Trong thời gian qua, VCB-HCM không đưa ra biểu phí quyền chọn mà căn cứ vào giá bán quyền chọn của ngân hàng nước ngoài để chào giá cho khách hàng. Tức là VCB-HCM chỉ đóng vai trò trung gian hưởng hoa hồng giữa khách hàng mua quyền chọn và phía ngân hàng nước ngoài bán quyền chọn. Khoản hoa hồng đó được cộng trực tiếp vào phí quyền chọn mà ngân hàng nước ngoài đưa ra nên làm cho phí này cao lên. Chính yếu tố phí quyền chọn cao là nguyên nhân cốt yếu làm cho loại hình giao dịch này chưa phát triển mạnh.
Ví dụ: một hợp đồng quyền chọn với các chi tiết như sau: VCB-HCM bán EUR mua USD
Số lượng: 100.000 EUR Kỳ hạn: 1 tháng
Kiểu: Mỹ
Giá thực hiện: 1,265 Phí: 1.200USD
Giao dịch trên được bắt đầu khi khách hàng đề nghị mua quyền chọn mua 100.000 EUR và bán USD cho VCB-HCM. Để đưa ra mức phí, VCB-HCM liên hệ với ngân hàng nước ngoài và cũng yêu cầu ngân hàng nước ngoài bán cho mình quyền chọn mua 100.000 EUR thanh toán bằng USD kỳ hạn 1 tháng, khi được chào giá, VCB-HCM sẽ báo giá cho khách hàng cùng với một khoản phí đã được cộng vào phí quyền chọn. Đến đây, vấn đề đặt ra là tại sao các doanh nghiệp không trực tiếp mua quyền chọn từ ngân hàng nước ngoài để giảm chi phí. Do nhu cầu của mỗi doanh nghiệp thường không lớn, nếu tự liên hệ với ngân hàng nước ngoài sẽ rất tốn kém, và các ngân hàng nước ngoài cũng không sẵn sàng thực hiện những hợp đồng nhỏ lẻ với khách hàng nước ngoài. Do đó, có thể nói VCB-HCM tạm thời giữ vai trò đầu mối tập trung các giao dịch quyền chọn nhỏ lẻ để giao dịch lại với ngân hàng nước ngoài trong lúc chưa tự doanh được. Tuy nhiên, lý do chính yếu nhất là các ngân hàng nước ngoài không thực hiện quyền chọn thanh toán bằng VND, mà chỉ sử dụng các loại ngoại tệ mạnh để thanh toán, trong khi đó các doanh nghiệp không có đủ khả năng ngoại tệ để đáp ứng yêu cầu kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện giao dịch quyền chọn với các ngân hàng thương mại trong nước.