Có người cho rằng với các nhà văn khi tuổi tác và vốn sống ngày càng dày thì người ta càng hay hồi cố và có nhu cầu đưa yếu tố tự truyện vào trong tác phẩm. Với trường hợp của Nguyễn Khải có lẽ còn ít nhiều liên quan tới điều mà nhà văn tâm sự trong “Nắng chiều”: “Khốn nỗi cái thằng viết văn lại vốn có tật thích lôi việc nhà ra để viết…
Tại sao thế? Tôi cũng không biết nữa. Có thể cái nghiệp dĩ của người cầm bút chăng?” Nguyên do sâu xa có lẽ tìm thấy trong những lời nghiêm túc mà nhà văn tâm
sự khoảng hai tháng trước khi ra đi: “Viết các vấn đề có ý nghĩa triết học tư tưởng là phải
là thế giới tập trung chính trị, văn hóa, là ở đô thị. Muốn viết sâu đậm không thể không “lôi” về Hà Nội”. Vì thế có thể và nên coi “Một người Hà Nội” là sự thể hiện những
điều chiêm nghiệm mang ý nghĩa triết học tư tưởng ấy chăng?
“Chúng tôi gọi là cô, cô Hiền, là chị em đôi con dì ruột với mẹ già tôi. Năm 1955, tôi
từ kháng chiến trở về…” . Nhà văn đã bắt đầu thiên truyện ngắn của mình như thế đấy:
rất thành thực, thân mật, tự nhiên, cứ như đang sẵn điều cần kể thì thuận miệng nói ra thôi, nhẹ nhõm như không chẳng cần phải gọt giũa gì cả. Song như thế không có nghĩa là dễ dãi. Còn nhớ trong “Gặp gỡ cuối năm” tác giả từng nhận xét: “Thì ra khi đã có một
cốt truyện quan trọng, với những chi tiết tuyệt vời, lời văn nó tự đến, đến thật mềm mại, uyển chuyển, và trong trẻo không có tí văn học nào”. Trở lại với “Một người Hà Nội”
người kể chuyện rõ ràng là giọng của một người không cần nép mình cho nhỏ lại, nhường chỗ cho nhân vật. Ở đây, người kể chuyện tham gia vào câu chuyện kể một cách tự nhiên, chủ động, đối thoại cùng nhân vật. Anh ta quan sát suy ngẫm, trò chuyện, phản ứng, nhận định, tranh cãi, bình phẩm…Tuy nhiên không phải sắm vai là người kể chuyện biết tuốt
để phán xét nhân vật mà làm sống lại những gì mình đã nói, đã ngẫm nghĩ một cách tự
nhiên, thành thực bằng một giọng kể không hề “độc điệu” mà rất “phức điệu”, đa thanh, có khi lấp lánh ánh mắt tinh quái nghịch ngợm, một chút tự trào hóm hỉnh, có lúc lại không dấu được sự chua chát, một tiếng thở dài tự thấy mình biết nhiều, hiểu nhiều. Thoắt là người này rồi lại nhập vào người khác… để cảm nhận, biện hộ và cả “lí sự” cho họ. Mỗi người đều có sự lí lẽ riêng và không cái nào triệt tiêu cái nào trong một cuộc đối thoại chưa hoàn tất. Một lối trần thuật rất có duyên, đem lại cho câu truyện sự cuốn hút mặc dù cốt truyện xem ra không có gì đáng phải chú ý. Những lời trần thuật dù có biến đổi linh hoạt thế nào thì vẫn nặng trĩu tâm tư của người khôn ngoan, từng trải. Dường như nhà văn không bao giờ chỉ đứng ngang tầm sự kiện mình kể lại mà luôn có ý thức nhìn nhận, xét đoán chúng ở một góc nhìn cao hơn, nhân danh một điều gì cao thượng hơn, sâu xa và đẹp đẽ hơn. Vấn đề không phải chỉ là sự kiện mà còn là người kể chuyện ý thức như thế nào về sự kiện đó, vế sau quan trọng hơn. Chẳng hạn như trước việc tưởng như rất “bình thường” là người ta “hăm hở, hả hê”, trước một bữa ăm nhộm nhoạm, xô bồ, phàm tục “vợ chồng con cái súm sít quanh cái mâm nhôm, thức ăn…có
khi cứ để nguyên trong nồi, nồi lớn đặt giữa mâm, nồi nhỏ đặt cạnh mâm, cứ việc sục muôi vào, sục đũa vào, vừa ăn vừa quát con mắng cái nhồm nhoàm”. Một giọng điệu
giễu cợt, buồn thương cho con người của một thời. Và phải như thế người ta mới thấy “tức và đau” về sự thiếu lễ độ của một lớp người Hà Nội sau này. “Tức” là ở bề mặt, còn bề sâu là một nỗi “đau” buồn và sự xót xa vô hạn. Có như thế mới hiểu được tấm lòng của nhân vật chính trong tác phẩm: một người Hà Nội chính gốc, cô Hiền.
Nhà văn muốn nhân vật “tôi” của mình phải là một người Hà Nội gốc, sinh ra ở thủ đô, hai lần từ xa trở về Hà Nội. Lần thứ nhất từ cuộc kháng chiến gian khổ. Lần thứ hai từ một đô thị phát triển sầm uất hơn là Sài Gòn. Cả hai lần trở về như thế là để nhận diện lại Hà Nội, khám phá lại cội nguồn của lòng mình. Tất nhiên, trong truyện ngắn này, đáng gọi “Một người Hà Nội” hơn cả vẫn là nhân vật nữ chính: Cô Hiền. Hình tượng này chính là nơi để nhà văn kí thác nhiều nhất và trọn vẹn nhất những tìm hiểu, chiêm nghiệm của mình về “Một người Hà Nội” không pha trộn, thuần túy. Sự thuần túy Hà Nội của cô Hiền thể hiện đầu tiên ở chỗ cả đời mình từ lúc sinh ra cho tớ khi cận kề cái chết cô chỉ gắn bó với đô thành đó. Và cô đồng hành cùng Hà Nội qua mọi xáo trộn, bão táp của lịch sử trong suốt cuộc đời mình. Cô Hiền là người của Hà Nội thời tạm chiếm và cũng là người của Hà Nội thời cách mạng, thời chiến và cả thời bình. Bề dày của thời gian, kinh nghiệm, sự lịch lãm và cả tập quán nữa đã tạo nên bản lĩnh của “Một người Hà Nội”. Nhà văn để cho nhân vật ấy nói hai lần rằng là người Hà Nội thì phải sống cho chuẩn, cái
chuẩn ấy phải do giai tầng thượng lưu ở chốn kinh kì này đặt ra mà theo đó cách cầm bát cầm đũa, cách múc canh cho đến ăn mặc nói năng đi đứng đều phải nền nếp chứ không thể tùy tiện buông tuồng. Tuy nhiên sự sang trọng của “Một người Hà Nội” không
có nghĩa đồng nhất với sự giàu sang về vật chất. Ít nhất là nửa cuộc đời mình cô Hiền không phải là người giàu có. Cô đủ ăn, chỉ cần có thế. Một “quý bà” từng ăn mặc sang trọng, ở nhà quá rộng, có tới mấy người giúp việc giờ đây chấp nhận một lối sống giản dị bình thản gấp nhiều lần so với lũ người “ăn xổi” mới nổi lên giàu sụ nhưng trưởng giả, trọc phú. Không có gì giống nhau giữa cô Hiền và đám người giàu có kia chỉ chấp nhận “thưa gửi” với những kẻ “đội mũ dạ, áo ba-đờ-xuy, cưỡi con cúp” còn lại những ai “ăn
mặc tẩm” lại “đi xe đạp” thì nhất loạt bị chúng khinh bỉ. Đâu phải ngẫu nhiên mà tác giả
dành hàng nửa trang để viết về lời kể của chị vú nuôi trong gia đình cô Hiền: “Nếu họ
không đối xử tử tế thì tôi đã xéo lâu rồi không cần các anh phải xui” hay chị ta thuật lại những tình cảm mộc mạc, lâu bền của vợ chồng chị với gia đình cô Hiền. “Một người Hà Nội” lịch thiệp đó ngay cả khi là một bà chủ vẫn không cho phép mình coi rẻ con người nhất là những người làm ăn khó nhọc. Vậy thì cái sang trọng của cô Hiền chủ yếu gắn
với sự sang trọng của đời sống tinh thần, văn hóa- cái gốc rễ tồn tại lâu bền với cuộc sống con người. Cái đẹp, cái sang trọng đã trở thành thứ không thể thiếu được trong nếp
sinh hoạt của cô. Người như cô Hiền, nếu vì một hoàn cảnh nào đó có phải sống trong cảnh “Lọ Lem” “mặc áo bông ngắn, quần thâm, đi dép hoặc đi guốc, vuông khăn len tơi
tớp buộc quanh cổ hay bịt đầu” thì chí ít là “trong các bữa ăn bạn bè” vẫn tổ chức đều
đặn hàng tháng, thế nào cũng có lúc trở lại là mình thật quý phái với “lược giắt trâm cài” trên mái tóc hay “nửa xanh nửa bạc, áo nhung áo dạ, đeo ngọc đeo dây đi lại uyển
chuyển”. Đến những trang cuối truyện, tác giả còn miêu tả hình ảnh cô Hiền, trong những
ngày giáp Tết đang công phu kì cọ “một cái bát thủy tiên men đỏ, hai cái đầu rồng gắn
nổi bằng đồng, miệng chân cũng bịt đồng thật đẹp đẽ”. Để rồi trong trang văn bỗng thấy
bật lên những lời thiết tha không thể nén về “Một người Hà Nội”: “Bên ngoài trời rét,
mưa rây lả lướt dù chỉ làm ẩm chứ không ướt áo lại nhìn cô Hiền lau đánh cái bát thủy tiên này bỗng thấy Tết quá, Hà Nội quá”. Hình tượng cô Hiền hiện lên trong trang văn là
một người giữ lửa, ngọn lửa của Hà Nội thanh lịch cao sang, dù có vì thế mà cô mang thành kiến mình đích thị là tư sản, có bộ mặt tư sản, một cách sống rất tư sản, khư khư giữ lấy những lễ nghi của giai cấp có vẻ không hợp thời chút nào.
Đọc “Một người Hà Nội” dễ nhận thấy căn cốt của người Hà Nội xét cho cùng lại là
trọng, xấu hổ còn sau này muốn sống ra sao thì tùy”. “Tao đau đớn mà bằng lòng…Nó dám ra đi cũng là biết tự trọng”. Hóa ra biết tự trọng biết xấu hổ chính là căn cốt đầu tiên
để giữ người ta không sa vào lối sống đớn hèn thấp kém, tầm thường, và tệ hại hơn là sự vô luân, vô sỉ. Người biết tự trọng sẽ giữ được mình, không trở nên tàn nhẫn, ích kỉ. Và cô Hiền cũng không phải là người ích kỉ trong mắt chúng ta. Với cô, lẩn tránh, không dám làm cũng tức là không dám hi sinh như những bà mẹ khác thì chẳng khác nào sự tự hạ thấp lòng tự trọng của mình. Người mẹ kiêu hãnh ở cô Hiền không vì yêu con mà chấp nhận cho con sống trong hèn yếu. “Bám vào sự hi sinh của bạn bè”, hòng “tìm đường
sống cho nó để các bạn nó phải chết”. Cô thấu hiểu “bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết cũng là một cách giết chết nó”. Tình yêu nước, sự hi sinh không cần phải
những lời hoa mĩ để khoe khoang.
Nguyễn Khải còn nhất định xếp cô Hiền là thành viên của một dòng họ mà ở đó hầu hết “các bà lại hết sức ghê gớm, ăn nói và hành động táo bạo”. Cô Hiền có nét giống với nhân vật chị Đại trong “Nắng chiều” hay chị Hoàng trong “Gặp gỡ cuối năm”…nghĩa là thuộc típ người mạnh mẽ quyết đoán, áp đảo người khác, đặt ảnh hưởng của mình lên người khác chứ không phải để người khác áp đảo bản thân mình. Cô Hiền là người tự quyết định cuộc đời mình, từ việc lấy một ông chồng là giáo học hiền lành, sau một thời son trẻ vui đùa cùng đám nghệ sĩ và bạn bè con nhà giàu có, việc dừng sinh con vào tuổi bốn mươi để đứa nhỏ nhất có thể tự lập lúc bố mẹ về già, rồi nếu buộc phải nuôi “một lũ
ăn bám” thì chọn nghề làm hoa giấy chứ không mở nhà in hay trường tư thục…Trong
một Hà Nội mới được giải phóng năm 1954 thì cô Hiền là dân vùng tạm chiếm, kể cũng bị coi là người cũ không hợp thời, lạc hậu về tư tưởng. Thế mà cô không ngại ngần nói ra những nhận xét rất độc lập của mình về chế độ mới: “Nói cũng hơi nhiều”, “toàn để ý
những chuyện vặt vãnh” hay “xen vào, can thiệp quá nhiều vào đời sống của cá nhân, nào là “tập thể dục mỗi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gái phải yêu đương thế nào” ..Dám nói ra những điều ấy và theo cách ấy thì dứt
khoát không phải là người xu nịnh, đúng là con người “một đời chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”. Tác giả hẳn là rất cao tay khi đặt nhân vật vào một thế chênh vênh, nhưng
chính nó lại là nét riêng, sức hấp dẫn của hình tượng nghệ thuật. Nhưng để là một người sắc sảo thì đồng thời cô Hiền cũng phải là người hiểu biết. Quả thế, cô thuộc số ít người tính toán dường như đâu vào đấy trước mọi điều. Và phẩm chất này được đặt ngang hàng trong quan hệ với tính cao thượng trong nhân cách con người. Cô Hiền tính đúng vì cô không nhỏ nhặt, trong sự tính toán ấy không có chỗ cho lòng tự ái, thói thời thượng hay sự ganh đua. Cô không phải là “Một người Hà Nội” phù hoa, mộng mơ, lãng mạn. Về mặt hiểu biết thực tế, cô nhiều lần tỏ ra hơn hẳn ông chồng giáo học của mình. Và cô luôn xác định cái gì là thực tế, cái gì là cốt lõi, chẳng hạn như cô hiểu cái cốt lõi của chế độ mới là “không bóc lột”. Do đó một khi đã không bóc lột để làm giàu thì không thể quy là tư sản cho dù phong thái hay cách sống của cô có tư sản tới đâu. Khi ấy, cô có thể đối đáp với mọi người từ bạn bè đến mấy ông cán bộ của chế độ mới bằngcái giọng Hà Nội không thể nào trộn lẫn, một giọng nhẹ như không mà trí tuệ sâu sắc, đượm chút đùa cợt mà vẫn thấp thoáng thứ cao ngạo của người biết tự trọng, biết mình có quyền uy. Cô Hiền của Nguyễn Khải không làm công việc của trí thức, nhưng cô là trí thức từ trong bản chất. Cái chất đó đã thấm nhuần vào trong nhân cách vào lối sống văn hóa của cô. Vì thế cô xứng đáng là “Một người Hà Nội” theo quan niệm của chính tác giả. Cốt cách trí thức của một con người ở một thành phố lớn khiến cô Hiền không bị lạc lõng theo thời cuộc. Ngay cả khi đã 70 tuổi và làm thứ công việc tưởng như của những người đã cổ, đã
cũ lắm rồi. Cô Hiền trong mắt của “tôi” vẫn là “Một người Hà Nội” của thời hiện đại, của hôm nay, không hề bối rối trước những biến động, đổi thay của lịch sử. Và đây là điều nhà văn muốn gửi trong chi tiết cuối của truyện ngắn này. Tác giả để cho cô Hiền kể lại câu chuyện cây si ở đền Ngọc Sơn bị đổ “tán đè lên hậu cung, một phần bộ rễ bật gốc
chổng ngược lên trời”. Câu chuyện ấy trong dụng ý sâu xa của nhà văn chính là cái hiền minh mà “Một người Hà Nội” dùng để đáp lại những nhận xét đầy lo âu của “tôi” và những ai như “tôi” về một Hà Nội đang đánh mất phần hồn là những giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa sang trọng của mình vì người ta đang mải sống cho sung sướng hơn chứ không phải sống cho tốt đẹp, sang trọng hơn. Những nhận xét phảng phất nỗi buồn ấy triết ra từ hình ảnh cái cây bị bật gốc, trơ ra rễ. Nhưng cô Hiền vẫn đủ bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề bằng con mắt độ lượng, bao dung. Theo cô thì ở trên đời này, vận đổi sao rời, thời vàng son của một lớp người, có thể qua đi không giữ được mãi. Nhưng Hà Nội thì vẫn thế. Thời nào nó cũng vẫn đẹp, một vẻ đẹp riêng. Với điều kiện người ta biết nâng niu, chăm chút cho vẻ đẹp ấy như đối với cây si ở hồ Gươm. “Cho máy cẩu tới đặt bên bờ bên kia, quàng dây tời vào thân cây si rồi kéo dần lên, mỗi ngày một tí. Sau một tháng cây si lại sống, lại trổ ra lá non, vẫn là cây si của nhiều thế hệ Hà Nội, nghĩ cứ lạ, tưởng rằng chết đứt bổ ra làm củi, thế mà vẫn sống”. Và như thế, vẻ đẹp của Hà Nội ở cây si kia tạm thời sẽ không bị long đi mất. Đấy là một sự lạ, một sự huyền diệu chỉ được nhìn từ những người còn hi vọng, còn giữ được niềm tin tươi tắn ở cuộc đời….Và chúng ta phải làm gì, đối đáp như thế nào với những con người như thế?