Đặc điểm kinh tế, xã hộ

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức hồ chí minh cho thanh niên dân tộc thái ở huyện tương dương tỉnh nghệ an trong giai đoạn hiện nay (Trang 33 - 38)

Là một huyện miền núi vùng cao, mặc dầu là huyện có diện tích lớn nhất cả tỉnh Nghệ An nhưng đất giành cho sản xuất nông nghiệp là không nhiều, chủ yếu là đồi núi, dân số đa phần là sống dựa vào việc phát nương làm rẫy, săn bắt thú rừng và đánh bắt cá trên dòng sông Lam và các khe suối. Trong những năm trước đây, tổng giá trị sản xuất đạt 52,2% kế hoạch đề ra, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn là 800.000 đồng/năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt 5 tỷ đồng, tỷ lệ hộ đói nghèo trên 70%, đời sống các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đa phần gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi hàng năm còn xẩy ra lũ quét, lũ ống tàn phá nhà cửa, hoa màu, tài sản làm tăng thêm phần đói nghèo. Các xã trên địa bàn huyện được thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm giúp đồng bào thoát nghèo nhanh, bền vững.

Tương Dương là nơi khởi nguồn của dòng Sông Cả, nằm trong khu dữ trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, hệ thống sông, suối dày đặc. Trong điều kiện khan hiếm nguồn điện hiện nay, Tương Dương là điểm đến của các công trình thủy điện có quy mô vừa vừa và nhỏ. Hiện nay, đã có 4 công trình thủy điện được khởi công xây dựng như Thủy điện Bản Vẽ (320 MW), Khe Bố (100 MW), Yên Thắng, Xóng Con (10 MW).

Không chỉ là tài nguyên nước, Tương Dương còn đa dạng và khá phong phú về tài nguyên rừng. Tổ chức UNESCO đã công bố, các huyện phía Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, trong đó các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp nằm ở vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển đó. Chiếm trên 17% diện tích và 24.28% trữ lượng rừng của tỉnh Nghệ An, rừng Tương Dương phong phú về chủng loại, từ rừng lá kim á nhiệt đới đến rừng hỗn giao lá kim - lá rộng và rừng kín, với hàng trăm loài cây, trong đó 42 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Dưới những tán rừng là hàng trăm loài động vật quý: hổ, gấu, bò tót, voi, sóc bay, voọc xám (đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam),... Trong tổng số 145.632 ha rừng hiện có của Tương Dương, có 144.204,2 ha là rừng tự nhiên. Hiện nay, ở Tương Dương vẫn còn giữ được hàng ngàn ha rừng nguyên sinh trên một ngàn tuổi như rừng Pù Huống, Pù Mát, rừng Săng Lẻ,...

Trong lòng đất Tương Dương còn chứa đựng những khoáng sản quý như vàng Huội Nguyên, than đá Khe Bố (với loại than nâu, lửa dài). Nguồn đá các loại rất dồi dào, đặc biệt là đá vôi có trữ lượng lớn phân bố khắp nơi, đá Granit ở xã Lưu Kiền với trữ lượng lớn.

Trong tương lai, Tương Dương là điểm du lịch rất hấp dẫn, bởi tài nguyên du lịch ở đây rất phong phú và đa dạng (du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh,...). Nói vậy bởi nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Nằm trong khu dự trữ sinh quyển lớn nhất cả nước, với những phong cảnh dễ say lòng người như hai dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ và những câu chuyện đầy chất huyền thoại, rồi rừng

Quốc gia Pù Mát, rừng Săng Lẻ ở xã Tam Đình được nhiều người đánh giá là đẹp nhất nước, rừng lạnh nguyên sinh ở xã Tam Hợp, rừng cây lùn ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát (xã Tam Quang),... Bên cạnh đó, hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố sẽ là những điểm thu hút du khách, phát triển dịch vụ du thuyền thám hiểm lòng hồ, tham quan các ốc đảo và thưởng thức các loại đặc sản của núi rừng như thịt gà đen, lợn đen, cá mát, cơm lam, măng đắng,...

Tương Dương cũng là huyện có khá nhiều di tích - lịch sử, tiêu biểu như đền Cửa Rào (xã Xá Lượng), đền thờ Lý Nhật Quang (xã Tam Quang), hang Thằm Cóng (xã Tam Bông) và hệ thống hang động ở bản Xiềng Lằm (xã Hữu Khuông). Đặc biệt, đền Cửa Rào từ lâu đã trở thành nơi gửi gắm tâm linh của đồng bào các dân tộc Tương Dương và du khách gần xa. Mấy năm gần đây, huyện Tương Dương thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân đã thu hút một số lượng lớn du khách tìm về với lễ hội.

Với đặc điểm có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nên vùng đất Tương Dương có đời sống văn hóa phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc vùng miền đến nay cơ bản vẫn còn lưu giữ được. Đồng bào Thái với câu lăm, điệu khắp cùng bộ trang phục duyên dáng, gợi cảm; đồng bào Mông với bộ trang phục hoa văn sặc sỡ cùng điệu múa xòe; đồng bào Khơ Mú với điệu hát tơm lôi cuốn người nghe bởi giai điệu rộn ràng. Đó là chưa kể tới đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào Tày Poọng, Ơ Đu đang trên bước đường hồi sinh. Với ưu thế chiếm số lượng lớn và cư trú rộng khắp, đồng bào Thái ở Tương Dương từ lâu đã có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc mình, trong đó phải kể đến yếu tố không gian văn hóa. Vì thế, ở Tương Dương lưu giữ được một số bản Thái cổ như bản Chắn, bản Mác, bản Lau (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Phồng (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn),...

Nhằm đảm bảo ổn định về kinh tế- xã hội, trên cơ sở những tiền đề đã đạt được, Đảng bộ huyện Tương Dương đã từng bước vạch ra con đường phát triển phù hợp với tình hình, đặc điểm của mình, ra sức phát huy nội lực, tranh thủ sự

giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân huyện Tương Dương đã vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực, đạt và vượt một số chỉ tiêu trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXIV đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong thời kỳ 2005-2009 đạt 9,1%, năm 2009 thu ngân sách đạt 8.764 triệu đồng/3.970 triệu đồng, bằng 175,3% so với Nghị quyết HĐND huyện đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiêp, dịch vụ; huyện hiện có 15 xã/18 xã có điện lưới quốc gia, đường ô tô về tận xã. Có 80% số trường học cao tầng, trạm xá khang trang, 3 trường học, 3 trạm xá được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1, bộ mặt thị trấn và các xã thay đổi rõ nét, nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện được xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả; quốc phòng-an ninh được giữ vững, chính trị ổn định. Phong trào xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh, nhất là khi chương trình 134, 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ đi vào cuộc sống đã làm thay đổi diện mạo nông thôn và cuộc sống của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Diện phủ sóng truyền hình trong toàn huyện đạt 90%, phủ sóng phát thanh đạt 95%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 53,2%. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được quan tâm củng cố, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành từng bước đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được đó thì hiện nay, huyện Tương Dương vẫn là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, vị trí địa lý lại không mấy thuận lợi, địa hình của huyện chia thành 3 vùng rõ rệt: vùng trong, vùng đường 7 và vùng dọc sông, lại là địa hình luôn phải gánh chịu hậu quả thiên tai, nắng nóng gay gắt, lũ quét, lốc xoáy xẩy ra thường xuyên. Do vậy, chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Đến nay thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt xấp xỉ 7

triệu đồng/năm. Các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và nhiều vùng trọng điểm chưa được đầu tư thoả đáng, thu hút đầu tư thấp, hiệu quả chưa cao. Nguồn thu ngân sách chưa đủ để trang trải mà 100% là do Nhà nước cấp. Lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế và các hoạt động xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết luật pháp của nhân dân còn nhiều hạn chế, trình độ tay nghề của lao động còn yếu, cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ nữ còn thiếu và yếu.

Tình hình kinh tế- xã hội và truyền thống của quê hương Tương Dương nêu trên đã tạo ra cho con người trên mảnh đất vùng cao miền Tây Nghệ An tính cố kết cộng đồng, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau cùng thoát nghèo. Là yếu tố tác động sâu sắc đến các thế hệ thanh niên và công tác thanh niên huyện nhà, vun đắp cho thanh niên huyện Tương Dương những truyền thống quý báu: yêu nước nồng nàn, chấp nhận hy sinh, đặt lợi ích tập thể, Tổ quốc lên trên hết. Kiên định đi theo con đường, lý tưởng cao đẹp mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã chọn; luôn luôn thể hiện là đội quân tiên phong, gương mẫu, xung kích, sáng tạo, đón nhận những nhiệm vụ nặng nề, làm những việc mới, việc khó; hiếu học, ham hiểu biết, luôn học tập trau dồi chuyên môn, đạo đức, lối sống để đạt hiệu quả cao trong thực tiễn công việc hàng ngày, tiếp tục vững bước cùng với lực lượng thanh niên trong tỉnh, trong cả nước xây dựng thành công sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tương Dương đã xây dựng 13 dự án định canh, định cư cho 13 xã trong kế hoạch 1990-2005, kết hợp với chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình 135, chương trình trồng 1 triệu ha rừng, chương trình xoá bỏ cây trồng thuốc phiện của tỉnh,… nhằm bố trí lại sản xuất, sắp xếp lại dân cư, đảm bảo định canh, định cư bền vững theo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa bàn, từng vùng, phấn đấu giải quyết tự túc lương thực tại chỗ và tiến tới là kinh tế hàng hoá.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức hồ chí minh cho thanh niên dân tộc thái ở huyện tương dương tỉnh nghệ an trong giai đoạn hiện nay (Trang 33 - 38)