Mô típ hoa văn tả thực và hoa văn cách điệu trên váy Thái

Một phần của tài liệu Trang phục cổ truyền của người phụ nữ dân tộc thái huyện thường xuân (thanh hóa) (Trang 76 - 77)

6. Bố cục của luận văn

3.1.4. Mô típ hoa văn tả thực và hoa văn cách điệu trên váy Thái

Hoa văn tả thực nghĩa là “các hoa văn không bị cách điệu, hình học hoá hay bị kỹ thuật thêu dệt chi phối mạnh mẽ…mà các đường nét của động thực vật được uốn lượn như thật dễ nhận biết” [57; tr119-120]. Có thể nói người ta bê nguyên xi dáng hình của động thực vật vào, miêu tả nó một cách khá tỉ mỉ, đầy đủ.

Hoa văn cách điệu lại đối lập hay ngược lại với hoa văn tả thực. Loại này động thực vật được cách điệu hay hình học hoá, bị chi phối bởi kỹ thuật dệt đan ở mức độ cao thấp khác nhau. Nhưng có điểm chung là người ta lược bỏ bớt những chi tiết nhỏ, bộ phận phụ của động thực vật, chỉ giữ lại những bộ phận cơ bản đặc trưng nhất và thể hiện dưới dạng mô hình tượng trưng, khái quát hoá cao. Động thực vật được tạo nên bởi các đường gấp khúc, các hình học xếp lại. Hoa văn được cách điệu chứng tỏ tư duy trìu tượng và sự khái quát hoá các hình dạng động thực vật của người Thái Thường Xuân khá cao.

Trong hai loại hình cách điệu và tả thực, chúng ta thường bắt gặp những mô típ hoa văn chủ yếu là:

Mô típ hoa văn thực vật: phổ biến là các loại hoa đào (boók đao), hoa rau sam (boók phắc lam), cây đa (co bá) và vô số các loại hoa lá cách điệu khác. Loại mô típ này hay được dùng trang trí phần phụ trong đồ án.

Mô típ hoa văn động vật: có các loại hình rồng (luông), voi (chang), hươu (quảng), mèo (meo), gà (cay), vịt (pết), cá (pà), nhện (pu). Loại mô típ này khá quan trọng hay được dùng để thể hiện mảng trung tâm trong đồ án hoa văn.

Mô típ hoa văn hình học : thường bắt gặp các hình tam giác, hình chữ S, hình chữ T, hình dấu X, hình dấu gạch, hình răng cưa. Hoa văn này thường được dùng để trang trí các đường viền trên chân váy Thái trắng và trong đồ án hoa văn Thái đen.

Mô típ hoa văn hình mặt trời, mặt trăng: loại này chủ yếu được thêu, tạo mảng trung tâm của đồ án hoa văn.

Trong các loại mô típ hoa văn, hình tượng rồng, mặt trời xuất hiện nhiều lần nhất và rộng rãi nhất. Nhận xét về hình tượng rồng, T.S Lê ngọc Thắng cho rằng: “tần số rồng xuất hiện nhiều lần trên đồ án như thế thể hiện khát vọng cầu mưa, khát vọng cuộc sống của một cư dân nông nghiệp”

[57; tr120]. Phải chăng hình ảnh mặt trời (tả bên) toả ra những tia sáng mạnh mẽ mà ta bắt gặp rất nhiều trên trung tâm đồ án hoa văn chân váy cũng là khát vọng ánh sáng, sự cầu mong những ngày nắng ráo, mưa nắng thuận hoà bao giờ cũng là sự khao khát thường xuyên của một cư dân nông nghiệp ước mơ ruộng rẫy có được một mùa màng bội thu.

Một phần của tài liệu Trang phục cổ truyền của người phụ nữ dân tộc thái huyện thường xuân (thanh hóa) (Trang 76 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)