IV.1. Khống chế gia tăng dân số tự nhiên, duy trì vững chắc xu thế giảm sinh nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tái sản xuất xã hội.
Đây là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên để hướng cho sự gia tăng dân số theo kế hoạch cho phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình và xây dựng quy mô gia đình hợp lý liên quan đến nhiều phạm vi kinh tế, xã hội, văn hóa. Cần thực hiện chính sách pháp luật tạo điều kiện để xây dựng gia đình 1-2 con; tạo cơ hội để mọi thành viên trong gia đình đều được tôn trọng, xây dựng nếp sống văn hóa gia đình; đẩy mạnh dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh thai, tư vấn sức khỏe tình dục.
IV.2. Ổn định các quá trình dân cư.
Định hướng đô thị hóa và di dân tốt hơn, phân bố hợp lí dân cư và lao động. Các dự án phát triển cộng đồng nông thôn phải hướng tới đô thị hoá nông thôn, giảm các quá trình di cư. Điều đó đòi hỏi các dự án phải hướng tới lợi ích của cộng đồng địa phương, thu hút sự tham gia rộng rãi của nông dân, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn. Cải thiện cuộc sống của người nghèo đô thị là cốt lõi của phát triển đô thị, không cần phải song hành với phát triển nông thôn để kiểm soát được dòng di dân nông thôn - đô thị.Những người nông dân, ngư dân thất nghiệp do côngnghiệp hoá sẽ dễ dàng được giải quyết việc làm tại các đô thị và khu công nghiệp. Dân cư còn được phân bố lại ở các vùng thưa dân nhưng giàu tiềm năng,nhằm tạo điều kiện khai thác tốt mọi nguồn tài nguyên, tận dụng và điều hòa nguồn lao động giữa các vùng trong phạm vi cả nước.
IV.3. Nâng cao chất lượng dân số - nguyên tắc của phát triển bền vững.
Tái sản xuất dân cư là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người. Dân số gắn với phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân là mục tiêu của sự phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng cuộc sống cần phải đảm bảo những mục tiêu sau:
Chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm lo sức khỏe, chăm sóc đời sống tinh thần. Đảm bảo sức khỏe là đảm bảo sự phát triển con người. Đặc biệt lưu ý đối với nhóm như trẻ em, người già, người tàn tật, người dân tộc thiểu số. Sức khỏe phụ thuộc vào sự thay đổi môi trường, thay đổi khí hậu, kể cả việc thay đổi đa dạng sinh học, tùy thuộc vào tình trạng nhân khẩu và cách cư xử của con người; các hoạt động thương mại và du lịch quốc tế; biến chứng của y học hiện đại; sự thay đổi và thích nghi của vi sinh vật... do vậy, chăm lo sức khỏe cộng đồng cần lưu ý đến việc phối hợp, điều chỉnh các yếu tố trên.
Tăng tuổi thọ là một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển xã hội ở các nước phát triển và đang phát triển. Tuổi thọ con người nói lên khả năng được sống trong cuộc sống lành mạnh lâu dài.
Rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội như tạo việc làm, tăng thu nhập trên đầu người; giảm bớt sự phân biệt nam nữ; nâng cao vị thế của người phụ nữ; thực hiện xóa đói giảm nghèo (ở Việt Nam sự chênh lệch về giàu và nghèo gấp nhau 34.4 lần), vay vốn sản xuất, trợ giúp các đình chính sách. Đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp tạo việc làm hơn là cho tiền của. Cộng đồng nghèo đói là cộng đồng không có quyền lực thực sự. Cốt lõi của sự nghiệp xoá đói giảm nghèo là thực hiện dân chủ tận gốc, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, trình độ phù hợp với yêu cầu phát triển. Con người muốn tiến đến sự phát triển bền vững buột phải làm chủ tri thức khoa học. Nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải hạn chế dân số và ổn định tiêu thụ. Cần phải nâng cao hơn nữa về nhận thức cho người dân về mối quan hệ khăng khít giữa dân số và môi trường, giữa dân số và chất lượng cuộc sống... Đặc biệt phải chú ý vai trò của phụ nữ trong vấn đề này. Phụ nữ cần phải được nhận thức đầy đủ về những sự lựa chọn mà họ có được đối với quy mô gia đình và phong cách sống trong chính môi trường của họ...
Cải thiện các điều kiện lao động và vệ sinh môi trường sống. Phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế thấp nhất tình trạng xã ra các chất thải có hại, đảm bảo các sản phẩm và quy trình sản xuất không gây ô nhiễm, bằng kinh tế, bằng pháp luật, bằng khoa học kĩ thuật.
Phát triển đời sống văn hoá sinh thái - nhân văn theo hướng xây dựng một quan niệm mới về ý thức sinh thái phù hợp với sự phát triển xã hội bền vững. Giải quyết tốt nạn ô nhiễm môi trường xã hội. Giáo dục ý thức sinh thái cho mọi người, mọi thành viên xã hội. Phát triển bền vững là một lối sống, một nguyên tắc đạo đức mới, một "đạo lý toàn cầu” mới. Do vậy, giáo dục truyền thông môi trường là một công cụ cực kỳ quan trọng của phát triển bền vững. Tuy nhiên, công cụ này chỉ thực sự sắc bén nếu những lựa chọn về giá trị được chuyển giao vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định.
IV.4. Cân đối hài hòa giữa dân số và khả năng chịu đựng của trái đất. IV.4.1. Lí do
Cuộc sống của con người ở khắp mọi nơi đều phụ thuộc vào thiên nhiên. Con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên để tồn tại, phát triển và cải thiện điều kiện sống của mình. Sự thiếu hụt về tài nguyên cũng gây những khó khăn to lớn, dẫn đến tình trạng bất an của xã hội, hỗn loạn về chính trị. Việc khan hiếm tài nguyên, nhất là tài nguyên không thể phục hồi được đã gây nên những cuộc xung đột quyết liệt ở các nước. Do vậy, việc sử dụng thiên nhiên phải duy trì được tính đa dạng và khả năng tái sinh của tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta phải biết bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Tình trạng nghèo khổ trên diện rộng và sự bất bình đẳng nghiêm trọng về xã hội kinh tế đều chịu tác động mạnh mẽ của các nội dung dân số học như quá trình tăng dân số, kết cấu dân số, phân bố dân cư. Hình mẫu sản xuất và tiêu dùng thiếu bền vững thì sẽ gây ra việc sử dụng tài nguyên không có kế hoạch và tác động xấu đến chất lượng môi trường. Do vậy, sự phát triển bền vững là phải đảm bảo lồng ghép hài hòa giữa sự giữa dân số ổn định và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Nếu dân số và mức tiêu thụ cứ tiếp tục gia tăng thì khả năng chịu đựng của môi trường sống ngày càng giảm thậm chí không thể đáp ứng nổi. Khả năng chịu đựng được hiểu là một số lượng cá thể sống trong một vùng sử dụng lượng thức ăn, nước uống, các tài nguyên khác và khoảng không gian đầy đủ do vùng đó cung cấp mà không gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Như vậy, việc xác định những giới hạn chịu đựng của từng hệ sinh thái – giới hạn có thể đứng vững đối với những đòi hỏi của con người mà không bị suy thoái một cách nguy hiểm. Giới hạn đó không chỉ tính bằng số người mà còn phải tính cả số lượng vật dụng đã sử dụng và bỏ lãng phí đi. Mặt khác, những tác động độc hại lên môi trường như là ô nhiễm cũng làm giảm bớt khả năng chịu đựng của trái đất. Năng lực sản xuất và quay vòng của các hệ sinh thái có thể được tăng cường nhờ con người, nhưng sự tăng cường đó không thể vượt quá giới hạn tự nhiên. Nhưng khả năng này có thể kéo dài nhờ tiến bộ khoa học và kĩ thuật. Để dừng lại trong khả năng của trái đất có thể cung cấp một cuộc sống có chất lượng thực sự cho con người, điều chủ yếu là hạn chế gia tăng dân số và mức tiêu thụ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
IV.4.2. Các biện pháp.
Nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải hạn chế dân số và ổn định tiêu thụ, ổn định dân số là điều chủ chốt và trách nhiệm thuộc về mọi người, sử dụng quá mức và lãng phí các nguồn tài nguyên sẽ dồn loài người vào giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng của trái đất.
Kết hợp vấn đề dân số và tiêu thụ tài nguyên vào trong các chính sách và kế hoạch của nhà nước. Mục tiêu rõ ràng là mức dân số ổn định đảm bảo sự phát triển bền vững.
Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế ở các nước có thu nhập thấp để tiến đến xã hội phát triển, phân phối công bằng đất đai và tài nguyên, cải thiện mức sống, giảm bớt sự phân biệt nam nữ.
Ở các nước phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng giảm bớt tác động về môi trường, giảm mức tiêu thụ, lãng phí và ô nhiễm các cấp, cải thiện đời sống của người dân nghèo nhất và giúp các nước nghèo phát triển.
Duy trì được càng nhiều càng tốt các hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái cải biến càng rộng càng tốt đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau; chấm dứt tình trạng mất rừng, bảo vệ đất nông nghiệp, ngăn chặn suy thoái đất và tăng cường sản lượng lâu dài bằng các biện pháp bền vững.
Tăng cường bảo vệ các loài vật hoang dã. Thu hồi các tài nguyên hoang dã một cách bền vững, bảo vệ nơi sinh sống và các hệ sinh thái nuôi dưỡng tài nguyên đó.
Thực hiện di cư có quy hoạch, kế hoạch nằm trong phương hướng chiến lược tái phân bố dân cư và lao động – giảm sức ép nơi quá đông dân, nhưng không được mang con bỏ chợ. Phát huy mặt tích cực, tạo hòa đồng với dân cư nơi ở mới. Phải quản lý nhân khẩu từ đó quản lý được tài nguyên vì di cư tự phát có nguy hại là khai thác bừa bãi, gây đảo lộn về giao thông, y tế, giáo dục.
Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển kinh tế xã hội – là xu hướng chuyển đổi từ xã hội nông thôn là phổ biến sang xã hội đô thị là phổ biến tại các nước phát triển và đang phát triển. Đô thị hóa phải tiến hành trên cơ sở dữ liệu cụ thể, có phương án thực hiện một cách thấu đáo; phải được thực hiện một cách đồng bộ, có đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho dân cư có cuộc sống ổn định, được hưởng các quyền lợi về chăm sóc y tế, giáo dục, và văn hóa. Tìm các con đường phát triển kinh tế giảm được sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm tạo ra chất thải, tăng tái sử dụng chất thải:
+ Xác định các mẫu hình tiêu thụ cân bằng và có thể duy trì được trên thế giới. + Đẩy mạnh sản xuất có hiệu quả, giảm tiêu thụ lãng phí.
+ Xây dựng các chính sách khuyến khích chuyển sang mẫu hình bền vững trong sản xuất và tiêu thụ như kích thích giá cả và các tín hiệu thị trường, phát triển và mở rộng việc dán nhãn môi trường ; giáo dục nâng cao nhận thức cho công chúng, quảng cáo lành mạnh.
+ Khuyến khích việc chuyển giao các công nghệ thân môi trường cho các nước đang phát triển. Khoa học công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng và không thể thiếu trong quá trình phát triển. Công nghệ có thể tạo ra các nguồn tài nguyên mới, năng lượng mới. Công nghệ sinh học hứa hẹn sẽ loại trừ nạn đói do ngày càng được thử nghiệm và áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi. Nhiều “công nghệ sạch” mới đã và đang được phát triển thay vì ngăn chặn tận gốc, hay cố gắng làm giảm hậu quả của ô nhiễm đặc biệt là các công nghệ xử lý chất thải “cuốí đường ống". Các hoạt động kinh tế địa phương đa dạng hoá trên cơ sở nguồn tài nguyên đa dạng của địa phương có khả năng đáp ứng tốt hơn đối với các nhu cầu cơ bản của cộng đồng, tăng độ an toàn của cộng đồng, của quốc gia và toàn cầu
KẾT LUẬN
Dân số là mẫu số chung cho nhiều khía cạnh về môi trường. Môi trường và dân số là những vấn đề xuyên suốt mọi lĩnh vực và mọi trình độ phát triển, sự tăng dân số sẽ làm tăng thêm sự căng thẳng về môi trường.
Dân số, sự phân bố về dân số, tốc độ tăng dân số... đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Dân số tăng nhanh nhưng đất không tăng, sản lượng lương thực không đủ đáp ứng cho dân, dẫn đến đói nghèo, thất học, chăm sóc y tế kém. Bất kỳ một đất nước nào cho dù tài nguyên có giàu đến đâu nhưng dân số càng nhiều thì chất lượng cuộc sống cũng nhất định phải giảm thấp. Nhưng dân số lại là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Như vậy, dân số vừa là phương tiện vừa là động lực của phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất khi lồng ghép vấn đề dân số với phát triển bền vững là việc đặt chúng vào mối quan tâm tổng thể trong chiến lược và chính sách chung.
Phát triển bền vững không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo ổn định dân số,nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội; xây dựng mẫu hình tiêu thụ bền vững phù hợp với khả năng chịu đựng của môi trường;cân bằng phúc lợi kinh tế với phúc lợi sinh thái và phúc lợi nhân văn hay phải đảm bảo hài hòa giữa ba yếu tố kinh tế - xã hội – môi trường. Phát triển bền vững buột phải con người làm chủ tri thức khoa học, làm chủ khoa học công nghệ nhưng thách thức lớn nhất vẫn là ý thức sinh thái của con người. Cần thay đổi cả thái độ, hành vi của con người nhất là về mặt tổ chức, hoạch định chính sách và chiến lược phát triển bền vững trong đó có chiến lược phát triển dân số.
Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Khái niệm tài nguyên (Resources)
Tài nguyên là các dạng vật chất được tạo thành trong suốt quá trình hình thành và phát triển của tự nhiên, cuộc sống sinh vật và con người. Các dạng vật chất này cung cấp nguyên-nhiên vật liệu, hỗ trợ và phục phụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của con người.
Tài nguyên bao gồm tất cả các nguồn nguyên liệu, năng lượng, thông tin có trên trái đất và trong không gian vũ trụ liên quan mà con người có thể sử dụng được để phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của mình
I.2. Khái niệm tài nguyên thiên nhiên
TNTN là nguồn của cải vật chất nguyên khai, được hình thành và tồn tại trong tự nhiên mà con người có thể sử dụng để đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống.
Nguồn TNTN luôn được mở rộng với sự phát triển của xã hội. TNTN có thể thu được từ môi trường tự nhiên, được sử dụng trực tiếp (như không khí để thở, các loài thực vật mọc tự nhiên...) hay gián tiếp thông qua các quá trình khai thác và chế biến (như các loại khoáng sản, cây lấy gỗ, đất đai...) để sản xuất ra những vật phẩm nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của xã hội loài người
I.3. Phân loại tài nguyên
Dựa vào một số tiêu chí, quan điểm, người ta có sự phân loại tài nguyên thiên nhiên theo những cách khác nhau.
- Theo quan hệ với con người: Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội.
- Theo phương thức và khả năng tái tạo: Tài nguyên tái tạo, tài nguyên không tái tạo.
- Theo bản chất tự nhiên: Tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản,