Đẩy mạnh mối liên kết với các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam sau khi gia nhập WTO.doc (Trang 45 - 51)

Mối liên kết giữa các doanh nghiệp ở đây có thể hiểu đó là mối liên kết giữa các doanh nghiệp bán lẻ với doanh nghiệp bán lẻ ( liên kết ngang); liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với nhà sản xuất (liên kết dọc) hay mối liên kết hỗn hợp. Kinh nghiệm từ Singapore đã chứng minh việc liên kết có rất nhiều tác dụng. Đầu thập niên 70, trung tâm mua sắm tại Singapore phát triển một cách ào ạt. Để chuẩn bị đứng vững trước sự bùng nổ các trung tâm mua sắm sau này 10 đại gia bán lẻ của Singapore lúc đó đã liên kết với nhau để thành lạp hiệp hội bán lẻ Singapore (SRA). Nhờ quy chế hoạt động rõ ràng, sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nên SRA không ngừng phát triển và đứng vững trước sự cạnh tranh của các đại gia nước ngoài. Đến nay, SRA có 210 thành viên, chiếm tới 70 % doanh số bán lẻ trên thị trường Singapore. Để đẩy mạnh mối liên kết giữa các doanh nghiệp cần:

Nhanh chóng phát triển, tăng cường hiệu quả hoạt động của hiệp hội bán lẻ Việt Nam. Hiệp hội sẽ đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các hội viên; cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền để xây dựng các chính sách phát triển bán lẻ, cung cấp thông tin, tham gia xây dựng chiến lược phát triển mạng lưới bán lẻ Việt Nam; hỗ trợ đào tạo và tuyên truyền cho hội viên; phát triển quan hệ quốc tế. Với vai trò to lớn như vậy Hiệp hôi bán lẻ sẽ là người tạo nên sức mạnh tổng hợp giữa các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam để đối trọng lại với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

Các doanh nghiệp bán lẻ phải lựa chọn những nhà cung ứng phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của mình nhằm tạo ra quan hệ bạn hàng lâu dài. Các nhà cung ứng cần đảm bảo cung cấp hàng hoá theo đúng hợp đồng tránh tính mùa vụ. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng có thể hỗ trợ, tư vấn cho nhà cung ứng trong việc sản xuất, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.

Có những chính sách để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp bán buôn lớn. Các doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò cầu nối vững chắc cho doanh nghiệp bán lẻ và các nhà sản xuất. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể yên tâm kinh doanh với một nhà cung ứng hàng hoá ổn định về số lượng và chất lượng hàng hoá thay vì phải làm việc với hàng trăm, hàng nghìn nhà cung ứng như trước kia. Các nhà bán buôn này sẽ có khả năng nghiên cứu thị trường, đặt hàng cho nhà sản xuất, tổ chức mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hoá rộng khắp thông qua việc thiết lập chuỗi, hoặc nhượng quyền thương mại... do vậy chưa tạo ra được ảnh hưởng đến nhà sản xuất và góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất.

Ngoài việc liên kết với nhau thông qua hiệp hội thì các doanh nghiệp bán lẻ cũng có thể liên kết với nhau thông qua việc hình thành những tập đoàn như VDA chẳng hạn. Tuy nhiên, khi liên kết với nhau các doanh nghiệp cũng cần biết chia sẻ thông tin, chia sẻ quyền lợi tránh trường hợp “đèn ai người đó rạng” làm cho mối liên kết chỉ là hình thức, số lượng không hiệu quả.

Có thể nói trước chiến lược quảng bá hình ảnh hiệu quả của các siêu thị nước ngoài như BigC, Metro… các doanh nghiệp bán lẻ nội địa có cơ hội để nhìn lại mình, thay đổi chính mình để chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế rất lớn trong hoạt động marketing. Họ có nguồn vốn lớn cho các chương trình giảm giá khuyến mại, nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong hoạt động quảng cáo, PR (quan hệ công chúng). Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có lợi thế của riêng mình. Thực tế ở Hàn Quốc là một bài học rất hay. Hai tập đoàn bán lẻ lớn Walmart và Carrefour đã “nhường bước” trước nhà bán lẻ nội địa Hàn Quốc đó là: Shinsegae. Theo phân tích sở dĩ nhà bán lẻ nội địa này chiến thắng bởi hai yếu tố là khả năng xoay trở và đặc biệt là am hiểu người tiêu dùng. Chính vì am hiểu người tiêu dùng nên chiến lược quan hệ với khách hàng của doanh nghiệp bán lẻ này tuy ít tốn kém nhưng vô cùng hiệu quả. Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều đó nếu chú ý tới các vấn đề sau:

Phân tích, nghiên cứu tập quán, thói quen, những điểm riêng có của người tiêu dùng Việt Nam như: những nhãn hiệu ưa thích, thích làm gì ở siêu thị, thích màu sắc cách bố trí như thế nào…

Thực hiện những chương trình giảm giá, khuyến mãi… trọng tâm tới những đối tượng khách hàng chính của mình để vừa hiệu quả vừa ít tốn kém.

Hàng hoá vào siêu thị cần đảm bảo về chất lượng, bảo quản, mẫu mã, giá cả… ổn định và cạnh tranh nhằm bảo vệ và gây niềm tin tới người tiêu dùng.

KẾT LUẬN

Như vậy, Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO đã tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển cho thị trường bán lẻ Việt Nam: tiếp nhận nguồn vốn lớn, kinh nghiệm quản lý, cơ sở hạ tầng phát triển… Tuy vậy, thách thức đối với thị trường bán lẻ Việt Nam cũng không nhỏ. Thách thức lớn nhất vẫn là nguy cơ chiếm lĩnh thị trường của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam: phương thức phân phối, cơ sở hạ tầng, kỹ năng quản lý, chất lượng nguồn nhân lực... còn bộc lộ nhiều yếu kém. Nếu như Chính phủ, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bán lẻ không có những biện pháp giải quyết kịp thời thì khả năng thách thức trở thành hiện thực là rất lớn. Bài học từ thị trường bán lẻ Thái Lan là minh chứng rất rõ ràng cho khả năng đó. Bởi vậy, Chính phủ cần đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch thị trường bán lẻ rõ ràng. Đồng thời, Chính phủ cũng cần hoạch định những chính sách pháp luật về thị trường bán lẻ nói riêng, hoạt động thương mại nói chung chi tiết, đầy đủ góp phần vào sự minh bạch hoá của thị trường và tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ bằng cách hỗ trợ thông tin, giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực. Còn các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia hoạt động kinh doanh bán lẻ chính mình cũng cần phải đổi mới về tư duy và phương thức kinh doanh. Điều quan trọng là Chính phủ và các chủ thể tham gia bán lẻ cần có sự phối hợp nhịp nhàng để tạo ra được sức mạnh thống nhất đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ; sự tự thân vận động của các doanh nghiệp bán lẻ và sự ủng hộ của người dân, thị trường bán lẻ Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển nhanh và có một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.

Cuối cùng tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong khoa quản trị kinh doanh đặc biệt là cô Nguyễn Phương Lan đã giúp tôi hoàn thành đề tài này.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam sau khi gia nhập WTO.doc (Trang 45 - 51)