2.1. Xây dựng và củng cố các cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở Nga:
Doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác giao thương, hoạt động mua bán ở nước ngoài luôn cần có sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, chẳng hạn như hiện nay ta có Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam tại Nga. Các cơ quan, tổ chức này chịu trách nhiệm trong việc giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, thông báo các quy định của Nga cũng như các lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nắm rõ thị trường nhập khẩu thủy sản tại Nga nhằm nắm bắt cơ hội mở rộng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam và theo dõi, tạo điều kiện cho tiến trình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam diễn ra thuận lợi.
Các cơ quan, tổ chức này cũng cần có mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Nga nhằm nắm bắt kịp thời các thay đổi trong chính sách, quy định và thông báo cho doanh nghiệp. Chính phủ cần xây dựng cơ chế hợp tác giữa cơ quan thẩm quyền của Việt Nam và nước nhập khẩu để kiểm soát chất lượng, bàn bạc kế hoạch cụ thể trong xuất nhập khẩu, thống nhất khung giá hợp lý và đảm bảo vấn đề thương hiệu.
Các doanh nghiệp thật sự rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan, tổ chức này. Chính phủ nên củng cố và phát huy các cơ quan, tổ chức loại này nhằm đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả, minh bạch, làm chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
2.2. Theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp:
Theo các chuyên gia trong ngành thủy sản, một trong những nguyên nhân khiến tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam còn chưa đạt đến mức tối đa là do các doanh nghiệp xuất khẩu lớn chưa hợp tác với nhau, thậm chí có trường hợp còn cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, Chính phủ cần theo dõi và hạn chế tối đa tình trạng này vì lợi ích quốc gia cũng như lợi ích của các doanh nghiệp. Chính phủ có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung các quy định về hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cũng như đưa ra các chiến lược khuyến khích doanh nghiệp phối hợp và liên kết với nhau
nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau hợp tác và đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu lên mức tối ưu.
2.3. Hỗ trợ doanh nghiệp:
Hiện nay ở Việt Nam chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga. Để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, Chính phủ nên hỗ trợ cho doanh nghiệp về mặt tài chính cũng như pháp lý. Cụ thể, Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí cho việc trang bị máy móc, thiết bị và chi phí kiểm tra dư lượng kháng sinh và vệ sinh an toàn thực phẩm (kể cả khâu thu mua nguyên liệu, sơ chế, sản xuất và xuất khẩu) cho doanh nghiệp; xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản trên cơ sở tham khảo các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Trung Quốc, các nước ASEAN; đơn giản hoá các thủ tục hải quan, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xúc tiến việc nhập khẩu nguyên liệu, góp phần giảm giá thành sản xuất thuỷ sản xuất khẩu và tăng tính cạnh tranh; tăng cường việc cho vay vốn ưu đãi nuôi trồng thuỷ sản đối với người dân và doanh nghiệp. Như vậy, Chính phủ vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp gia tăng sản lượng xuất khẩu, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác muốn tham gia xuất khẩu vào thị trường Nga, đưa . các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước ngoài.
2.4. Quản lý và giám sát hàng xuất khẩu:
Vừa qua, Chính phủ Nga đã ra lệnh cấm mặt hàng cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Nga với lý do khối lượng mạ băng của cá vượt quá mức quy định. Chính phủ cần điều phối các cơ quan quản lý, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu một cách chặt chẽ, cũng như đưa ra những quy định thực thi nghiêm ngặt hơn đối với mặt hàng thủy sản nói riêng và hàng hóa xuất khẩu nói chung. Các cơ quan quản lý của Chính phủ phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh chất lượng hàng thuỷ sản từ khâu nuôi trồng - nguyên liệu tới thành phẩm, đảm bảo hàng xuất khẩu của ta đáp ứng đúng quy định về chất lượng mà phía Nga đưa ra. Chính phủ phải mạnh tay trong việc giữ uy tín
cho hàng thuỷ sản của Việt Nam cũng như đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nghiên cứu và lai tạo các giống mới có chất lượng cao.
2.5. Thúc đẩy và tạo động lực phát triển ngành khai thác thủy sản và xuất khẩu thủy sản: thủy sản:
Ngoài việc giám sát chặt chẽ chất lượng hàng xuất khẩu, Chính phủ còn cần phải đưa ra các chính sách, chương trình khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo sản lượng xuất khẩu và chất lượng hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, Chính phủ có thể đưa ra mức trợ cấp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng sản lượng xuất khẩu; đưa ra các chương trình kiểm soát chất lượng hàng xuất khẩu song song với khen thưởng doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên có các biện pháp duy trì tốc độ phát triển của ngành thủy sản hiện nay trên cơ sở tăng cường các yếu tố đảm bảo phát triển bền vững như: tái tạo nguồn lợi, an toàn cho ngư dân, từng bước điều chỉnh cơ cấu nghề cá, giảm khai thác ven bờ, phát triển đánh bắt xa bờ.
KẾT LUẬN
Việc nghiên cứu các kênh phân phối thủy sản nhập khẩu tại Nga để rút ra các lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là một vấn đề cấp thiết nhằm khôi phục lại quan hệ kinh tế song phương với Liên bang Nga, thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường mà Chính phủ đã đề ra, nâng cao hơn nữa hiệu quả của các mối quan hệ thương mại, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Mặt hàng thủy sản là mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Nga trong những năm gần đây. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng lên đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm lực của hai nước. Tìm hiểu về cách thức họat động của thị trường thủy sản nhập khẩu tại Nga và những hạn chế trong việc xuất khẩu của Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng xâm nhập vào thị trường Nga.
Với thực trang về các kênh phân phối của thị trường Nga như đã nêu trong bài, có thể thấy rõ hệ thống phân phối ở Nga còn gặp nhiều khó khăn, môi trường kinh doanh chưa ổn định và nhất quán, cách thức thực hiện có những điểm khác với thị trường khác và khác hẳn với thị trường Việt Nam, nhưng Nga vẫn là thị trường thủy sản rộng lớn. Thị trường Nga tương đối tự do xét về các hàng rào phi thuế quan so với các nước khác trên thế giới. Các yêu cầu thủ tục nhập khẩu không quá khắt khe, tuy thuế đánh vào hàng nhập khẩu còn cao, nhất là khi Nga vẫn chưa gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO.
Đứng trước thực trạng còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cần phát huy hết nội lực, lựa chọn các giải pháp phù hợp và cấp thiết , khôi phục và tăng trưởng nhanh khả năng chiếm lĩnh thị trường thủy sản đầy tiềm năng của Nga. Song song đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần quan tâm sâu sát, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp và người nông dân trong việc giải quyết thủ tục, hỗ trợ vốn trong thời kì khó khăn.
Hội nhập với kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam cần tận dụng triệt để và phát huy tối đa những lợi thế để phát triển những thương hiệu hàng hóa của Việt Nam trên
thế giới, gia tăng xuất khẩu nhằm cân bằng cán cân thanh toán và mặt hàng thủy sản được đánh giá là mặt hàng chủ lực trong thời gian tới cần được phát huy hết các tiềm năng và thế mạnh của mình.