ĐẶC TRƢNG THI PHÁP YÊU NGÔN 2.1 Không gian – thời gian nghệ thuật của Yêu ngôn
2.2. Thế giới nhân vật với số phận dị biệt và tính cách phi thƣờng.
Nguyễn Tuân bước vào nghề văn dường như là để minh họa cho hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ:
“Trời đất cho ta một cái tài Giắt lưng dành để tháng ngày chơi”.
Hồi ấy – những năm trước cách mạng – Nguyễn Tuân coi cuộc sống chỉ là một cuộc rong chơi, có điều thú chơi của ông là chơi tài, chơi nghệ thuật. Đọc Nguyễn Tuân, thấy người xưa nói đúng: Văn chương quả là có cái ma lực của nó. Có những sự vật, những hiện tượng, dường như nhỏ nhặt tầm thường, đối với cây bút khác, có lẽ chẳng có gì đáng nói, đáng viết, nhất là từ đấy mà lại tạo nên được “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Vậy mà Nguyễn Tuân đã khai thác được chúng như những thể tài mới lạ, phong phú, tạo nên những trang văn rất đỗi tài hoa, đầy sức hấp dẫn . Có lần, khi bàn về thơ – theo cái nghĩa rộng là văn chương – Nguyễn Tuân đã khẳng định “Thơ là mở ra được cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó,
vẫn như là bị phong kín” (Thời và thơ Tú Xương). Văn Nguyễn Tuân cũng vậy: nó mở ra bao điều mới mẻ, kỳ lạ trong số phận những con người, làm cho người đọc không thôi ngạc nhiên về sự phong phú của con người và cuộc đời. Quả là Nguyễn Tuân có một quan niệm hết sức sáng rõ về văn chương: nghệ thuật là sự sáng tạo, sáng tạo ra cái mới mẻ, độc đáo, hấp dẫn. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, nghệ thuật, trong đó có văn chương yêu cầu rất cao ở người nghệ sĩ năng lực sáng tạo thẩm mĩ. Đó là phong cách nghệ thuật của một nhà văn chân chính. Không có sáng tạo, người nghệ sĩ tự xóa bỏ mình. Phong cách trước hết thể hiện ở cái nhìn độc đáo, mới mẻ đối với hiện thực, nó thể hiện chiều sâu của sự cảm nhận và khám phá đời sống của nhà văn.
Cùng thời với Nguyễn Tuân, trong khi Nguyễn Công Hoan nhìn đời như một tấn trò đời thì với Vũ Trọng Phụng, đời là một sân chơi quái đản, ồn ào, con người quái gở, vô hồn, vô nghĩa, vô giá trị; Xuân Diệu thì lại nhìn cuộc đời với con mắt khát khao, vồ vập, đam mê. Còn Nguyễn Tuân, ông vừa khinh ghét những cái xấu xa tầm thường của xã hội thực dân phong kiến lại vừa tha thiết với cuộc sống, với quê hương đất nước mình. Có người cho rằng văn ông mới lạ trong ý tứ; người thì thích chữ nghĩa của ông giàu có, biến hóa, ẩn chứa vô số bất ngờ; có nhà nghiên cứu lại thú vị trước những trang viết phóng khoáng, vượt khuôn phép của ông; người lại yêu cái tài hoa, uyên bác, thâm thúy trên mỗi dòng văn của ông… Đặc biệt, với cái đẹp, ông lại là người suốt đời săn lùng và tìm kiếm để tôn thờ và phụng sự nó. Một phương diện nổi bật của cái đẹp mà Nguyễn Tuân say mê khám phá là vẻ đẹp của một thời còn vang bóng. Đó là những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hưởng lạc lành mạnh, tao nhã, tinh tế của người xưa…mà tất cả được thể hiện thông qua thế giới nhân vật đặc biệt trong sáng tác của Nguyễn Tuân. Một điều dễ nhận ra, những nhân vật ấy đều là những con người với số phận dị biệt và tính cách phi thường. Có thể nói nếu như tìm
đến cái đẹp, cái phi thường, kỳ lạ là một đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn thì văn Nguyễn Tuân, nhất là ở Yêu ngôn đã đẩy đến xa nhất đặc trưng này trong văn học lãng mạn trước 1945.