đào tạo kế toán, kiểm toán để có thể đương đầu với bối cảnh hòa hợp, hội tụ với kế toán quốc tế
Công tác đào tạo nghề nghiệp có thể được xem là khâu ảnh hưởng quan trọng quyết định đến chất lượng của hệ thống kế toán một quốc gia cũng như trình độ của đội ngũ nhân viên chuyên ngành. Công tác đào tạo thể hiện qua các mặt: chương trình, phương pháp đào tạo, nội dung đào tạo. Trong thời gian qua, thực tiễn đào tạo kế toán ở nước
ta còn nhiều vấn đề hạn chế trong xu hướng hội nhập, vì thế cần có một số thay đổi như sau:
- Cần xây dựng khung chương trình đào tạo chuẩn về kế toán dựa trên các chuẩn kiến thức do Ủy ban đào tạo của Liên đoàn kế toán quốc tế ban hành và một số chương trình đào tạo của các tổ chức nghề nghiệp phát triển như : ACCA, AICPA, ...Tuy nhiên cũng cần phải điều chỉnh thích hợp cho phù hợp với đặc điểm Việt Nam. - Tích cực tham gia và sớm tạo lập quan hệ hợp tác với các tổ chức kế toán quốc tế trong đào tạo, huấn luyện, cấp chứng chỉ hành nghề và quy chế công nhận chứng chỉ hành nghề mang tính quốc tế.
- Vấn đề trọng tâm nhất trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo chính là cần thay đổi công tác đào tạo kế toán ở các trường.
+ Trước mắt nên thay đổi một cách căn bản giáo trình về kế toán, trong đó nên lấy chuẩn mực kế toán là nền tảng để học viên hiểu thực chất vấn đề thay vì sa đà chi tiết quá nhiều nghiệp vụ như hiện nay. Điều này sẽ giúp giáo trình hạn chế được những thay đổi liên tục khi chế độ kế toán thay đổi.
+ Về lâu dài nên xây dựng lộ trình, từng bước chuyển dần từ giảng dạy bám vào chế độ và chuẩn mực sang giảng dạy các vấn đề khoa học, hoàn toàn mang tính chất khách quan, phù hợp với thông lệ Quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đây là công việc cần khẩn trương thực hiện ngay, đặc biệt khi nền kinh tế thay đổi theo hướng hội nhập và không còn chế độ kế toán nữa thì những sinh viên Việt Nam được đào tạo theo kiểu cũ sẽ khó hòa nhập vào môi trường kế toán thực tế và gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề thực tiễn đa dạng đặt ra. Ngoài ra nhà trường nên kết hợp giảng dạy những vấn đề khoa học với việc so sánh đánh giá những ưu nhược điểm, những điểm hợp lý, bất hợp lý, những quy định của Việt Nam với quốc tế và những giải pháp khi vận dụng, cùng với những ý kiến đề xuất sửa đổi.
+ Việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ trong giảng dạy chuyên ngành kế toán cũng là một giải pháp nâng cao khả năng tiếp thu được khối lượng kiến thức kế toán quốc tế khổng lồ, quý báu đến từ các tổ chức kế toán quốc tế của sinh viên Việt
Nam. Từ đó, đội ngũ nhân lực kế toán Việt Nam mới có thể đóng góp xây dựng hệ thống chuẩn mực quốc gia chất lượng hơn cũng như có thể cạnh tranh được với đội ngũ kế toán chuyên nghiệp ở nước ngoài trong quá trình thực hiện hòa hợp hội tụ với kế toán quốc tế.
Mặc dù hiện nay, các trường Đại học đóng góp rất nhiều trong công cuộc xây dựng và hình thành hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam. Tuy nhiên vai trò của nhà trường trong quá trình này cần được nâng lên một mức cao hơn nữa. Bởi vì hiện nay không một cơ quan nào tại Việt Nam có đội ngũ nghiên cứu khoa học đông đảo như Nhà trường có thể hỗ trợ tốt cho Hội kế toán Việt Nam trong lúc vai trò của Hội còn yếu như bây giờ. Nhà trường có thể tham gia vào quá trình phát triển hệ thống kế toán Việt Nam bằng cách thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo của nhà trường theo hướng trang bị kiến thức và kỹ năng cho sinh viên chuẩn bị cho những bước hòa hợp vào thông lệ quốc tế.