I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN TẠI VIỆT NAM
3. Tình hình triển khai đào tạo trực tuyến tại các doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã nhận rõ lợi ích to lớn của đào tạo trực tuyến và nhanh chóng nắm bắt xu hướng này để triển khai vào thực tiễn hoạt động của mình.
Hình III.3: Tình hình triển khai đào tạo trực tuyến tại các doanh nghiệp
Nguồn: Điều tra của Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương.
Năm 2009, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã tiến hành khảo sát tình hình ứng dụng đào tạo trực tuyến tại 40 doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy:
- Các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp sản phẩm đào tạo trực tuyến: Một số doanh nghiệp phần mềm ở Việt Nam đã tung ra thị trường các sản phẩm hỗ trợ đào tạo trực tuyến, tuy các sản phẩm này chưa có đầy đủ tính năng như các sản phẩm nổi tiếng của nước ngoài nhưng đã bước đầu góp phần thúc đẩy sự phát triển đào tạo trực tuyến ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp khác tập trung cung cấp các giải pháp đào tạo trực tuyến đóng gói hoàn thiện của nước ngoài đã được Việt hóa.
- Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo trực tuyến: Chủ yếu là kinh doanh các khóa học trực tuyến (ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm và môn học bậc phổ thông). Những doanh nghiệp này áp dụng mô hình B2C trong TMĐT để kinh doanh các sản phẩm là các khóa học, môn học trực tuyến. Những sản phẩm này được cung cấp qua mạng Internet thông qua các website. Người học truy cập vào website, đăng ký, thanh toán và tham gia học, thi các khóa học trực tuyến này. Một số hình thức thanh toán điện tử đã được áp dụng như người học mua thẻ cào rồi dùng mã thẻ cào nạp tiền qua mạng, sử dụng tin nhắn tới tổng đài để nạp tiền, thanh toán thông qua cổng thanh toán điện tử, v.v… Tháng 11/2008, ba công ty VDC, NCS Tech., ITPRO đã đồng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Ứng dụng Giải pháp Đào tạo trực
tuyến tại Việt Nam” nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ cho thị trường Việt Nam.
- Các doanh nghiệp ứng dụng đào tạo trực tuyến: Đào tạo trực tuyến được ứng dụng trong hoạt
động tuyển dụng và đào tạo chủ yếu ở các tập đoàn, công ty lớn hoạt động trong các lĩnh vực CNTT, viễn thông, tài chính - ngân hàng và một số ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.
Sản xuất và cung cấp sản phẩm đào tạo trực tuyến Kinh doanh dịch vụ đào tạo trực tuyến
Ứng dụng đào tạo trực tuyến 67,5%
12,5% 20,0%
Nhìn chung, các doanh nghiệp ứng dụng đào tạo trực tuyến ở Việt Nam đang trong giai đoạn tìm hiểu và triển khai thí điểm, thăm dò khảo sát hiệu quả đầu tư. Phần lớn các doanh nghiệp ứng dụng là những doanh nghiệp có số lượng nhân viên lớn, quy mô hoạt động rộng, có nhu cầu cao về đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên. Các doanh nghiệp này thường có bộ phận phụ trách công tác đào tạo riêng và có chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong đơn vị. Việc ứng dụng đào tạo trực tuyến trong doanh nghiệp được lựa chọn như một giải pháp giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo. Một số doanh nghiệp điển hình trong việc triển khai đào tạo trực tuyến là Tập đoàn FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Ngân hàng Techcombank, v.v...
Tùy thuộc vào hiện trạng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của doanh nghiệp, đào tạo trực tuyến được triển khai theo những hình thức khác nhau. Các doanh nghiệp lớn thường triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến riêng, trực tiếp biên soạn, xây dựng và số hóa nội dung hoặc mua một số nội dung đã được số hóa sẵn ở bên ngoài. Nhân viên phụ trách đào tạo trực tiếp vận hành và quản lý hệ thống cũng như các khóa học trực tuyến. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường mua những khóa học trực tuyến có sẵn của các nhà cung cấp để nhân viên tham gia học tập.
Với đặc thù của các lĩnh vực ngành nghề và tiềm lực của từng doanh nghiệp, hiện tại một số doanh nghiệp CNTT, viễn thông, tài chính - ngân hàng đã và đang có kế hoạch triển khai ứng dụng đào tạo trực tuyến với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả và giảm thiểu chi phí.
Theo kết quả điều tra, các doanh nghiệp đánh giá kết quả đạt được của việc triển khai đào tạo trực tuyến như sau: 89% doanh nghiệp cho rằng chi phí đào tạo giảm, 80% đánh giá trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên tham gia các khóa học trực tuyến được nâng cao. Vì lí do trên, 90% doanh nghiệp đang triển khai cho biết sẽ tăng mức đầu tư, 10% giữ nguyên và không có doanh nghiệp nào sẽ giảm mức đầu tư.
Bảng III.5: Hiệu quả triển khai ứng dụng đào tạo trực tuyến tại các doanh nghiệp
TT Đánh giá hiệu quả Số lượng Tỷ lệ (%)
01 Chi phí đào tạo giảm 35 89
02 Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên được nâng cao 32 80
Nguồn: Điều tra của Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, đào tạo trực tuyến đang dần chứng tỏ được vai trò của mình trong hoạt động đào tạo của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, đào tạo trực tuyến có khả năng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn tại nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh.
Hộp III.6: Hệ thống đào tạo trực tuyến ACC của Tập đoàn FPT
Hệ thống ACC (Trung tâm sát hạch khảo thí FPT) của Tập đoàn FPT là hệ thống đào tạo trực tuyến được chính thức đưa vào sử dụng từ 01/04/2009 với tổng kinh phí đầu tư trên 100 triệu đồng. Dự án được triển khai bởi các thành viên từ Ban nhân sự Tập đoàn, nhân viên Code của nhà cung cấp phần mềm (Công ty AI), cán bộ phụ trách đào tạo từ các công ty thành viên và cán bộ CNTT của Tập đoàn.
Hệ thống ACC được áp dụng trong tất cả các công ty thành viên, các chi nhánh trên toàn quốc và các chi nhánh của FPT ở nước ngoài (Nhật Bản, Malaysia, Châu Âu, Mỹ, Australia) với tổng số gần 10.000 người sử dụng. Theo ông Lê Anh Tú - Phụ trách tuyển dụng - Quản trị dự án ACC, trung bình hàng tháng Tập đoàn tổ chức từ 130 đến 150 đợt thi với tổng số ứng viên làm bài từ 1.500 đến 2.000 người, thời gian tổ chức một đợt thi trung bình là 4 giờ. Từ khi ứng dụng đào tạo trực tuyến, FPT đã giảm thời gian tổ chức một đợt thi xuống còn 2 giờ, và giảm được nhiều chi phí đào tạo như: chi phí thuê phòng và thiết bị phục vụ, chi phí cho giảng viên, chi phí ăn, ở, đi lại của nhân viên, chi phí in ấn tài liệu, đề thi. Đồng thời, nhờ đào tạo trực tuyến các nhân viên có cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, nâng cao trình độ và gia tăng hiệu quả làm việc. Đây là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực của Tập đoàn.
Hiện Tập đoàn FPT đang có kế hoạch phát triển hệ thống ACC, bao gồm bổ sung ngân hàng câu hỏi và bài giảng, hoàn thiện chương trình tuyển dụng và đào tạo, bổ sung các tính năng mới cho hệ thống như: tính năng ghi nhận câu hỏi mở (làm bài luận), tự quay bài giảng và đưa lên hệ thống.
Nguồn: http://acc.fpt20.com.
Tại Việt Nam, đào tạo trực tuyến đã bước đầu được ứng dụng và triển khai nhưng chủ yếu vẫn trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, triển khai thí điểm. Các kết quả đạt được cho tới nay đã tạo tiền đề cho việc ứng dụng toàn diện, sâu rộng trong toàn xã hội.