Phân đoạn thị trường không có nghĩa đơn giản là chỉ phân chia thị trường tổng thể thành nhiều phân đoạn nhỏ và chọn lấy bất kỳ một phân đoạn là đều có thể kinh doanh mang lại hiệu quả. Tất cả cần phải thỏa mãn một số yêu cầu:
Tính đo lường được: quy mô, sức mua, và các đặc điểm của khúc thị trường đều có thể đo lường được. Tuy nhiên, vẫn có nhiều những biến số nhất định nào đó liên quan đến yếu tố cá nhân lại rất khó đo lường chính xác.
Khá lớn: Nghĩa là quy mô, nhu cầu phải khá lớn và sinh lời xứng đáng để phục vụ. Tuy nhiên, đối với những công ty đáp ứng thị trường ngách, thì quy mô khá lớn nhưng phải không tạo ra sự thu hút đối với những nhà dẫn đạo thị trường. Một khi khúc thị trường là khá lớn, thì chi phí tính trên đầu người cho một chiến dịch Marketing hay bất kỳ hoạt động nào khác của công ty sẽ được giảm bớt và gia tăng khả năng sinh lời cho công ty.
Có thể tiếp cận được: Các khúc thị trường phải tiếp cận được và phục vụ có hiệu quả.
Có thể phân biệt được: Các khúc thị trường này khác biệt nhau về quan niệm và đáp ứng khác nhau đối với các yếu tố Marketing- Mix và chương trình Marketing khác nhau. Mỗi người luôn khác nhau về hoàn cảnh, yếu tố tâm lý…Do đó, khi ứng xử trước một tình huống cụ thể, như mua một sản phẩm gì, họ đều có những cách thức mua và lựa chọn khác nhau. Chính điều đó làm cho họ trở nên khác biệt và dễ nhận dạng.
Có thể hoạt động được: Có thể xây dựng những chương trình có hiệu quả để thu hút và phục vụ những thị trường đó. Tùy vào nguồn lực, khả năng của từng công ty mà họ phải lựa chọn những phân khúc thị trường phù hợp, chỉ có như vậy, những chiến dịch quảng bá, Marketing mới có hiệu quả.