Khi thị trường được tự do hóa hoàn toàn, mọi rào cản trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu được gỡ bỏ thì việc thành lập Sở giao dịch hàng hóa trong đó có sàn giao dịch vàng như sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) là cần thiết để đưa thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng quốc tế, xây dựng TTTC hoàn thiện,
đồng bộ. Do nhu cầu tích trữ, đầu tư vàng vật chất và tài khoản trong dân hiện rất cao (Theo kết quả cuộc điều tra thử nghiệm quy mô nhỏ do ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thực hiện trên địa bàn Hà Nội, gần 1/3 số hộ gia đình tham gia khảo sát có đầu tư và tích lũy bằng vàng, trong đó 92% giải thích tích trữ vàng do thói quen và tâm lý phòng chống lạm phát. Cũng theo kết quảđiều tra này, vàng và ngoại tệ chiếm tới 17% trong cơ cấu đầu tư), vì thế, kênh đầu tư vàng phải được khơi thông, tạo ra dòng chảy cho thị trường vàng dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Sở giao dịch vàng quốc gia là giải pháp cho thị trường vàng và là bước điều chuyển tất yếu của thị trường tài chính. Ở các nước, không chỉ có các chủ thể như nhà khai thác, tinh chế, bán lẻ... tham gia sở giao dịch vàng. Nhà đầu tư cá nhân, tổ chức cũng có thể tham gia thông qua các công ty môi giới. Sở giao dịch vàng thực hiện trên cơ sở khớp lệnh liên tục, giá vàng sẽ do cung cầu quyết định. Từ đây loại bỏ
tình trạng thao túng, “thổi giá” hoặc ghìm giá quá mức bởi một sốđối tượng đầu cơ
như thời gian vừa qua. Bên cạnh giao dịch vàng vật chất, sở giao dịch cung cấp giao dịch vàng tài khoản, đa dạng hóa nhu cầu đầu tư, tích trữ, bảo hiểm của người dân. Vàng là loại hàng hóa đặc biệt, đồng thời có vai trò như một ngoại tệ dự trữ nên vẫn cần duy trì quản lý nhà nước đối với hoạt động của các Sở giao dịch này nhằm đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả, đảm bảo tính ổn định của TTTC và nền kinh tế. NHNN có thể là đầu mối tổ chức, thành lập, giám sát và quản lý vận hành sở giao dịch vàng.