Trong hoạt động M&A, các loại thông tin cần có như thông tin về giá cả cổ phiếu của công ty, tình hình hoạt động, tình hình tài chính, thương hiệu, thị phần, quản trị… Các thông tin này rất quan trọng đối với cả bên mua lẫn bên
bán. Nếu các thông tin này không được kiểm soát chặt chẽ về tính minh bạch thì không chỉ gây thiệt hại cho cả hai bên đối tác tham gia mà còn có thể ảnh hưởng đến các thị trường khác như hàng hóa, ngân hàng, chứng khoán...
Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, các đối tác muốn mua lại hay sáp nhập với các doanh nghiệp không thuộc hình thái là công ty cổ phần đại chúng sẽ không thể tìm hiểu được diễn biến hoạt động của doanh nghiệp trong quá khứ. Hiện tại họ dường như phải chủ yếu dựa vào nguồn thông tin được cung cấp bởi công ty môi giới. Chính điều này làm tăng mức độ rủi ro, giảm khả năng thành công đối với các giao dịch M&A. Nguyên nhân của sự thiếu thông tin về công ty bắt nguồn từ việc thiếu sự kiểm soát thông tin của doanh nghiệp từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.
Khi đó hoạt động M&A sẽ trở nên khó khăn hơn, bởi vì doanh nghiệp bên mua gặp sẽ rất nhiều trở ngại trong việc định giá đối tác của mình do tính minh bạch trong các báo cáo tài chính, kể cả các báo cáo đã được kiểm toán còn chưa cao, nhất là đối với các ngân hàng. Rất hiếm ngân hàng thừa nhận khó khăn của mình trong báo cáo tài chính, thông thường các ngân hàng thường đánh bóng lại trước khi rao bán, họ làm đẹp báo cáo tài chính, giảm chi phí khấu hao, tăng lợi nhuận ảo... Do đó, việc mua nhầm “hàng giả” là việc hoàn toàn có thể xãy ra.