài tử, chứ không chịu nhận tình thương bố thí của một đào nương. Ông Kinh Lịch họ Trịnh kia (Loạn âm) không vì tình riêng mà chữa lại mệnh trời – tức là xin xóa tên những người thân trong cuốn sổ bắt phu của Diêm Vương – bởi “trong cái đời liêm chính của tôi, chưa lúc nào tôi có làm điều gì khuất tất trong lòng”… Họ là những con người có cả tài lẫn tình. Cuộc đời họ nếu có đau khổ bất hạnh thì cũng chỉ vì trót đắm đuối trong bể tình, dù là kẻ phàm trần như Ấm Đới (Đới Roi) hoặc Lãnh Út (Chùa Đàn), hay người thần người tiên như cô Dó (Xác ngọc lam), hoặc là hồn ma như Chánh Thú (Chùa Đàn)… nhưng bao giờ cũng biết bảo toàn nhân cách đẹp đẽ của mình bằng cái chết hoặc trong những thời khắc chọn lựa nghiệt ngã nhất.