Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn
Trong giáo dục, Hồ Chí Minh đòi hỏi cả người dạy và người học phải quán triệt phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền thực tiễn. Xuất phát từ mục đích của nền giáo dục cách mạng là đào tạo những công dân có phẩm chất và năng lực cần thiết để “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm cho dân giàu nước mạnh” mà Hồ Chí Minh quan niệm giáo dục không thể dừng lại ở việc truyền thụ tri thức mà còn phải tiến tới hình thành năng lực thực hành cho người học. Nghĩa là người học phải có khả năng vận dụng những tri thức đã tiếp thu vào thực tiễn cuộc sống. Theo Hồ Chí Minh, học là để hành, còn hành là điều kiện để củng cố, nâng cao kiến thức đã được tiếp thu, rèn luyện kỹ năng và hình thành những phẩm chất cần có của những người lao động mới trong tương lai. Học và hành là hai khâu của quá trình nhận thức gắn bó khăng khít với nhau. “Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” [16; 250].
Thực hiện phương châm này, chúng ta nên bắt đầu từ việc xây dựng chương trình “tổ chức giáo dục ngoài giờ lên lớp” cho học sinh các trường trung học phổ thông và sinh hoạt chuyên đề cho đoàn viên thanh niên nói chung với các yêu cầu và nội dung nhất định nhằm củng cố nhận thức, hình thành niềm tin, rèn luyện hành vi, kỹ năng, thói quen ứng xử có văn hóa phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cần tạo nhiều điều kiện để đoàn viên thanh niên có cơ hội thăm quan dã ngoại, thăm quan các di tích lịch sử cách mạng, thăm quan bảo tàng, tham gia các hoạt động xã hội đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động tình nguyện mùa hè xanh, … Các hoạt động này giúp thanh niên liên hệ với thực tiễn, giúp cho việc hình thành những phẩm chất đạo đức tốt đẹp ở thanh niên nhanh hơn và phong phú, sâu sắc hơn.
Thứ hai, quy hoạch và xây dựng các khu vui chơi giải trí lành mạnh, tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho thanh niên sinh hoạt các hoạt động văn hóa – xã hội
Gắn học tập, giáo dục với vui chơi giải trí là một phương châm giáo dục khá độc đáo của Hồ Chí Minh trong giáo dục thanh niên. Với Hồ Chí Minh, giáo dục là một khoa học và hình thức giáo dục thì rất phong phú, đa dạng. Giáo dục không gói
gọn ở hoạt động dạy và học mà còn thể hiện trong các hoạt động khác, kể cả vui chơi giải trí. Hiêủ rõ tâm lý thanh niên là hiếu động, thích sinh hoạt tập thể, ham tìm tòi khám phá. Một mặt, Hồ Chí Minh nhắc nhở các lực lượng giáo dục cần quan tâm đến nhu cầu vui chơi giải trí của thanh niên. Mặt khác, Người yêu cầu phải biết gắn kết vui chơi với giáo dục. Nghĩa là, phải có sự định hướng của giáo dục trong sinh hoạt vui chơi giải trí của thanh niên. Hồ Chí Minh cho rằng: “Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sinh hoạt thanh niên …. Trong vui chơi, cũng có giáo dục. Cần có những thú vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng” [24; 128].
Vận dụng phương châm “gắn giáo dục với vui chơi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác giáo dục đạo đức cho thanh niên hiện nay, chính quyền và huyện Đoàn Hải Hậu cần có chính sách đầu tư thích đáng để xây dựng và mở rộng nhiều hơn nữa các khu vui chơi giải trí và điểm sinh hoạt văn hóa công cộng như: thư viện huyện, nhà truyền thống, nhà thi đấu thể thao, các sân tập thể thao, …. Thành lập với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, cung cấp các thông tin về việc làm, tình yêu, hôn nhân và gia đình cho thanh niên. Thu hút thanh niên vào các hoạt động văn hóa – xã hội lành mạnh là cách tốt nhất để giúp thanh niên tránh được các tệ nạn xã hội, tự nhận thức và tự rèn luyện bản thân mình.