• Khó khăn
Hai nước có cùng tư tưởng chính trị, nhưng không thống nhất với nhau về quan điểm chính trị. Do vậy dẫn đến mục đích phát triển kinh tế của mỗi nước không giống nhau. Ðây là mâu thuẫn lớn nhất và quan trọng nhất, dẫn đến sự khác biệt trong việc đề ra chính sách của mỗi nước trong quan hệ kinh tế thương mại.
Yêu cầu tiếp nhận đầu tư của Việt Nam là công nghệ cao, không phá hoại tài nguyên và môi trường. Trong khi Trung Quốc không có chủ trương chuyển giao công nghệ cao cho Việt Nam và họ cũng không quan tâm đến việc bảo vệ tài nguyên và môi trường của chúng ta.
Việt Nam chủ trương thực hiện theo các hiệp định, nghị định ký kết chính thức giữa Chính phủ hai nước theo con đường chính ngạch, còn Trung Quốc lại muốn quan hệ kinh tế với Việt nam theo con đường biên mậu ( tiểu ngạch) để dễ bề thâm nhập vào thị trường Việt Nam, tránh hàng rào thuế quan.
Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục áp đặt đồng tiền trong thanh toán thương mại giữa hai nước là Nhân dân tệ để dễ bề điều tiết quan hệ hàng hoá- tiền tệ giữa hai nước có lợi cho Trung quốc. Ðây là vấn đề mà từ trước đến any chúng ta chưa quan tâm đúng mức và hầu như chưa có biện pháp hữu hiệu nào để lấy lại thế chủ động mà Trung quốc đang nắm giữ. Việt nam sẽ gặp không ít khó khăn nếu không giải quyết được vấn đề này.
Phương tiện phục vụ quan hệ thương mại giữa hai nước còn có sự chênh lệch gây không ít khó khăn cho mỗi nước khi sự không đồng bộ xảy ra.
Trung Quốc luôn tìm cách phá thế bình đẳng trong quan hệ với Việt Nam. Ví dụ như thương nhân Trung Quốc không ngần ngại khi áp dụng những biện pháp có lợi cho họ và có hại cho ta, kể cả việc gian lận và lừa đảo có tổ chức như : nâng giá tạm thời để ta tập kết hàng hoá ở biên giới rồi dìm giá hoặc bỏ không mua gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoặc Trung Quốc xuất khẩu hàng kém phẩm chất độc hại...việc này gây ra sự thiếu tin cậy trong quan hệ thương mại của ta đối với Trung Quốc. Buộc chúng ta phải có biện pháp đối phó thích đáng đôi khi làm căng thẳng quan hệ kinh tế thương mại hai nước. Khác với nhiều nước, Trung Quốc không có chủ trương đầu tư vào công nghiệp nặng và công nghiệp chế biến theo kêu gọi đầu tư của ta. Do vậy đã hạn chế đến tính ưu việt trong chính sách của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp của Trung Quốc và hạn chế hiệu quả của hợp tác thương mại hai nước.
Trong tiến trình buôn bán qua biên giới Việt- Trung , trong 50 năm qua, đặc biệt là 10 năm lại đây bên cạnh những mặt thuận lợi cũng nảy sinh không ít khó khăn. Những yếu tố thuận lợi và khó khăn đó đã, đang và sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ buôn bán qua biên giới giữa hai nước trong tương lai.
Những khó khăn trong buôn bán qua biên giới giữa hai nước trong thời gian tới:
Thứ nhất: Về các mặt tư tưởng, tâm lý và mức độ tín nhiệm trong buôn bán qua biên giới của cả hai nước chưa cao. Ðôi bên có sự chênh lệch lớn về chính sách buôn bán qua biên giới tạo nên những ảnh hưởng bất lợi cho cả hai nước.
Thứ hai: Cho tới nay vẫn chưa ký được Hiệp định chính thức mà vẫn còn thi hành " Hiệp định tạm thời về xử lý những việc biên giới hai nước". Nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển buôn bán qua biên giới giữa hai nước Việt- Trung.
Thứ ba: Hiện nay hai bên tuy có " Ghi nhận hội đàm" chống buôn lậu, hay hiệp định hợp tác đảm bảo và chứng nhận lẫn nhau về hàng hoá xuất nhập khẩu, nhưng vẫn không ngăn chặn nổi làn sóng: Hàng giả, hàng rởm, hàng kém chất lượng vào Việt Nam, hoặc những mặt hàng quý hiếm, hàng cấm của Việt Nam vẫn xuất sang Trung Quốc.
Thứ tư: Cả hai bên đều có các thiếu hợp đồng giữa các xí nghiệp trong nước , gây nên tình trạng tranh mua, tranh bán với đối phương, tạo nên sự thiệt thòi cho phía mình.
Thứ năm: Mặc dù ngày 26-5-1993 Ngân hàng trung ương của Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định hợp tác thanh toán, theo đó mọi khoản thanh toán phải thông qua Ngân hàng thương mại hai nước theo hệ thống quốc tế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Nhưng thực tế từ 10 năm nay buôn bán qua biên giới Việt –Trung, mặc dù thanh toán xuất nhập có sự chuyển biến, từ chỗ hoàn toàn tự phát qua phương thức " Hàng đổi hàng" , buôn bán trao tay, tiến tới ký hợp đồng, thanh toán qua ngân hàng, nhưng cho đến nay lượng thanh toán qua Ngân hàng còn rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng kim ngạch hàng hoá của cả hai bên. Ngân hàng chưa làm được chức năng kiểm soát và kinh doanh tiền tệ. Thị trường chợ đen buôn bán tiền công khai ở các cửa khẩu biên giới hai nước vẫn hoành hành, hiện tượng lừa đảo, chiếm dụng vốn, lưu hành tiền giả ở các tỉnh biên giới diễn ra thường xuyên. Ðiều này đã ảnh hưởng xấu tới quan hệ buôn bán qua biên giới Việt Nam- Trung Quốc.
Thứ sáu: Quan hệ buôn bán Việt- Trung trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng giảm dần, và cứ đà giảm như vậy khó có thể thực hiện mục tiêu 2 tỷ USD buôn bán hai nước vào năm 2000 như các nhà lãnh đạo hai nước đề ra.
Thứ bảy: Trong buôn bán với Trung Quốc, phía Việt Nam luôn bị nhập siêu ở mức lớn, Thứ tám: Trình độ phát triển khoa học và phát triển kinh tế của Trung Quốc cao hơn Việt Nam, khiến cho tính bổ xung giữa hai bên tăng lên, nhưng mặt khác cũng gây nên ảnh hưởng bất lợi đối với hàng hoá Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Nhìn chung, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam- Trung Quốc có triển vọng phát triển tốt. Thuận lợi cũng nhiều và khó khăn cũng không ít. Chúng ta chủ trương giữ vững đường lối phát triển kinh tế của đất nước là phát huy nội lực, đẩy mạnh công nghịêp hoá, hiện đại hoá đất nước vì chỉ có như vậy chúng ta mới tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế nói chung và phát triển quan hệ kinh tế thương mại đối với Trung Quốc nói riêng. Những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc sẽ được Việt Nam giải quyết bằng hệ thống chính sách đổi mới, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thiện chí hợp tác của phía bạn.
• Hạn chế.
Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Cụ thể, từ khi triển khai hiệp định (năm 2004), tác động của hiệp định này đối với xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng 2%, trong khi nhập khẩu từ thị trường này tăng 30%. Nguyên nhân do các mặt hàng xuất khẩu của VN trùng lặp, cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch chậm, chủ yếu là nông sản và nguyên liệu thô, trong khi các sản phẩm khác không có tiến bộ rõ nét. Trong khi đó, cơ cấu nhập khẩu từ Trung Quốc lại khá đa dạng, chủ yếu là các mặt hàng nguyên liệu, đã gây sức ép cạnh tranh cho các mặt hàng trong nước như sắt thép, hàng tiêu dùng, vải, nguyên liệu dệt may, thiết bị xây dựng…
Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc có thể khiến thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng hơn. Lý do là Trung Quốc có lợi thế chi phí thấp trong các ngành hàng sản xuất sử dụng nhiều lao động. Trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu, nông, lâm thuỷ sản và nhập khẩu hàng công nghiệp của Trung Quốc, khác với các nước ASEAN khác, vốn có quan hệ ngang hàng với Trung Quốc, xuất nhập khẩu đều chủ yếu là hàng công nghiệp. Đồng thời, khả năng xâm nhập sâu của hàng hoá Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chưa cao. Chủng loại hàng hoá đơn điệu, chất lượng thiếu ổn định và chưa hiện diện nhiều trong hệ thống phân phối. Khi hàng rào thuế và phi thuế được hạ thấp, hàng hoá và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam hơn, và điều này đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải vất vả hơn để có thể đứng vững trên thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp trẻ. Điều dễ nhận thấy là các doanh nghiệp Trung Quốc mạnh hơn doanh nghiệp Việt Nam ngay trong cả các ngành nước ta đang tương đối có lợi thế cạnh tranh như: dệt may, da giày, sản xuất hàng tiêu dùng...
Vấn đề nổi cộm trong quan hệ thương mại giữa hai nước là mất cân bằng cán cân thương mại. Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc, giá trị nhập siêu không ngừng tăng và đặc biệt cao trong năm 2006, 2007 - mức tăng nhập siêu cao hơn cả mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã vượt qua Đài Loan và Hàn Quốc, trở thành thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất. Năm 2008, mức nhập siêu từ Trung Quốc đạt 11,11 tỷ USD, tăng 21%.
Hàng Trung Quốc vào Việt Nam từ trước đến nay qua cả hai con đường, chính thức và con đường biên mậu. Nhờ cả hai con đường đó hàng Trung Quốc có thể cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, cạnh tranh mạnh với nhà sản xuất, nhà cung cấp ngay trên “sân nhà”, làm khó cho các doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường nội địa. Khi con đường chính thức tăng lên do giảm thuế họ vẫn cạnh tranh được mà chẳng cần phải đi đường biên mậu nữa. Nhưng dù sao con đường biên mậu vẫn hữu hiệu với họ vì biên mậu nó giúp cho doanh nghiệp nhỏ hơn của Trung Quốc- những đơn vị không có được chất lượng hoặc cách làm ăn lớn như các doanh nghiệp lớn- vẫn có thể tiếp cận thị trường Việt Nam. Họ vẫn có thể qua các cửa khác nhau để qua Việt Nam được bằng con đường biên mậu. Đường biên mậu với cách làm không chính thức đó càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam và giảm được nhiều chi phí cho công ty Trung Quốc.
Trong khi hàng nhập khẩu Trung Quốc khá dễ vào Việt Nam thì hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này lại "chật vật" trước nhiều tiêu chuẩn. Hàng xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai chủ yếu là nông sản, thực phẩm như hạt điều, bánh đậu xanh, sắn khô… Tất cả những mặt hàng này khi xuất sang Trung Quốc đều phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO), phải được kiểm định khá nghiêm ngặt về chất lượng, kể cả với mặt hàng đơn giản như sắn khô. Tại khu vực cửa khẩu, hệ thống máy móc kiểm định hàng hóa
đã được phía Trung Quốc đầu tư hiện đại. Như vậy, về điều kiện kỹ thuật, Trung Quốc cũng đã thiết lập được "hệ thống phòng thủ” khá chặt chẽ.
Trung Quốc sử dụng công cụ thuế quan trọng điều tiết hoạt động xuất, nhập khẩu rất hiệu quả. Mỗi mặt hàng khi xuất, nhập khẩu vào nước này có thể được áp dụng hai chính sách thuế: thuế mậu dịch (chính ngạch) do Chính phủ quy định và thuế biên mậu (tiểu ngạch) do địa phương quy định. Do vậy, có trường hợp cùng một thời điểm, mặt hàng giày dép của Việt Nam khi xuất vào nước này theo đường chính ngạch phải chịu thuế suất trên 30% nhưng “đi” theo đường tiểu ngạch thì chỉ phải chịu thuế suất chưa đầy 5%.