a. Một số hình thức quảng cáo sáng tạo
a.2. Quảng cáo theo hình thức truyền miệng
Quảng cáo truyền miệng là 1 trong 5 siêu bí quyết bán hàng hiện nay. “ Theo tính toán của chuyên gia quốc tế, khoảng 85% doanh số bán hàng nhờ vào hoạt động quảng cáo truyền miệng ” 5. Có thể ví hình thức này như một phản ứng hạt nhân, từ một người sẽ lan rộng ra rất nhiều người khác. Mà thường thì những luồng thông tin phi chính thức lại dễ được người ta chấp nhận hơn là đọc tờ rơi hoặc là xem quảng cáo.
Những thông tin về sản phẩm mới của Biti's có thể được lan truyền thông qua chính nhân viên trong công ty. Tất nhiên, nội dung của những thông tin truyền đi phải bám sát với thực tế, vì quảng cáo truyền miệng là một con dao hai lưỡi. Lượng thông tin được truyền đi khó có thể kiểm soát được độ chính xác của nó. Sự phóng đại quá mức có thể dẫn đến tâm lý thất vọng của các khách hàng tiềm năng.
Ngoài ra việc tận dụng những nhân viên trong công ty tiến hành quảng cáo sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể. Ví dụ như qui định việc mặc đồng phục cho nhân viên làm việc trong trung tâm và các nhân viên bán hàng bên ngoài. Người đi đường sẽ thường xuyên được nhắc nhở về Biti's khi bắt gặp logo của công ty in đằng sau áo của những nhân viên này. Sẽ có câu hỏi đặt ra là “ Liệu điều này có gây ra phản ứng từ phía nhân viên khi cho rằng họ đang bị biến thành những công cụ quảng cáo miễn phí? ”. Mỗi một nhân viên cần nhận thức được vai trò của họ đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty, chính những đóng góp của họ có thể tạo nên sự tăng trưởng về doanh thu. Kết quả là với phương pháp tính tiền lương theo doanh thu thì rõ ràng họ có lợi từ việc tự động quảng cáo “không công” cho công ty.
Ngoài ra, công ty có thể áp dụng các hình thức thưởng trực tiếp vào tiền lương cho nhân viên sau những đóng góp dưới hình thức quảng cáo truyền miệng của nhân viên đó. Điều này có thể tạo nên những phản ứng tích cực.
Một ví dụ thực tế về hãng bán lẻ Lonex của Phần Lan sau đây sẽ chứng minh cho hiệu quả của hoạt động này 6
Hãng Lonex dùng biện pháp thưởng tiền, tăng lương để khuyến khích các nhân viên bán hàng sử dụng sản phẩm của Lonex tại nơi làm việc, tức là đảm nhận cả nhiệm vụ quảng cáo. Họ không chỉ mặc quần áo đó khi làm việc mà ngay khi trên đường về, thậm chí khi đi chơi trong những ngày nghỉ cuối tuần. Qua đó, Lonex đã
tận dụng được mối quan hệ xã hội rộng rãi của các nhân viên để thực hiện quảng cáo rộng khắp. John Mase, một chủ cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ Lonex, cho biết: “Trên thực tế, việc tôi và các nhân viên cửa hàng mang trên mình những sản phẩm của Lonex sẽ tạo ra ấn tượng mạnh hơn. Có như thế, khách hàng sẽ tin tưởng rằng sản phẩm, hàng hoá của hãng có chất lượng và phục vụ cuộc sống hàng ngày một cách có hiệu quả”.
Để tăng thêm sự hiểu biết của khách hàng đối với những vật dụng nhỏ, Lonex đã thực hiện phương thức kinh doanh: nhân viên bán hàng kiêm nhân viên tiếp thị khi họ “tự bán tự khoe”. Hãng để cho một số nhân viên có chuyên môn mặc những hàng hoá của hãng rồi ra ngoài làm quen và giới thiệu với mọi người. Công việc này tỏ ra khá hiệu quả, khách hàng đến với Lonex ngày một đông hơn khiến doanh thu của hãng cũng theo đó tăng lên.
Lonex còn đưa ra quy định khá hấp dẫn các nhân viên của mình là nhân viên nào mang trên người các hàng hoá của Lonex giúp hoạt động kinh doanh của cửa hàng phát triển hiệu quả hơn thì mỗi tháng được cộng thêm vào lương 300 euros. Quy định này thúc đẩy nhân viên của hãng coi trọng hơn các hoạt động quảng cáo. Họ tìm cách khai thác các mối quan hệ bè bạn và tích cực tuyên truyền về những sản phẩm hàng hoá của Lonex. Có nhân viên còn nhân các dịp tiệc tùng, sinh nhật để mang một số hàng hoá tặng cho khách. Kết quả rất khả quan khi nhiều vị khách sau đó đã đến đặt hàng.
Nghệ thuật quảng cáo “bằng chính mình” của Lonex tỏ ra có tác dụng rất lớn trên thị trường bán lẻ. Những năm cuối của thập niên 90, mỗi năm doanh thu của Lonex tăng trung bình 50% khiến ngày càng có nhiều người đánh giá cao hiệu quả đối với phương thức quảng cáo “tiết kiệm” này của Lonex.