Tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc

Một phần của tài liệu Vai trò của trần hưng đạo trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược mông – nguyên ở thế kỷ XIII (Trang 40 - 47)

Việc tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, đó là đặc điểm nổi bật trong các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII của nhà Trần. Trong điều kiện phải thường xuyên đối phó với các thế lực ngoại xâm lớn mạnh gấp bội, tổ tiên ta không chỉ dựa vào sức mạnh của nhà nước, của quân đội, mà còn dựa vào sức mạnh tổng hợp của cả nước. Bí quyết thành công của vương triều Trần là dựa vào dân bằng chính sách khoan thư sức dân. Đây là nguồn gốc của sức mạnh to lớn để chiến thắng quân xâm lược. Giặc đến đâu nhân dân ta đã nghiêm chỉnh thực hiện mệnh lệnh của nhà Trần cất giấu lương thảo, của cải, làm vườn không nhà trống, tự vũ trang đánh giặc giữ làng; hăng hái tham gia kháng chiến, tổ chức các đội dân binh phối hợp với quân đội triều đình phục kích, tập kích tiêu hao lực lượng kẻ thù, buộc chúng phải phân tán lực lượng để đối phó, góp phần tích cực vào thắng lợi trong các trận quyết chiến chiến lược. Mặt khác nhân dân còn tích cực theo dõi địch, làm tai mắt cho quân đội triều đình để phục kích và tiến công các căn cứ của giặc.

41

Bấy giờ, quân đội Mông - Nguyên rất đông và thiện chiến; bọn thống trị người Mông Cổ lợi dụng thể chất cường tráng, tinh thần chiến đấu cao, tài cưỡi ngựa bắn cung của binh lính để tổ chức thành quân đội hùng mạnh, tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược. Qua những cuộc chiến tranh, bọn phong kiến Mông Cổ còn huy động nhân tài vật lực của nước bị chinh phục để mở rộng binh lực của mình. Họ đặc biệt biết lợi dụng khả năng cơ động lực lượng, hành động mau lẹ của các đạo khinh kỵ binh thiện chiến để nhanh chóng giành không gian và thời gian, thực hành thắng lợi các cuộc viễn chinh. Trong chiến tranh, chúng thường vận dụng chiến lược tiến công ào ạt, tiến như chớp giật, như gió thổi, lửa cháy. Về không gian, quân Mông - Nguyên áp dụng chiến lược dàn thành hàng ngang hoặc tạo thế gọng kìm để khép kín lại và tiêu diệt đối phương.

Khả năng cơ động cao và sức đột kích mạnh là ưu thế của quân giặc. Tuy nhiên, cách đánh của chúng chỉ phát huy được hiệu lực trong các điều kiện sau đây:

- Đối phương chấp nhận giao chiến trực diện, hai bên đem quân chủ lực cùng đối địch.

- Chiến trường phải là nơi rộng, trống trãi dễ bày binh, cơ động lực lượng. - Bảo đảm cung cấp lương thảo đầy đủ, kịp thời.

Thế trận mà quân Mông - Nguyên mong muốn là thế trận chủ lực đôi bên dàn ra trong một không gian (chiến trường) thuận lợi để đánh nhanh thắng nhanh. Với thế trận đó, quân xâm lược đã thành công ở nhiều nơi trên các lục địa Á- Âu nói chung, nhưng khi đến Đại Việt, chúng đã bị thất bại. Bởi vì quân Mông - Nguyên đã gặp phải một đối tượng tác chiến khác hẳn, một cách đánh khác và điều kiện “thiên thời địa lợi nhân hòa” lại không thuộc về chúng. Ở đây, đối tượng tác chiến của chúng không chỉ riêng quân chủ lực mà cả lực lượng địa phương, cả dân binh các làng xã và các bộ tộc miền núi cùng tham gia.

Dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần, mà trực tiếp là Trần Quốc Tuấn, cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Nếu như trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống thời Lý, chiến sự chỉ diễn ra chủ yếu ở vùng bắc sông Đuống, từ phòng tuyến Như Nguyệt đến Cao Bằng và Lạng Sơn, thì trong ba cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên dưới thời Trần, đặc biệt là cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), khắp nơi trong cả nước đều có giặc và đánh giặc. Ba lần quân Mông - Nguyên tiến công cũng là ba lần triều đình rút khỏi Thăng Long, về các vùng hạ lưu dựa vào dân để bảo vệ lực lượng,

42

tổ chức toàn dân đánh giặc, tạo thời cơ, tăng cường sức phản công để giành thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc kháng chiến năm 1285, nhân dân ở khắp các vùng ven biển, đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam đều lao vào cuộc chiến đấu sinh tử với quân thù. Trong khi đó, nhân dân vùng rừng núi phía bắc cũng chặn giặc đến hay truy quét chúng trên đường tháo chạy. Tất cả nhân dân từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến kinh thành đều được triều đình tổ chức cho tham gia đánh giặc; mặt khác, họ còn tự tổ chức lực lượng phối hợp với quân triều đình để chiến đấu.

Trong hai cuộc kháng chiến năm 1285 và 1288, ý định ban đầu của vua Trần và Trần Quốc Tuấn là sử dụng lực lượng chủ lực, dựa vào địa hình sông, núi của ta để bày trận đánh chặn, không cho chúng tiến vào kinh đô. Song trước thực tế tương quan lực lượng không cho phép, Trần Quốc Tuấn đã kịp thời thay đổi quyết tâm chiến lược, không để cho quân địch giao chiến với quân ta khi chúng đang ở thế mạnh. Quân ta bảo toàn được lực lượng, quân địch bị căng mỏng và ngày càng bị chìm ngập trong thế trận chiến tranh nhân dân của ta. Lực lượng quân Mông - Nguyên bị tiêu hao, mệt mỏi trước những cuộc chiến đấu từ xóm làng, hương ấp.

Cùng với những cuộc rút lui chiến lược của quân triều đình, khắp nơi, nhân dân ta đẩy mạnh chiến tranh du kích tiêu diệt, gây rối cho giặc mất ăn mất ngủ. Đêm đêm, những đội quân cảm tử được lệnh xuất kích đánh vào trại giặc. Bị tấn công ban đêm, bọn giặc vô cùng hoảng sợ, chỉ biết cố thủ, đợi trời sáng mới dám đánh. Chúng phải dựng rào gỗ, tăng thêm tuần tra ở các đồn trại đề phòng quân ta tiến đánh.

Các lực lượng vũ trang địa phương ở các lộ, phủ, các bản làng nơi có địch đi qua hoặc chiếm đóng đều liên tiếp nổi dậy đánh giặc. Địch càng vào sâu thì vai trò của các lực lượng vũ trang địa phương càng quan trọng. Sự phối hợp hành động của quân chủ lực, quân địa phương và dân binh thể hiện rõ nét và được phát huy tác dụng nhất là trong cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba. Qua các giai đoạn chiến tranh, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng tại chỗ càng phát triển. Trong quá trình chỉ đạo chiến lược, Trần Quốc Tuấn còn biểu hiện tài năng của mình trong việc kết hợp khôn khéo cuộc rút lui cơ động của quân chủ lực với cuộc chiến đấu tại chỗ muôn hình muôn vẻ, ở khắp nơi và bằng mọi cách đánh của các lực lượng vũ trang địa phương.

Trong quá trình chiến tranh, khi truy đuổi vua Trần và quân chủ lực ta, quân địch phải rải mỏng và dần dần buộc phải đương đầu với các lực lượng vũ trang địa phương.

43

Chính điều đó đã làm cho quân địch rơi vào mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, đông mà thiếu, mạnh hóa yếu. Vì không bắt gặp được đối tượng chiến đấu chính là quân chủ lực nhà Trần nên quân Mông - Nguyên không thi thố được sức mạnh và không thể phát huy được cách đánh sở trường, trái lại còn bị sa lầy trong thế trận chiến tranh nhân dân Đại Việt. Chính vì thế mà tướng Nguyên đã ca thán là kỵ binh của chúng “không thi thố được tài năng” và quân đội của chúng luôn luôn như “bị treo ở lơ lửng quãng giữa”. Điều đó chứng tỏ Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh nhà Trần đã thành công trong việc phá thế trận của địch, hãm chúng trong thế trận chiến tranh nhân dân của ta.

Thành công lớn nhất của vương triều Trần là đã phát động được một cuộc chiến tranh nhân dân: cả nước chung sức, quyết chiến với quân thù, vua tôi đồng lòng, quân với dân cùng ý chí. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quân sự Việt Nam đã hình thành nên thế trận cả nước đánh giặc rộng khắp. Ở Đại Việt, quân Mông - Nguyên không chỉ đọ sức với quân chủ lực nhà Trần mà còn phải đương đầu với toàn thể nhân dân Đại Việt. Với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân cả nước gồm mọi tầng lớp, các dân tộc từ miền xuôi đến miền ngược đều nhất tề thực hiện mệnh lệnh kháng chiến của triều đình. Toàn dân tham gia vào việc đóng góp và cất giấu lương thảo; không hợp tác với quân thù; tích cực tham gia đánh giặc bằng nhiều hình thức phong phú như: gia nhập quân đội, thành lập các đội dân binh, mách bảo cho Trần Quốc Tuấn chế độ thủy triều và đặc biệt là đánh giặc ngay tại địa phương mình, nơi có quân giặc đi qua hoặc chiếm đóng.

Với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân cả nước đã thực hiện triệt để mệnh lệnh kháng chiến của triều đình: “Tất cả các quận huyện trong cả nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng” [21; 377]. Chiến lược của quân Nguyên là tiến đánh như chớp giật, đi đến đâu chúng cướp của cải và lương ăn, bắt người bản xứ phục vụ mình, nhưng điều đó chúng không thực hiện được ở nước ta. Những nơi có giặc đi qua, nhân dân đều cất giấu lương thảo, thực hiện kế “thanh dã”, tuyệt đường lương thảo của địch. Trong cả ba lần chiến tranh, quân Mông - Nguyên đều khốn đốn vì thiếu lương ăn, không những thuyền lương bị quân của nhà Trần đánh tan, mà còn vì chúng không tài nào cướp được lương thảo trong các thôn xã.

Nguyên sử cũng phải thừa nhận rằng, khi quân Mông – Nguyên tiến vào nước ta thì

44

Chỉ giấu hết thóc gạo rồi trốn đi...” khiến chủ tướng Thoát Hoan “... đem quân vào sâu (đất Việt) mà không thấy một người nào...”. Đó là do nhân dân các làng xã thực hiện kế “thanh dã”, “bất hợp tác” với kẻ thù. Vì thế, quân giặc đã lâm vào cảnh “không có lương ăn”, buộc phải tổ chức các cuộc hành quân “tìm lương” trong các làng xã. Nhân dân ở khắp nơi đã liều chết chống lại các cuộc hành quân cướp bóc của quân Mông - Nguyên. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” khi tổng kết cả ba lần kháng chiến cho biết cả nước chỉ trừ có hai hương Bàng Hà và Ba Điểm hàng giặc, còn hầu hết làng xã Đại Việt đều dựa vào lũy tre làng, anh dũng chiến đấu, chặn đứng và làm thất bại các cuộc hành quân của quân thù. Điển hình là dân làng Cổ Sở (xã Yên Sở) trong các năm 1258 và 1288, đã hai lần đánh bại sự cướp phá của quân Mông - Nguyên, bảo vệ làng xóm mình. Văn bia chùa Hương Phúc (1324) cũng phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân làng Yên Duyên (Thanh Hóa) do viên đại toát (xã trưởng) Lê Mạnh chỉ huy đã đánh tan một đội quân của Toa Đô khi chúng tiến qua địa phận xã mình trong giai đoạn cuộc kháng chiến lần thứ hai. Mùa xuân năm 1285, nhân dân làng Xối Đông (xã Trung Đông, huyện Nam Ninh, Nam Hà) đã tổ chức ba đồn binh để đánh giặc và đã đánh tan một cánh quân của Ô Mã Nhi ở cầu Vô Tình khi chúng sang sông cướp phá. Năm 1288, nông dân tại Yên Hưng (Quảng Ninh) đã phối hợp với quân triều đình chống lại cuộc hành quân cướp lương của tướng Ô Mã Nhi sau khi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị tiêu diệt. Dân làng Phả Lễ, Phục Lễ đã phục kích, tiêu diệt một đội quân của Ô Mã Nhi khi chúng vào cướp lương thực, gà vịt đem xuống thuyền.

Ở những nơi giặc đã chiếm, những bộ phận nhỏ của quân đội triều đình, của quân các lộ, phủ, châu đã phối hợp với hương binh, thổ binh ở lại bám trụ địa bàn sau khi đại quân triều đình đã rút về phía nam, tiến công liên tục ngày đêm vào các mục tiêu sau lưng địch.

Địch rất sợ các cuộc tiến công ban đêm, thường chỉ đối phó cầm cự, chịu thương vong, chờ ban ngày mới kéo quân ra đánh trả. Có những lực lượng quân, dân vùng địch hậu lập thành tích quan trọng, như quân dân ải Nội Bàng tiêu diệt 5000 quân Mông - Nguyên hộ tống bọn phản bội Lê Trắc về nước trong cuộc kháng chiến lần thứ ba.

Các cuộc tiến công của quân, dân địa phương ngày càng mở rộng khi quân Mông - Nguyên tiến công đuổi theo triều đình và đại quân nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến lần thư hai, quân Nguyên chia làm ba mũi tiến công vào nước ta. Mũi tiến công thứ nhất là tiến vào từ phía đông bắc, đây là một trong ba mũi tiến công quan trọng của chúng. Mũi tiến công này do Thái tử Thoát Hoan chỉ huy, đạo quân này vừa đến Ma Lục (Chi Lăng - Lạng

45

Sơn) thì bị đội dân binh người Tày do Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh chỉ huy đánh chặn. Cũng giống như lần trước, quân Nguyên phải đương đầu với quân ta ngay từ khi chúng đặt chân vào đất nước. Bởi vậy sau một thời gian chiếm đóng ở Đại Việt các cánh quân của Thoát Hoan không cướp bóc được gì; trong khi thời tiết phương Nam đang chuyển dần sang mùa hè, lính phương bắc không quen với khí hậu nên sinh ra bệnh tật, ốm đau ngày càng nhiều. Lương thực thiếu thốn, quân lính bị tiêu hao nhiều do các lần tập kích của nhân dân địa phương. Đây được xem là những nhược điểm của quân Nguyên đồng thời đã trở thành thời cơ cho quân và dân nhà Trần chuyển sang phản công tiêu diệt giặc trên khắp các mặt trận.

Tháng 5 năm 1285, cuộc kháng chiến của quân và dân ta bước sang giai đoạn phản công chiến lược. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từ Thanh Hóa tiến quân ra bắc để tách quân của Toa Đô ra khỏi đạo quân của Thoát Hoan. Bởi đây là một trong ba đạo quân lớn của quân Nguyên sang đánh Đại Việt. Quân ta tiến công mạnh vào các tuyến phòng thủ của giặc ở Thăng Long. Lúc đó lực lượng dân binh ở các lộ do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Thuyền chỉ huy cùng với quan quân sát cánh phản công quyết liệt vào các đồn trại của quân Nguyên ở A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử. Hệ thống phòng thủ của địch trên sông Hồng bị phá tan. Thoát Hoan buộc phải rút khỏi Thăng long sang đóng quân ở phía Bắc sông Hồng, rồi quyết định rút quân về nước để tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Dù quân địch đã rút chạy song quân ta vẫn tiến công quyết liệt và bố trí sẵn các trận địa mai phục trên đường rút chạy của chúng. Quân Nguyên bị truy kích ráo riết và bị phục binh liên tiếp đổ ra đánh, đặc biệt trận sông Cầu, Vạn Kiếp đã tiêu diệt vô số quân giặc. Thoát Hoan cùng đại binh phải mở đường máu mới thoát thân về bên kia biên giới. Số quân Nguyên rút theo đường tây bắc cũng bị các dân binh miền núi do Hà Đặc, Hà Chương chỉ huy chặn đánh ở Phù Ninh (Vĩnh Phú). Quân Nguyên bị đánh cho tan tác, cắm đầu cắm cổ rút chạy về Vân Nam. Trong tập

Sử biên niên của Ba Tư, Rasít Utđin (1247 - 1318) đã viết về phong trào toàn dân chống quân giặc cướp bóc (1288) ở Đại Việt như sau: “... Bỗng nhiên từ biển, từ rừng, từ núi xuất hiện những đội quân nước đó (chỉ Đại Việt) đánh tan đạo quân của Tu Gan (Thoát Hoan)

đang lao vào cướp bóc...”.

Trong khi đó, nhân dân lại tích cực giúp đỡ quân đội triều đình về mọi mặt. Đền thờ Vua Bà ở gần sông Bạch Đằng là đền thờ một phụ nữ đã mang lương thực ủng hộ quân đội và mách cho Hưng Đạo Vương ngày con nước của sông này. Có những thanh niên như Võ

46

Nguyên ở làng Do Lễ (Tam Hưng, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang cày ruộng gặp đạo quân Trần đi qua đã xin phép mẹ già theo Hưng Đạo vương đi đánh giặc, lập công...

Trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, nhân dân các dân tộc nước ta đều kề vai sát cánh chiến đấu bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Một phần của tài liệu Vai trò của trần hưng đạo trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược mông – nguyên ở thế kỷ XIII (Trang 40 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)