Đặc trưng đầu tiên trong môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến hệ thống kế toán Việt Nam phải kể đến vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế Việt Nam. Dù đã kiên quyết chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, với chủ trương phát triển nhiều thành phần kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước với nhiệm vụ trọng tâm là cổ phần hoá (CPH). Tuy nhiên các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chi phối những ngành, lĩnh vực then chốt và giữ một tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn và doanh thu của nền kinh tế. Thực chất hai nguồn hình thành vốn chủ yếu trong nền kinh tế Việt Nam là từ ngân sách nhà nước và vốn vay. Nhưng kể từ khi đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, thì nguồn vốn đầu tư nước
ngoài cũng bắt đầu chiếm một tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tài chính của Việt Nam. Theo số liệu chính thức từ Cục Thống kê, Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 6/2008 đã đạt kỷ lục mới với hơn 16 tỷ USD.
Mục tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước là đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý doanh nghiệp, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để nền kinh tế phát triển, gắn cổ phần hóa với việc phát triển thị trường chứng khoán. Tính đến hết năm 2007, theo số liệu của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cả nước đã sắp xếp được 5.367 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa là 3.756 doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn khá chậm, còn khép kín, chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài vào doanh nghiệp. Số vốn của doanh nghiệp chuyển thành vốn cổ phần còn rất khiêm tốn. Vốn cổ phần chủ yếu được giữ lại trong tay nhà nước và bán cho người lao động. Vì lý do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động vẫn chưa hiệu quả. Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp không thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, vì thế số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa tăng lên nhưng hàng hóa trên thị trường chứng khoán thì vẫn hạn chế. Theo thống kê đến tháng 09/2006 số lượng tài khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán đạt 72.000 tài khoản, trong đó số lượng tài khoản cá nhân khoảng 71.600, số lượng tài khoản của tổ chức chỉ khoảng 450.
Mặc dù có nhiều hạn chế nhưng so với các năm đầu thành lập, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có nhiều tăng trưởng. Nếu như trong năm đầu thành lập, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chỉ mới thực hiện được 100 phiên giao dịch với tổng giá trị giao dịch 251,6 tỷ đồng thì tính đến ngày 31/12/2007 đã thực hiện được 1.699 phiên giao dịch với tổng giá trị khoảng 384,5 tỷ đồng. Sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính sự tăng trưởng khá nhanh này cùng với xu hướng quốc tế hóa nguồn vốn cung cấp trong nền kinh tế đã ảnh hưởng nhiều đến kế toán Việt Nam cũng
như quá trình xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam. Sức ép về trách nhiệm kế toán và nhu cầu cần thiết thông tin tài chính minh bạch, đáng tin cậy để cung cấp cho quá trình ra quyết định của các nhà đầu tư đã đặt Việt Nam vào tình trạng phải nhanh chóng hoàn thành hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hòa hợp với các thông lệ chung của quốc tế.