Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 18 năm qua đã đạt gần 49 tỉ USD và hiện đang có xu hướng tăng mạnh. Dòng vốn này đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua.
Trước hết, FDI góp phần làm tăng tổng vốn đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thu ngân sách nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô.
Về tác động gián tiếp (còn gọi là tác động tràn), FDI tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam qua bốn kênh chính:
Tạo sức ép cạnh tranh trên thị trường, từ đó buộc các doanh nghiệp trong nước phải đầu tư đổi mới công nghệ; lưu chuyển lao động từ doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp trong nước; chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước;
liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, việc tác động có các mức độ rất khác nhau và tùy thuộc từng loại hình doanh nghiệp.
Một trong những tác động lớn nhất của dòng vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam là tác động đến việc di chuyển lao động và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy tác động này đã không hoặc rất ít diễn ra. Vậy nguyên nhân của nó là:
Di chuyển lao động có tay nghề và kỹ thuật cao hiện nay chủ yếu diễn ra trong nội bộ các doanh nghiệp FDI hơn là giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể chỉ có 4,6% doanh nghiệp trong nước thuộc nhóm ngành chế biến thực phẩm cho biết là có tiếp nhận lao động từ doanh nghiệp FDI. Lý do có thể là tiền lương của khu vực doanh nghiệp FDI cao hơn nên doanh nghiệp trong nước chưa có sức hút đối với lao động tay nghề cao từ các doanh nghiệp FDI. Về kênh chuyển giao và phổ biến công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng không hoặc ít diễn ra. Ngoài các nguyên nhân khách quan như khuôn khổ luật pháp về sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ, hiệu lực thấp, còn nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp trong nước phần lớn qui mô còn nhỏ, thiếu năng lực về tài chính để thanh toán các hợp đồng chuyển giao công nghệ, trình độ lao động thấp dẫn đến khả năng hấp thụ công nghệ thấp. Kết quả điều tra cho thấy tỉ lệ lao động có kỹ năng của các doanh nghiệo trong nước thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ lao động có kỹ năng của doanh nghiệp FDI.
Sự xuất hiện của dòng vốn FDI tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp trong nước:
Chỉ có 31% nguyên liệu sản xuất các doanh nghiệp FDI hiện đang sử dụng được mua từ các doanh nghiệp trong nước, còn lại phần lớn là nhập khẩu hoặc mua lại từ các doanh nghiệp FDI khác.
Khu vực FDI hiện đang góp 100% sản lượng một số sản phẩm công nghiệp như dầu khí, ôtô, máy giặt, máy điều hòa, tủ lạnh, điện tử; 60% cán thép; 28% ximăng; 33% máy móc thiết bị điện, điện tử; 25% thực phẩm đồ uống...
Trong năm năm 2001-2005, xuất khẩu của khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 33,8 tỉ USD, chiếm trên 33% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Nếu tính cả xuất khẩu dầu thô, tỉ lệ này đạt gần 55%. Khu vực FDI chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 18% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Sức ép cạnh tranh có tác động hai mặt, thứ nhất làm đối thủ cạnh tranh yếu hơn có nguy cơ bị thu hẹp thị phần, giảm sản xuất, thậm chí phải rút lui khỏi thị trường. Đây là mặt tiêu cực của cạnh tranh. Tuy nhiên, cạnh tranh lại kích thích các đối thủ tự đầu tư đổi mới để vươn lên đứng vững trên thị trường, từ đó năng suất sản xuất được cải thiện.
Đó chính là tác động tích cực của FDI. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp qui mô lớn chậm đổi mới trang thiết bị sẽ bị tác động cạnh tranh nhiều, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ dường như có lợi thế về tính linh hoạt nên tránh được sức ép cạnh tranh hơn.
Vì vậy, để tận dụng tốt những lợi thế của FDI vào Việt Nam thì chính sách khuyến khích FDI của Chính phủ và các địa phương cần hướng tới đạt được cả tác động tích cực trực tiếp lẫn gián tiếp.
Những biện pháp có thể áp dụng như: hoàn thiện thể chế phát triển thị trường các yếu tố (đặc biệt là thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường bất động sản, thị trường vốn), đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhanh chóng hình thành hệ thống doanh nghiệp phụ trợ để cùng với các doanh nghiệp FDI tạo nên những nhóm ngành có khả năng cạnh tranh quốc tế.