màu lũ năm 2004
Các yếu tố dẫn đến sự thành công của mô hình đã được trình bày ở bảng 15. Qua đó cho thấy nông dân cần vốn sản xuất để mua thức ăn và tự sản xuất giống chiếm tỷ lệ cao nhất đến 79,31%. Quá trình nuôi thì kéo dài, ít nhất là 4 tháng dài nhất là 5 tháng hơn nữa lượng thức ăn cho cá lóc ăn ngày càng tăng cộng thêm giá cá mồi cao nên họ rất cần vốn để đầu tư mua thức ăn. Vì vậy có thể xem vốn là yếu tố quan trọng nhất đối với họ và nó có tính quyết định sự thành công của mô hình. Bên cạnh đó thì thị trường đầu ra cũng không kém phần quan trọng chiếm đến 17,24%. Vì đa số nông dân cho rằng nếu cá nuôi đạt năng suất và sinh khối lúc thu hoạch cao nhưng nếu giá cả thị trường bấp bênh, không ổn định hay giá cá lóc nuôi trên thị trường thấp thì ngừời nuôi sẽ bị lỗ vốn. Do đó thị trường đầu ra cũng là một yếu tố rất quan trọng. Cuối cùng yếu tố thức ăn tốt cũng quyết định đến sự thành công của mô hình, chiếm 3,45%. Nhiều nông dân cho biết: nếu thức ăn tươi sống (nhất là cá đồng) thì cá lóc nuôi sẽ mau lớn và ít bị bệnh khi đó không cần phải trộn thêm thuốc ngừa bệnh và thuốc bồi dưỡng vào thức ăn. Nhưng nếu cho ăn cá biển thì nước ao mau bị dơ và cá dễ mắc bệnh hơn. Do đó trước khi cho ăn bằng cá biển họ phải tốn công rửa thật sạch, chọn lọc cá mồi tốt và trộn thêm thuốc kháng sinh thuốc bồi dưỡng vào thức ăn làm tăng chi phí vận hành dẫn đến lợi nhuận của người nuôi kém đi. Khi đề cập đến yếu tố kỹ thuật thì nông dân ở vùng nghiên cứu cho rằng nuôi cá lóc trong vèo là một hình thức nuôi khá đơn giản nên đối với họ yếu tố kỹ thuật không quan trọng lắm vì họ đã được tập huấn từ cán bộ khuyến ngư ở huyện từ một năm trước. Nếu so sánh với các địa phương khác như Châu Phú và An Phú thì các yếu tố vốn, thị trường đầu ra, chất lượng nước là những yếu tố được đề cập đến nhiều nhất (Cao Quốc Nam và ctv, 2005).