III. Những điều nên tránh trong giao tiếp ứng xử:
BẠN CÓ BIẾT KHÔNG? LẮNG NGHE CŨNG LÀ MỘT “NGHỆ THUẬT”
Ngạn ngữ Nga có câu “Con người mất 3 năm để học nói nhưng phải mất cả cuộc đời để học lắng nghe”. Tại sao vậy??? Không phải ngẫu nhiên mà thượng đế lại ban cho con người 2 cái tai và 1 cái miệng. Phải chăng ta nên nghe nhiều hơn và nói ít hơn?
Vậy thế nào là lắng nghe?
Để hiểu rõ khái niệm, bạn hãy làm bài tập sau đây:
Nhắm mắt lại 1 phút. Bạn nghe được gì? Những gì bạn nghe được là đó gọi là “nghe thấy”. Nghe thấy là quá trình sóng âm đập vào màng nhĩ và chuyển lên não. Đó là quá trình hoàn toàn tự nhiên từ khi bạn sinh ra đã như vậy rồi. Lúc bạn ngủ thì quá trình đó vẫn xảy ra. Bây giờ bạn hãy làm bài tập thứ hai: Nhắm mắt lại và cố nghe xem người ở phòng bên cạnh đang nói gì? Đây chính là quá trình “lắng nghe”. Quá trình này nối tiếp ngay sau quá trình nghe thấy. Nó biến đổi sóng âm thanh thành ngữ nghĩa. Lắng nghe cần sự tập trung và chú ý rất cao.
“Nói là gieo, nghe là gặt”. Nhưng một thực tế đáng buồn là ta dùng hơn một nửa thời gian giao tiếp cho lắng nghe mà hiệu quả chỉ đạt 25 – 30%. Nếu bạn là nhà đầu tư khôn ngoan thì tôi tin chắc bạn sẽ đầu tư vào mảnh đất tiềm năng 75% này.
Lắng nghe không phải là bản năng mà là nghệ thuật, kỹ năng cần được rèn luyện lâu dài. Sự thông thái là phần thưởng của người biết lắng nghe. Thế nhưng, trong giao tiếp với nhau, chúng ta thường tranh nhau thể hiện mà rất ít người tranh nhau lắng nghe.
Cái gì khiến cho lắng nghe khó đến thế? CÁI TÔI của ta. Rất nhiều khi ta giả vờ như đang lắng nghe trong khi tâm trí của ta đang chạy đua để tìm một lời nói ra. Ta bị thôi thúc cắt ngang người đang nói và thêm vào một từ. Chúng ta dường như muốn nghe thấy chính mình chỉ để khẳng định và tăng giá trị sự có mặt của ta. Và nếu người đang trò chuyện cùng ta để ta nói, ta cứ nói mãi tùy thích thay vì kết thúc sau khi đã nêu ý kiến. Không muốn từ bỏ hứng thú nói, ta tìm cách điều khiển cuộc đàm thoại bằng cách nói huyên thuyên, không dứt.
Ta nên lắng nghe như thế nào?
Trước hết, VỨT BỎ CÁI TÔIcủa bạn đi. Nhìn người đối thoại và tập trung vào những gì người ấy đang nói. Tự hỏi xem mình có thể học được gì và cả hai người có được lợi ích gì từ cuộc nói chuyện.
Tiếp đến, hãy nhận thức các ý tưởng, kinh nghiệm, và thái độ của bạn. Tức là thử xem bạn đang lắng nghe một cách khách quan, hay đang tô điểm lời của người nói bằng sự diễn giải của bạn. Để tránh bóp méo sự kiện và hiểu sai người đối thoại, có những lúc nên dừng cuộc nói chuyện và xác minh xem mình có hiểu đúng không. Để xác định, chỉ cần nói : Như vậy, điều bạn đang nói là …. ( nhắc lại những gì bạn nghe được) và ý bạn là (nói những điều bạn hiểu).
Ngoài ra, để có được nhiều lợi ích nhất từ cuộc nói chuyện, hãy cố gắng đặt mình vào vị
trí người nói trước khi bạn thực sự mở lời. Hãy cố gắng cảm nhận những cảm xúc của
người nói và hiểu tại sao những gì đang được nói ra lại quan trọng với người ấy. Như vậy,
bạn sẽ có thể làm tăng thêm nhiều trải nghiệm và sự hiều biết của mình. Điều này cũng sẽ làm cho người nói trải lòng ra. Vì thế, cả hai đều cảm thấy khả năng biểu đạt, hiểu biết luôn tăng tiến.
Còn những gì bạn không nên làm liên quan đến chuyện lắng nghe? Có đấy! Đừng lắng nghe những chuyện ngồi lê đôi mách và những chuyện tiêu cực, vì bạn có mặt là để lan truyền cái tốt đẹp, chứ không phải cái xấu xa. Đúng không nào?
Khả năng lắng nghe của bạn có ảnh hưởng rất lớn đến công việc và mối quan hệ với những người chung quanh. Và với tôi, nghệ thuật lắng nghe còn là một nghệ thuật để nâng cao tâm hồn.Trong lắng nghe, bạn sẽ cho đi sự có mặt của bạn và sẽ nhận lại rất nhiều trong chính sự cho đi ấy.Cho phép tôi hỏi bạn câu này: Hôm nay bạn đã lắng nghe ai thế và bạn muốn ai lắng nghe mình đây?
Đinh Hà Ngọc Quỳnh