IV. THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC:
3. Thuận lợi trong giao thương với Trung Quốc:
Thị trường Trung Quốc có 4 đặc điểm lớn.
Thứ nhất, đây là thị trường khổng lồ với dân số hơn 1,3 tỷ người, có nhu cầu rất lớn phục vụ ổn định đời sống người dân và xã hội trước mắt cũng như các nhu cầu dự trữ chiến lược trong trường hợp thiên tai, biến đổi khí hậu.
Trung Quốc còn là công xưởng lớn nhất thế giới có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với tất cả các loại nguyên, nhiên vật liệu, khoáng sản, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tiêu dùng trong nước, cho gia công xuất khẩu.
Thứ hai, Trung Quốc là thị trường láng giềng lớn nhất của Việt Nam. Hai nước có chung đường biên giới dài trên 1450 km với 8 cặp cửa khẩu quốc tế và 13 cặp cửa khẩu chính cùng nhiều cửa khẩu phụ và chợ đường biên. Phong tục tập quán, nền văn
hoá có nhiều nét tương đồng. Hệ thống chính trị và mô hình phát triển kinh tế cơ bản giống nhau.
Mô hình phát triển kinh tế đều hướng ra xuất khẩu. Cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu có nhiều nét giống nhau. Thương mại hai bên được tiến hành theo nhiều phương thức mậu dịch phong phú (chính ngạch, buôn bán qua biên giới, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trao đổi hàng hoá giữa cư dân biên giới hai nước).
Thứ ba, đây là thị trường có nhu cầu đa dạng. Nhu cầu giữa các vùng miền ở Trung Quốc khác nhau. Các tỉnh Đông Bắc và khu vực miền Trung có nhu cầu thường xuyên về rau quả nhiệt đới, thực phẩm đồ uống chế biến từ nguyên liệu hoa quả nhiệt đới.
Miền Tây Nam Trung Quốc có nhu cầu thường xuyên về thuỷ hải sản do không có biển. Địa hình miền núi hiểm trở. Miền Đông và các đặc khu kinh tế cần nhiều loại sản phẩm cao cấp từ các nước láng giềng phía Nam; đồ gỗ cao cấp, thuỷ hải sản tươi sống cao cấp, hoa quả nhiệt đới cao cấp.
Các tỉnh phía Nam và giáp biên thường xuyên có nhu cầu về than, khoáng sản (do vận chuyển từ phía Bắc xuống không hiệu quả).
Thứ tư, đây là thị trường đang phát triển. Hiện Trung Quốc đang hoàn thiện dần thị trường trao đổi hàng hoá tại các đô thị, trung tâm kinh tế thông qua hệ thống chợ bán buôn, chợ đầu mối và hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích.
Thị trường nông thôn Trung Quốc với hơn 700 triệu người tiêu dùng chủ yếu vẫn thông qua hệ thống chợ truyền thống và hệ thống hơn 2 vạn cửa hàng “Lợi dân” do Bộ Thương mại Trung Quốc xây dựng và quản lý tại các địa phương từ cấp xã trở lên.
Hiện nay, thị trường nội địa Trung Quốc đang được củng cố và sắp xếp lại do Chính phủ chuyển trọng tâm từ kinh tế hướng ra xuất khẩu sang chủ động mở rộng nhu cầu trong nước. Có nghĩa là hàng nước ngoài vào thị trường Trung Quốc sẽ khó khăn hơn do chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất và sử dụng hàng nội địa.
Do lợi thế tuyệt đối về vị trí địa lý, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và bờ biển dài, nên cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu hai nước tuy cơ bản là tương đồng, nhưng về trước mắt và lâu dài Trung Quốc ngày càng phụ thuộc và có nhu cầu tăng lên đối với năm nhóm hàng ta có nhiều tiềm năng phát triển.
Phát huy lợi thế có chung đường biên giới, trong những năm qua, 7 tỉnh biên giới Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên và 2 tỉnh biên giới Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam đã chủ động hợp tác phát triển kinh tế. Cụ thể là việc hình thành các khu thương mại, chợ cửa khẩu, khu kinh tế mở, và chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới như kết nối hệ thống đường sắt, đường bộ, đường không, hệ thống điện, nước và ký kết các thoả thuận hợp tác kinh tế thương mại, góp phần không nhỏ ổn định và cải thiện đời sống nhân dân vùng biên và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại hai nước.
Cũng theo đánh giá của Vụ châu Á-Thái Bình Dương, xuất khẩu qua các cửa khẩu Móng Cái, Hữu Nghị, Đồng Đăng chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc.