ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỰC PHẨM CỦA VIỆT NAM
2.1.1 Lịch sử phát triển ngành CNCBTP của Việt Nam
Công nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng phần lớn đầu vào là sản phẩm của ngành nông nghiệp. Do vậy, có thể nói rằng CNCBTP phát triển cùng sự tiến bộ của của ngành nông nghiệp.
Trong suốt quá trình lịch sử của mình, có thể chia CNCBTP của Việt Nam theo các mốc sau:
+ Giai đoạn 1: trước năm 1858 (năm 1858 thực dân Pháp sang đô hộ nước ta), thời kỳ này về mặt xã hội thuần tuý là xã hội Phong kiến, về mặt kinh tế là nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, có dư thừa dùng trong trao đổi nhưng chỉ dừng lại ở sản phẩm thô.
Cùng với những tiến bộ trong sản xuất, sản phẩm nông nghiệp được tạo ra nhiều hơn. Khi đó, con người nảy sinh ý định tích luỹ, dự trữ và trao đổi với khối lượng lớn với các vùng, miền khác, do đó bảo quản, chế biến phát
triển theo. Trong xã hội bấy giờ hình thành nhóm người chuyên sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm do nông nghiệp làm ra. Tuy nhiên, ở giai đoạn này nhìn chung mới chỉ dừng lại ở mức chế biến có tính chất công nghiệp.
+ Giai đoạn 1858 – 1954: khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, họ đem theo công cụ cơ khí, máy móc thiết bị phục vụ cho việc khai thác thuộc địa, trong đó có máy móc, thiết bị phục vụ cho công nghiệp chế biến. Trong suốt thời kỳ này công nghiệp chế biến mới đạt được ở mức bán cơ khí và cơ khí . Cũng trong giai đoạn này, ở các vùng quê Việt Nam, hình thành nên các làng nghề chế biến như: nghề làm bún, làm chả, giò, nem,..
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Ngày 14 tháng 11 năm 1945 Hồ Chủ Tịch ký Sắc Lệnh số 79 thành lập Bộ Canh nông, Bộ này có chức năng quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành chế biến thực phẩm.
Thời kỳ 1945 – 1954 phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến nói riêng phục vụ cho bồi dưỡng sức dân để kháng chiến, tăng cường hậu phương kháng chiến. Các nhà máy, xí nghiệp ra đời trong thời kỳ này như: nhà máy Rượu Hà Nội, nhà máy Bia Hà Nội, nhà máy Xay Hải Phòng,..
+ Giai đoạn 1954-1975: những năm 1954-1960, đẩy mạnh cải cách ruộng đất, phát triển các ngành công nghiệp phục vụ dân sinh và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng III (năm 1960) nhấn mạnh ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp, công nghiệp nhẹ. Giai đoạn này với sự ủng hộ của Liên Xô và các nước đông Âu, hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến như: Cao-Xà-Lá, sản xuất mì chính, nhà máy đồ hộp Hạ Long,..được ra đời. Tuy nhiên, trong giai đoạn này dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị mới chỉ được trang bị ở giai đoạn cơ khí bán tự động.
Như vậy, từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, cùng với các ngành sản xuất khác, ngành CNCBTP nước ta đã đóng góp vai trò vô cùng
quan trọng được lịch sử ghi nhận đó là ngoài đáp ứng cho nhu cầu dân sinh còn góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
+ Giai đoạn 1975 –1986: sau khi đất nước thống nhất (1976), Đảng ta chủ trương khôi phục mọi mặt đời sống xã hội. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đại hội IV và V của Đảng, Hiến Pháp 1980, tại Điều 16, khẳng định:
“Nhà nước ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp trong cả nước thành một cơ cấu công – nông nghiệp,..”. Với chủ
trương đó, chúng ta đã đạt được những thành quả to lớn. Tuy nhiên, điều kiện đất nước lúc bấy giờ chưa cho phép chúng ta ưu tiên phát triển công nghiệp nặng quá mức, do đó, xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
+ Giai đoạn từ 1986 đến nay: trước bối cảnh khủng hoảng đó, Đảng ta quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện về mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội nhằm đưa xã hội ra khỏi khủng hoảng (Đại hội VI, tháng 12 năm 1986). Đại hội đưa ra nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát trong giai đoạn này là thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: “lương thực - thực phẩm, hàng
tiêu dùng và hàng xuất khẩu”, với mục đích sản xuất đủ cho nhu cầu tiêu dùng
trong nước, có tích luỹ và xuất khẩu. Với quan điểm đó, đưa nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, vì thế, năm 1987, trên cơ sở Bộ Nông nghiệp (thành lập 1977) cùng với Bộ Lượng thực và Bộ Thực phẩm sáp nhập thành Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ NN & PTNT).
Những năm gần đây, thế giới biết đến Việt Nam bởi những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng đề ra, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp và ngành CNCBTP. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, hàng năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực (năm 1988 nhập khoảng 450 ngàn tấn) đến năm 1989 chúng ta sản xuất không chỉ đủ cho tiêu dùng trong nước mà còn có dư để xuất khẩu gần một triệu tấn gạo 29, mở đầu cho thời kỳ gạo và các mặt hàng nông sản, 29 Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2006), Nông nghiệp và PTNT: thành tựu 20 năm đổi mới và định hướng phát triển đến năm 2010, (Số 3), trang 4.
thực phẩm khác hiện diện trên thị trường thế giới. Đến cuối năm 2006, nước ta đã có chín mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD 30, trong đó hơn một nửa là các sản phẩm nông sản chế biến.
Tóm lại, sau hai mươi năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp của ngành nông nghiệp, ngành cung cấp phần lớn đầu vào cho công nghiệp chế biến, thúc đẩy công nghiệp chế biến nói chung và công nghiệp chế biến thực phẩm nói riêng không ngừng phát triển.