d. Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp
3.3. Áp dụng SXSH trong các dịch vụ khách sạn
Trên diễn đàn trực tuyến quảng bá về Du lịch bền vững và Du lịch xanh, Tổ chức Môi trường Quốc tế (UNEP) đã nhấn mạnh đến việc cần thiết phải áp dụng SXSH trong các nhà hàng và khách sạn. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng thành công SXSH trong các dịch vụ khách sạn của họ. Đã có rất nhiều trường hợp điển hình về SXSH trong các dịch vụ nhà hàng và khách sạn được quảng bá trên các website như http://www.internationaltourismpartnership.org, http://www.benchmarkhotel.com … Sau đây
là một số ví dụ điển hình về áp dụng sản xuất sạch hơn trong các dịch vụ khách sạn trên thế giới:
1. Khu nhà trọ hạng sang Apple Farm ở California, Hoa Kỳ sử dụng nước thải lần sau cùng từ các máy giặt để dùng cho nhà vệ sinh, giảm được 15.900 lít nước sử dụng hàng ngày, ước tính tiết kiệm được khoảng 5.000 đôla Mỹ trong một năm.
2. Khu nghỉ mát Le Sport ở St. Lucia xử lý nước thải trong 3 hồ nối liền nhau thông qua một hệ thống lọc có sự tham gia của thủy sinh vật. Nước sau lọc được khử trùng bằng tia cực tím và được dùng để tưới các vùng đất trong khu nghỉ mát. Cá được nuôi trong các hồ nhằm hạn chế sự phát triển của tảo và ấu trùng muỗi. Trong năm hoạt động đầu tiên, phương pháp xử lý mới này tiết kiệm được 3,8 triệu lít nước và hàng ngàn đôla.
3. Tại nhiều khách sạn trong khu nghỉ mát đảo Great Keppel ở Úc, rác thải hữu cơ được xén vụn thành những mảnh nhỏ, được phân huỷ vi sinh trong một vài tuần và sau đó dùng làm thức ăn cho giun ở trại nuôi giun của khu nghỉ mát. Từ giun sẽ cho ra các sản phẩm giàu chất hữu cơ sử dụng làm phân bón cho các khu vườn thay cho phân vô cơ. Hệ thống này giảm được chất thải và chi phí vận chuyển rác thải ra khỏi hòn đảo.
4. Khách sạn Vancouver tại British Columbia, Canada thay thế Clo bằng Natri Cacbonat và dung dịch muối sử dụng trong các hồ bơi giúp giảm thiểu được các hóa chất độc hại và tiết kiệm được gần 1.500 đôla Mỹ trong một năm.
Mặc dù SXSH đã và đang đem lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế lẫn môi trường, tuy nhiên các nhà quản lý cũng như các nhân viên kỹ thuật trong các khách sạn thường ít có thời gian và cơ hội để tìm hiểu các biện pháp tiết kiệm điện, nước cũng như các biện pháp và sáng kiến giảm thiểu việc phát sinh chất thải. Do vậy, Hiệp Hội Khách Sạn Xanh ("Green" Hotels Association) đã ra đời vào năm 1994 nhằm phổ biến các kiến thức liên quan đến SXSH trong ngành công nghiệp khách sạn. Khi tham gia Hiệp Hội này, các thành viên sẽ nhận được một tập tài liệu hướng dẫn về các ý tưởng, các biện pháp kỹ thuật và các phương pháp để tiết kiệm điện, nước cũng như việc giảm thiểu các tác động có hại của khách sạn lên môi trường tự nhiên của khu du lịch.
Trong vòng 10 năm qua, Hiệp Hội Khách Sạn Xanh cũng đã đưa ra các hướng dẫn về việc sử dụng các tấm thẻ yêu cầu thay khăn tắm và ra trải giường. Mục đích của việc sử dụng tấm thẻ này nhằm kêu gọi sự hợp tác của khách lưu truatrong việc sử dụng lại khăn tắm và ra trải giường thay vì thay mới hàng ngày. Yêu cầu rất lịch sự này hiện nay đã được áp dụng tại hàng ngàn khách sạn ở khắp nơi trên thế giới. Nếu chỉ tính riêng lượng điện và nước tiêu thụ, việc áp dụng biện pháp đơn giản này có thể tiết kiệm được 5% tổng lượng điện và nước sử dụng hàng tháng ở các khách sạn. Theo điều tra của Hiệp Hội Khách Sạn Xanh, có đến 70% khách lưu trú tích cực hưởng ứng và tham gia ý tưởng thân thiện với môi trường này.