CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA
2.1 Khái quát tình hình kinh tế–xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây (2001 – 2005)
(2001 – 2005)
Trong 5 năm qua (2001 – 2005), đất nước đã giành được nhiều thành tựu kinh tế–xã hội đáng kể. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, năm sau cao hơn năm trước: Tốc độ tăng GDP năm 2001 là 6,9% lên 7,08% năm 2002; 7,34% năm 2003; 7,8% năm 2004 và lên đến 8,4% năm 2005. Hội nhập kinh tế quốc tế và kinh tế đối ngoại có bước tiến mới rất quan trọng: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 năm đạt hơn 110,6 tỷ USD, tăng 17,5%/năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 năm khoảng 130 tỷ USD, tăng 19%/năm. Vốn đầu tư nước ngoài tăng khá, tổng giá trị vốn ODA trong 5 năm qua đạt khoảng 15 tỷ USD (vốn giải ngân đạt 7,7 tỷ USD); tổng mức vốn FDI đăng ký đạt gần 20 tỷ USD (vượt hơn 33% so với kế hoạch); tổng vốn thực hiện 14,3 tỷ USD (vượt 30% so với kế hoạch). Cùng với sự tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ổn định, cán cân thương mại, giao dịch vãng lai, giao dịch vốn được cải thiện đáng kể, nguồn ngoại tệ bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên nhanh chóng, ngoại hối dự trữ đã đảm bảo thanh toán cho 12 tuần nhập khẩu, tổng số dự trữ ngoại hối đã tương đương 18,18% GDP. Song song với việc phát triển kinh tế, Nhà nước ta đã chú trọng đến vấn đề phát triển giáo dục đào tạo, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có tiến bộ trên nhiều mặt, việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với giải quyết vấn đề xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lĩnh vực chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, quan hệ đối ngoại được mở rộng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.