Tạo hành lang pháp lý quản lý sàn vàng

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ tín dụng tài trợ đầu tư kinh doanh vàng tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Trang 85 - 89)

Một quy chế Sàn giao dịch Vàng sẽ rất cần thiết nhằm tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động của kênh huy động vốn quan trọng này. Tuy nhiên, trong khi chờ một quy chế như vậy được ban hành thì không ít nhà đầu tư vẫn băn khoăn không biết quy chế đó có đủ mạnh để giúp tăng cường tính minh bạch trong giao dịch vàng hay không?

Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới được đề cập tại trang mineweb.com, với tổng nhu cầu đầu tư vàng là 32 tấn trong quí I/2008, Việt Nam được ghi nhận là một trong các quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất.

Điều này thể hiện khá rõ khi khối lượng mua bán trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn có ngày lên tới hơn 500.000 lượng, trong khi khối lượng giao dịch kỷ lục của sàn giao dịch vàng Thượng Hải chỉ khoảng 300.000 lượng/ngày.

Hơn một năm qua, mặc dù đã có các giao dịch sôi động của sàn giao dịch vàng, song các nhà đầu tư không tránh khỏi những rủi ro do chưa có hành lang pháp lý phù hợp cho các sàn kinh doanh loại hàng hóa này.

Điều đáng nói là Quy chế trên sàn giao dịch vàng của các sàn hiện nay do chính các ngân hàng mở sàn vàng xây dựng và ban hành (theo sự ủy quyền của những thành viên đồng sáng lập). Cho dù các sàn đã lên tiếng về sự minh bạch của sàn giao dịch vàng, nhưng nhà đầu tư vẫn không khỏi băn khoăn về chuyện cơ chế, khi mà các ngân hàng lập sàn, đề ra quy chế và cũng tham gia giao dịch. Về phía cơ quan quản lý, đến nay, chưa có một đánh giá nào từ các cơ quan chức năng về sự phù hợp của Quy chế hoạt động, giao dịch trên các sàn giao dịch vàng. Và mặc dù đã đi vào hoạt động hơn một năm nhưng sàn giao dịch vàng chủ yếu là chỉ dựa vào các quy định do đơn vị thành lập đưa ra. Điều đó có nghĩa, sàn vàng không phải là một tổ chức kinh tế và chưa được bất kỳ cơ quan nào cấp giấy phép, tuy nhiên nhà nước chưa thể can thiệp được do chưa có hành lang pháp lý cho sàn vàng. Chính vì vậy, việc sớm ban hành một khung hành lang pháp lý chuẩn cho sàn giao dịch vàng là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Khi có sàn giao dịch vàng hoạt động theo “chuẩn”, thị trường vàng Việt Nam sẽ liên thông với thị trường vàng quốc tế. Vàng Việt Nam có hơn 90% là nhập khẩu, vì thế nếu có sàn giao dịch, thì sẽ huy động được lượng vốn lớn trong dân tham gia nhập khẩu vàng, đảm bảo quyền quyết định của người dân khi lựa chọn hình thức đầu tư. Thông qua đó, Nhà nước cũng có cơ sở giám sát, định hướng thị trường vàng. Về phía nhà đầu tư, khi gửi tài khoản bằng vàng sẽ vẫn được hưởng lãi suất, được giao dịch trong một thị trường có tổ chức.

Một sàn giao dịch vàng “chuẩn” phải phát huy được những lợi ích, đó là nơi phản ánh trung thực, khách quan về giá cả. Thông qua sàn giao dịch, người ta có thể áp dụng các công cụ phái sinh, giúp nhà đầu tư phòng ngừa và kiểm soát rủi ro trước biến động của giá vàng. Thông qua sàn giao dịch, Nhà nước có thể huy động nguồn vốn lớn từ vàng trong dân thông qua nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản, giúp mở rộng hoạt động của thị trường vàng. Các ngân hàng thương mại cũng huy động được nguồn vốn cho đầu tư phát triển, còn các cơ quan chức năng như hải quan, thuế, ngân hàng... có thể kế hoạch hóa được lượng vàng giao dịch, nắm được lượng vàng giao dịch trên thị trường, từ đó điều tiết, cân đối lượng ngoại tệ, giám sát thị trường tốt hơn.

Trước mắt, cơ quan chức năng cần xác định được các tiêu chí, điều kiện thành lập sàn giao dịch vàng (tương tự như các điều kiện thành lập công ty chứng khoán); một số nguyên tắc hoạt động đảm bảo cân đối quyền lợi giữa đơn vị quản lý sàn với các nhà đầu tư; nhận diện các dạng vi phạm và hướng xử lý, cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm...

Cho đến nay, NHNN mới soạn thảo Quy chế Sàn giao dịch vàng. Việc soạn thảo, ban hành Quy chế Sàn giao dịch vàng là rất cần thiết để đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư cũng như trách nhiệm của các sàn vàng và tổ chức tín dụng. Đến bây giờ mới bàn về chuyện đó thì rất muộn, vì nhiều sàn vàng đã ra đời, trong khi hành lang pháp lý chưa có. Đó là lỗ hổng về pháp lý, nếu không quan tâm kịp thời sẽ có những rủi ro, mà rủi ro đó không được đảm bảo về mặt pháp lý.

Ngân hàng Nhà nước trước khi ban hành phải lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, cũng như phản ánh của các doanh nghiệp trên thị trường để ban hành một quy chế hợp lý, vừa kiểm soát được hoạt động này, vừa tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng nhất cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong hoạt động của các sàn giao dịch vàng.

Dù nội dung quy chế như thế nào đi nữa, thì khi ban hành sẽ không tạo ra cú sốc cho thị trường, không tạo ra sự “cấm chợ, ngăn sông”.

Bởi vì giao dịch vàng, dưới hình thức nào, cũng là hoạt động thương mại không bị cấm. Do đó, bất cứ một quy chế nào ra đời thì cũng phải tôn trọng thực tế của thị trường và phải thực hiện định hướng của Chính phủ cho một tầm nhìn dài hạn.

NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty chứng khoán không mở mới sàn vàng cho đến khi có hướng dẫn cụ thể.

Sau khi có các văn bản kể trên thì sàn giao dịch vàng mới không được thành lập, mà chỉ có các điểm đại lý nhận lệnh giao dịch vàng của các sàn giao dịch vàng

được thành lập trước đây họ mở rộng địa bàn hoạt động, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia.

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ tín dụng tài trợ đầu tư kinh doanh vàng tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Trang 85 - 89)