Hệ thống bảo hộ quyềnsở hữu trí tuệ

Một phần của tài liệu Xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam phù hợp với Hiệp định của WTO về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (Hiệp định TRIPS).doc (Trang 31)

1.2.1. Khái niệm về hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Để hiểu được khái niệm về hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trước tiên cần tìm hiểu khái niệm về hệ thống.

Hệ thống được hiểu là “tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất” hoặc là “tập hợp những tư tưởng, nguyên tắc, quy tắc liên kết với

nhau một cách logic, làm thành một thể thống nhất” hoặc là “phương pháp, cách thức phân loại và sắp xếp sao cho có trật tự logic” [46, tr. 440]. Một cách ngắn gọn, hệ thống là tập hợp các yếu tố, tư tưởng, nguyên tắc, phương pháp có liên hệ chặt chẽ với nhau một cách logic thành một thể thống nhất. Như vậy, hệ thống là một tập hợp các bộ phận có mối quan hệ chặt chẽ, bổ trợ cho nhau tạo nên một thể thống nhất vừa có điểm riêng và điểm chung. Với cách hiểu về hệ thống như trên, có thể khẳng định rằng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng là một tập hợp các bộ phận với những chức năng khác nhau nhưng đều có chung một mục đích là nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ của họ.

Hiểu theo nghĩa hẹp thì hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là tập hợp các chính sách, pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho việc thực thi chính sách pháp luật đó. Xét theo nghĩa rộng, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một thể thống nhất gồm tập hợp các bộ phận trong đó có hoạt động của nhà nước, của chủ sở hữu và của các chủ thể khác trong xã hội nhằm bảo đảm thực hiện tốt các quy định về bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ. Trong thể thống nhất này, tập hợp các hoạt động của nhà nước là bộ phận bao gồm các hoạt động liên quan đến ban hành chính sách, pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng cơ chế thực thi các chính sách, pháp luật đó. Tập hợp các hoạt động của chủ sở hữu là việc các chủ sở hữu thực hiện việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ của mình và các hoạt động tự bảo vệ khi quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập bị xâm phạm trong đó có các hoạt động ngăn ngừa sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tập hợp các hoạt động của các chủ thể khác trong xã hội của cộng đồng xã hội là những hoạt động tự giác tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của chủ

sở hữu, là nhận thức của cả xã hội, của cả cộng đồng về sự tự giác tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các tài sản trí tuệ, từ đó thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo và các hoạt động chuyển giao công nghệ. Vì vậy, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi sự vận hành hữu hiệu của tất cả các bộ phận nằm trong hệ thống nói trên. Vì vậy, trong phạm vi Luận án này, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ được tiếp cận theo nghĩa rộng nói trên. Nói cách khác, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được cấu thành bởi ba bộ phận. Bộ phận thứ nhất là tập hợp các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nhà nước. Bộ phận thứ hai là tập hợp các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của bản thân chủ sở hữu. Bộ phận thứ ba là tập hợp các hoạt động tạo thành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của cộng đồng xã hội. Luận án cho rằng quyền sở hữu trí tuệ muốn được bảo hộ một cách triệt để thì việc bảo hộ phải được thực hiện không chỉ từ phía nhà nước, từ phía chủ sở hữu mà còn phải từ phía toàn thể cộng đồng xã hội. Ba bộ phận bao gồm tập hợp các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tạo thành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của một quốc gia. Thiếu bất cứ bộ phận nào thì hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành không đầy đủ và không hiệu quả. Để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhà nước phải ban hành hệ thống pháp luật xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ. Nhà nước ban hành pháp luật nhưng bản thân các chủ sở hữu không quan tâm, không tự giác xúc tiến các thủ tục cần thiết thì các quy định của pháp luật về xác lập quyền sở hữu trí tuệ chỉ là hình thức. Tương tự như vậy, nếu nhà nước chỉ ban hành pháp luật xáclập quyền sở hữu trí tuệ mà không có cơ chế xử lý vi phạm thì các quy định của pháp luật sẽ không có giá trị thực tiễn. Cơ chế xử lý vi phạm sẽ rất khó hoạt động hiệu quả nếu cả cộng đồng xã hội

không phối hợp cùng nhà nước và chủ sở hữu trong việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước và chủ sở hữu dù nỗ lực tối đa trong các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì cũng không thể xử lý hết các trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu thiếu sự hợp tác chặt chẽ, tự giác từ phía cộng đồng xã hội. Rõ ràng ba bộ phận này là không thể tách rời mà ngược lại, chúng có mối quan hệ hữu cơ và đều hướng về một mục tiêu là xác lập, củng cố và bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ.

Như vậy, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một tập hợp gồm ba bộ phận có mối quan hệ chặt chẽ, có sự tác động hữu cơ với nhau. Chúng được xây dựng nhằm bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu. Xã hội càng phát triển, vai trò của các tài sản trí tuệ càng được đề cao thì hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng phải được quan tâm xây dựng ngày càng hoàn thiện.

1.2.2. Các bộ phận cấu thành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Sẽ khó hình dung hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nếu không tiếp tục phân tích các bộ phận cấu thành của hệ thống.

1.2.2.1. Tập hợp hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nhà nước

Tập hợp hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của một nhà nước thường gồm hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Các nhà nước vốn có thái độ rất khác nhau về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các nhà nước phát triển coi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như là một phần thưởng thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới sản phẩm trí tuệ và việc bảo hộ là tất yếu. Do đó, chính sách pháp luật bảo hộ ở những nước này

rất rõ ràng và chặt chẽ. Tại các nước phát triển, việc xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một đòi hỏi bức thiết. Tại những nước này, công nghệ được đầu tư để phát triển và khi áp dụng vào hoạt động sản xuất, ngay lập tức, mang lại lợi ích kinh tế. Một phần quan trọng từ lợi ích kinh tế đó lại được đầu tư vào việc phát triển công nghệ. Sự luân chuyển đầu tư theo mô hình tuần hoàn này đã tạo nền tảng và bệ phóng cho sự phát triển của khoa học-kỹ thuật. Có thể nói trình độ khoa học- công nghệ đã, đang và tiếp tục là vũ khí mạnh mẽ của các nước phát triển. Chính vì vậy, sự phát triển không ngừng của các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi các chính phủ ở những nước này phải sớm ban hành pháp luật về sở hữu trí tuệ và xây dựng cơ quan đủ mạnh để thực thi quyền.

Trong khi đó, các nước đang và kém phát triển lại cho rằng tài sản trí tuệ là tài sản công cộng và phải có cơ chế dễ dàng, tự do, miễn phí để có thể tiếp cận dễ dàng nhằm thúc đẩy đất nước phát triển, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo với các nước phát triển. Vì thế, các nước này có khuynh hướng và hiện tại vẫn đang áp dụng những chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lỏng lẻo và miễn cưỡng khi phải áp dụng những chính sách bảo hộ chặt chẽ hơn. Các nhà nước tại những quốc gia này đều hiểu rằng một chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt sẽ tạo điều kiện phát triển cho một quốc gia. Tuy nhiên, đây là vấn đề dài hạn, đòi hỏi chi phí ban đầu bỏ ra lớn và một thời gian sau mới có được kết quả vì các nước đang phát triển có rất ít sáng chế trong khi nhu cầu nhập khẩu công nghệ lại rất cao. Chính vì vậy, việc theo đuổi ngay một chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ không phải là sự lựa chọn của những quốc gia này.

Tuy nhiên, dù đứng từ quan điểm nào thì trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, các nhà nước đều có hoặc buộc phải có những hành động nhất định nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần nâng

cao vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh khu vực cũng như quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ. Do đó, các nhà nước đều phải ban hành hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các cơ quan bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong đó có các cơ quan giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Xuất phát từ nhận thức trên, nhiều nước đã sớm quan tâm và đầu tư xây dựng hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đạo luật đầu tiên trên thế giới được ban hành nhằm bảo hộ quyền tác giả là Đạo luật của Nữ hoàng Anmo, ra đời ngày 10/4/1710 [31, tr. 24]. Sau đạo luật Anmo là Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, theo đó mục 8, điều 1 đã trao cho Quốc hội Hoa Kỳ quyền “đẩy mạnh tiến bộ khoa học và nghệ thuật có ích, bằng cách bảo đảm, trong một thời gian hạn định cho các tác giả và người sáng chế độc quyền về những bản viết và phát minh của họ”. Phôi thai cho hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là hình thức “đặc ân” do vua chúa ban cho nhà sáng chế để khuyến khích việc tạo ra công nghệ mới. Trong nhiều trường hợp nhất định thì nhà sáng chế còn có đặc quyền khai thác chính sáng chế của mình trong một thời hạn nhất định [44, tr. 31].

Cho đến nay, trên thế giới có ba cách tiếp cận về xây dựng hệ thống pháp luật bảo hộ sở hữu trí tuệ ở các nước. Cách tiếp cận thứ nhất là xây dựng đạo luật riêng về quyền sở hữu trí tuệ (như Pháp có Bộ luật Sở hữu trí tuệ năm 2003, Philipine có Bộ luật Sở hữu trí tuệ năm 1998, Việt Nam có Luật sở hữu trí tuệ năm 2005). Cách tiếp cận thứ hai là xây dựng những đạo luật riêng cho từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (như Trung Quốc có Luật Bản quyền năm 2001, Luật Sáng chế năm 2000, Luật Nhãn hiệu hàng hoá năm 2001 hay Nhật bản có Luật Sáng chế năm 1999, Luật Mẫu hữu ích năm 1999, Luật Kiểu dáng công nghiệp năm 1999). Cách tiếp cận thứ ba là đưa những

quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào pháp luật dân sự/pháp luật chung (như Bộ luật Dân sự của Bồ Đào Nha, Đạo Luật Hoa Kỳ, v.v.).

Dù là cách tiếp cận nào thì hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các nước cũng đều phải bảo đảm những nội dung chính sau đây:

- Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải đề ra các tiêu chuẩn trong việc xác lập quyền của chủ sở hữu trong việc ngăn cấm các chủ thể khác khai thác nhằm mục đích thương mại đối với những sản phẩm trí tuệ của mình. Chính các tiêu chuẩn này sẽ xác định phạm vi được bảo hộ của các đối tượng khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ.

- Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải quy định các giới hạn đối với những quyền sở hữu trí tuệ vì mục đích phát triển kinh tế trong nước cũng như chính sách xã hội. Các giới hạn này thường xuất hiện trong các trường hợp phát triển công nghệ, trong giáo dục đào tạo, v.v.

- Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải quy định về cơ chế xử lý vi phạm với các quy định, các biện pháp và các chế tài khi có sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để đưa hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ vào đời sống, hệ thống các cơ quan thực thi là không thể thiếu. Trên thế giới hiện nay có hàng trăm cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ của bản thân mỗi quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế. Các cơ quan này với nhiều tên gọi khác nhau như Cục, Văn phòng, Phòng, có thể trực thuộc chính phủ, có thể trực thuộc một bộ nào đó, thường là Bộ Thương mại hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa (như Hoa Kỳ có Văn phòng Nhãn hiệu hàng hoá và Sáng chế thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Nhật bản có Văn phòng Sáng chế thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Việt Nam có Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, v.v.)

Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được giao cho Toà án. Có nước có toà sở hữu trí tuệ riêng như Thái Lan, Malaysia, Anh. Tại Thái Lan, mô hình Tòa Sở hữu trí tuệ và Thương mại quốc tế được coi là một trong những mô hình toà chuyên trách đóng vai trò quan trọng và hoạt động hiệu quả nhất của khu vực châu Á. Hội đồng xét xử bao gồm tối thiểu 2 thẩm phán nghiệp vụ và 1 thẩm phán chuyên trách, chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Ở Malaysia cũng vậy, tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ đang thể hiện được vai trò của mình trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Ở Anh có 2 tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ là Tòa Patent và Toà dân sự Patent đều có trụ sở chính tại London.

Có nước thì trao thẩm quyền xét xử các vụ việc về sở hữu trí tuệ cho toà dân sự, toà hình sự, tuỳ theo mức độ vi phạm. Australia, Việt Nam, Hoa Kỳ là một vài ví dụ về những nước giao việc xét xử các tranh chấp về sở hữu trí tuệ cho toà dân sự.

1.2.2.2. Tập hợp các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn là trách nhiệm, quyền lợi của các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu của tài sản trí tuệ. Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được ban hành chỉ đưa ra cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở khiếu nại của chủ sở hữu chứ không trực tiếp theo dõi, phát hiện hành vi vi phạm quyền sở hữu. Các chủ sở hữu tài sản trí tuệ phải tự xây dựng hệ thống bảo hộ cho riêng mình thông qua việc thực hiện các thủ tục để được xác lập quyền sở hữu của mình đối với tài sản trí tuệ và phải có biện pháp để tự bảo vệ quyền sở hữu đó khi có sự vi phạm.

- Xác lập quyền sở hữu trí tuệ:

Việc xác lập quyền sở hữu thường được thực hiện thông qua thủ tục đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ thì quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ mới phát sinh và được bảo vệ khi có sự vi phạm. Việc xác lập quyền sở hữu theo cách này được áp dụng với tài sản trí tuệ như kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, sáng

Một phần của tài liệu Xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam phù hợp với Hiệp định của WTO về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (Hiệp định TRIPS).doc (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(192 trang)
w