Thời gian từ trồng đến bắt đầu có quả chín được xác định từ khi trồng đến khi 30% số cây trong ô thí nghiệm có quả chín ở chùm quả thứ nhất. Sau khi quá trình thụ phấn thụ tinh hoàn thành, bầu noãn sẽ phát triển thành quả. Giai đoạn này thân lá tập trung các chất dinh dưỡng vào nuôi quả và kích thước, trọng lượng quả tăng dần. Sau khi quả đạt được kích thước tối đa trong quả xảy ra các quá trình biến đổi sinh lý, sinh hóa dẫn đến những biến đổi hình thái và quả bắt đầu chín. Ở cà chua có quá trình chín sinh lí và chín hình thái diễn ra đồng thời. Chín sinh lí là quá trình biến đổi sinh lí, sinh hóa bên trong quả là khi quả đạt được độ thành thục và hạt đã phát triển hoàn thiện. Chín hình thái là quá trình biến đổi màu sắc vỏ quả, thịt quả, độ mềm của quả. Màu sắc vỏ cà chua được quyết định bởi sự hình thành 2 sắc tố Lycopen và Caroten. Hai sắc tố này chịu ảnh hưởng rất lớn của nhiệt độ. Nếu nhiệt độ quá cao Lycopen không được hình thành mà chỉ có Caroten mới được hình thành nên quả thường có màu vàng.
Theo Kuo và cs [25] sau khi đậu quả nếu gặp điều kiện thuận lợi quả sẽ phát triển nhanh tới khi đạt kích thước tối đa trong khoảng nửa thời gian từ ra hoa đến chín hoàn toàn ( 20-30 ngày). Thời gian sau chủ yếu tích lũy bột và đường vào quả, hình thành Pectin ở thịt quả. Như vậy đòi hỏi mất khoảng 40- 60 ngày tính từ khi ra hoa đến chín hoàn toàn. Tuy nhiên giai đoạn này điều kiện ngoại cảnh có tác động rõ rệt, đặc biệt là yếu tố nhiệt độ. Nếu nhiệt độ càng cao thì giai đoạn này càng rút ngắn.
Thời gian từ trồng đến bắt đầu chín là đặc trưng của giống và chịu ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh. Nhiệt độ cao thì quá trình này sẽ bị rút ngắn, đồng thời cây bị bệnh cũng sẽ chín sớm hơn cây bình thường. Do vậy đây cũng là chỉ tiêu quan trọng cần theo dõi, chỉ tiêu này đánh giá khả năng chín sớm của từng tổ hợp, và giúp đánh giá và so sánh các tổ hợp lai.
Khi biết được thời gian chín của quả, dựa vào đó người sản xuất có thể chủ động bố trí được thời gian thu hoạch. Nếu nắm vững được thời gian chín của từng giống sẽ giúp người sản xuất đánh giá được khả năng chín sớm hay muộn, qua đó chủ động bố trí thời vụ thích hợp (Tổ hợp lai nào chín càng sớm càng tránh được những điều kiện bất thuận của vụ Xuân Hè), để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Kết quả theo dõi chỉ tiêu này đã được trình bày rõ ở bảng 4.1 và 4.2. Thời gian từ trồng đến bắt đầu thu hoạch (bắt đầu chín) là một chỉ tiêu rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sau này. Các tổ hợp lai khác nhau có thời gian từ trồng đến bắt đầu chín khác nhau, cùng một tổ hợp lai trồng trong thời vụ khác nhau thì thời gian bắt đầu chín cũng thay đổi.
- Vụ Thu Đông, T13 là tổ hợp lai có thời gian chín nhanh nhất 60 ngày sau trồng. Giống đối chứng 77 ngày sau trồng mới bắt đầu chín và cũng là giống chín muộn nhất.
- Vụ Xuân Hè, tổ hợp lai có thời gian chín sớm nhất là T10 chỉ 55 ngày sau trồng. T21 có thời gian chín dài nhất là 65 ngày sau khi trồng mới cho thu hoạch.
Hình 4.1. Thời gian qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển của các tổ hợp lai cà chua trong vụ Thu Đông 2011
Hình 4.2. Thời gian qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển của các tổ hợp lai cà chua trong vụ Xuân Hè 2012