Thực trạng áp dụng thuế chống bán phá giá tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tại Việt Nam trong điều kiện hội nhập WTO.docx (Trang 42 - 45)

Trước ngưỡng cửa Việt Nam gia nhập WTO, hiện tượng bán phá giá hàng nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng, gần đây đã xảy ra các trường hợp thép giá rẻ của Trung Quốc bán phá giá, nhiều loại nông sản của Trung Quốc và Thái Lan bán giá rẻ “làm mưa làm gió” ở thị trường Việt Nam. Trứng gà Trung Quốc bán tại thị trường trong nước họ khoảng 1.200 đồng nhưng bán ở Việt Nam chỉ vài trăm đồng. Hoặc một kilôgam đường bán ở Thái Lan tương đương giá 15.000 đồng Việt Nam, nhưng khi bán sang nước ta chỉ với giá 6.000 đồng. Trên thực tế những mặt hàng sau đây có khả năng bị bán phá giá:

2.2.1.1. Xi măng

Các nước trong khu vực như Thái lan, Trung quốc là những nước sản xuất xi măng rất mạnh. Sản lượng xi măng của các nước này tại một thời điểm nào đó có thể bị dư thừa so với nhu cầu trong nước do khủng hoảng kinh tế

hoặc bất hợp lý trong khâu lập kế hoạch sản xuất, v.v…, khi đó rất có khả năng Thái lan hoặc Trung quốc sẽ bán phá giá xi măng sang Việt nam vì Việt nam là thị trường tương đối lớn trong khu vực và có tốc độ xây dựng phát triển mạnh.

Việc bán phá giá xi măng vào thị trường Việt nam trước hết sẽ có lợi cho người tiêu dùng và ngành xây dựng. Tuy nhiên, đối với ngành công nghiệp xi măng của ta, vốn là một ngành được bảo hộ cao, thì đây lại là một khó khăn lớn.

2.2.1.2. Sắt thép

Ở Hoa kỳ thì sắt thép là mặt hàng nhập khẩu bị điều tra phá giá nhiều nhất (chiếm một nửa số vụ điều tra phá giá). Từ năm 2001 trở về trước, Việt nam duy trì giấy phép nhập khẩu đối với thép xây dựng nên ta chưa quan tâm tới việc sắt thép nhập khẩu có bị bán phá giá hay không. Tuy nhiên có nhiều khả năng một số sắt thép nhập khẩu từ Nga, Hàn quốc đã bị bán phá giá vào Việt nam. Ngành thép của các nước phát triển như Hoa kỳ, EU, Nhật bản hiện nay đều đang gặp khó khăn. Khi Việt nam đã bỏ giấy phép nhập khẩu và các nước có nền công nghiệp thép mạnh như Hàn quốc, Nhật bản, các nước thuộc khối SNG bán phá giá sắt thép vào Việt nam thì thiệt hại cho ngành sắt thép trong nước sẽ rất lớn.

Tuy nhiên khi đó các ngành công nghiệp sử dụng sắt thép làm nguyên vật liệu đầu vào sẽ có lợi.

2.2.1.3. Giấy

Trong 6 tháng đầu năm 2002, các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy Việt nam đã gặp nhiều khó khăn vì có khả năng giấy nhập khẩu bị bán phá giá vào Việt nam: giá giấy nhập khẩu là 380 USD/tấn, trong khi giá bột giấy nhập khẩu đã là 400 USD/tấn. Tuy nhiên muốn khẳng định điều này đúng

hay không cần phải tiến hành điều tra vì các giá trên có thể chưa được so sánh một cách xác đáng.

Nhiều mặt hàng với giá rẻ "bất ngờ" đã được nhập khẩu vào Việt Nam như xe đạp, linh kiện xe máy, động cơ và máy nông cụ, hàng điện tử, kính xây dựng, các loại thực phẩm và nông sản của Trung Quốc; một số hàng hóa tiêu dùng của Hàn Quốc; đường kính, hàng điện tử của Thái Lan;... đã thao túng thị trường trong nước, gây nhiều thiệt hại cho các nhà sản xuất của Việt Nam.

Từ tình hình nêu trên, có thể nhận thấy, những nước bị điều tra bán phá giá nhiều nhất cũng đều là những nước xuất khẩu khá nhiều chủng loại hàng hóa vào Việt Nam (đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Thái-lan).

Xét ở góc độ người tiêu dùng, việc hàng hóa nước ngoài được bán phá giá tại Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích cụ thể, trước mắt cho họ do mua được hàng hóa với giá rẻ. Tuy nhiên, việc bán phá giá sẽ kéo theo hàng loạt những tác động xấu cho các ngành sản xuất trong nước. Nó dần dần bóp chết các ngành sản xuất non trẻ và thiếu sức cạnh tranh của Việt Nam. Ngoài ra, một khi hàng hóa bán phá giá đã chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam thì các nhà xuất khẩu chắc chắn không dừng lại ở đó mà họ sẽ nâng dần giá hàng để thu lợi nhằm bù đắp những chi phí của việc bán phá giá. Lúc đó, người tiêu dùng sẽ phải mua hàng hóa với giá cao. Thực tế trên đã và đang diễn ra suốt nhiều năm. Nếu Chính phủ không có sự can thiệp kịp thời bằng các biện pháp đủ mạnh như hạn chế định lượng hoặc nâng thuế suất thuế nhập khẩu thì chắc chắn nhiều ngành sản xuất trong nước khó có thể gượng dậy được do tác động của bán phá giá. Rõ ràng, bán phá giá đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế về định lượng và thuế nhập khẩu sẽ bị loại bỏ dần trong thời gian tới theo những cam kết trong WTO và ASEAN. Vì thế, để hạn chế những ảnh hưởng của bán phá giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam, cần phải có những giải pháp cứng rắn theo đúng luật pháp quốc

tế: Đó là một bộ luật về chống bán phá giá. Đây là vấn đề mang tính thời sự, đặt ra cho các doanh nghiệp và các nhà quản lý của Việt Nam để vừa có thể vừa cùng thực thi việc chống phá giá của các nước, vừa khống chế được việc bán phá giá vào thị trường Việt Nam.

Biện pháp đó là hợp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của DN Việt Nam, đồng thời có tác dụng răn đe những nước lạm dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam .

Tóm lại, chống phá giá là một công cụ lợi hại mà các nước đang sử dụng như một con bài để bảo hộ sản xuất trong nước và bảo đảm một nền thương mại công bằng. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Việt Nam đang tích cực tham gia với những cấp độ khác nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng hóa của Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các nước; đồng thời một khối lượng hàng hóa khổng lồ từ các nước cũng sẽ có mặt tại Việt Nam. Chính điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và các nhà quản lý Việt Nam phải chủ động đề phòng và tham gia tích cực vào các vụ kiện bán phá giá trên thị trường quốc tế. Mặt khác, sự ra đời của Pháp lệnh Chống phá giá và việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất là những việc đầu tiên cần phải làm để góp phần hạn chế tình trạng bán phá giá tại Việt Nam, bảo hộ sản xuất trong nước phát triển.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tại Việt Nam trong điều kiện hội nhập WTO.docx (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(69 trang)
w