Hoạt động quảng cáo ở nhiều nước hiện đang trở thành một ngành kinh tế có tiềm năng lớn, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Ở Việt Nam, quảng cáo đã khẳng định được vị trí của mình trong nền kinh tế quốc dân, thể hiện ở sự đóng góp ngày một tích cực vào các lĩnh vực kinh tế cũng như trong đời sống xã hội.
Mặt khác, kinh tế ngày càng phát triển thì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, do đó nhu cầu quảng cáo càng trở nên sôi nổi. Theo ước tính của các chuyên gia về Quảng cáo - Tiếp thị, doanh thu của thị trường Quảng cáo - Tiếp thị ở Việt Nam vào năm 2006 là 64 tỉ VND, năm 2007 khoảng 160 tỉ VND Và trong những năm tới sẽ tăng trưởng 100% để đạt đến con số 500 tỉ USD vào năm 20102.
Hoạt động quảng cáo kích thích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
Không chỉ có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân, hoạt động quảng cáo còn có nhiều tác dụng tích cực đối với đời sống văn hóa-xã hội của người dân Việt Nam. Thông qua các hình thức tài trợ, các doanh nghiệp đã không tiếc tiền để đưa tên tuổi của mình đến với công chúng một cách văn hóa như tài trợ cho các cuộc thi đấu thể thao, các chương trình ca múa nhạc…. Bên cạnh đó còn có nhiều chương trình khuyến học, trao học bổng cho các sinh viên, học sinh xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn như chương trình “Đèn đom đóm” của công ty sữa Cô gái Hà Lan, chương trình “OMO ngời sáng tương lai” của Unilever hay gần đây nhất là chương trình từ thiện “6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo” của công ty sữa Vinamilk…Tóm lại, sự tồn tại và phát triển của hoạt động quảng cáo là một tất yếu khách quan, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường đầy biến động như ở Việt Nam.
Nguồn trích : http://www.semleader.vn/quang-cao-online/69-thi-truong-quang-cao-viet-nam-hien- nay.html
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động quảng cáo ở Việt Nam, thì đối với các công ty quảng cáo Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay, hơn 80% ngân sách ngành quảng cáo Việt Nam đang được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia. Phần còn lại được chia cho khoảng hơn 3.000 công ty quảng cáo Việt Nam (Theo số liệu của Hiệp hội quảng cáo Việt nam)3. Mặc dù lãnh đạo của các doanh nghiệp làm quảng cáo và Hiệp hội quảng cáo Việt Nam đều bức xúc tìm cách thay đổi tỷ lệ trên, nhưng cho tới nay vẫn chưa có được một giải pháp khả thi.
Thông thường bất cứ công ty đa quốc gia nào khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam đều có các công ty quảng cáo đa quốc gia đi kèm, thường được gọi là Đại lý quảng cáo song hành (Aligned Advertising Agency). Mặt khác, có một bức tường vô hình mà các công ty quảng cáo Việt Nam khó vượt qua được – đó chính là cách nghĩ và cách làm theo kiểu dựa trên các quan hệ cá nhân, qui mô nhỏ và hoàn toàn không theo các qui trình chuyên nghiệp nên không đủ tầm về năng lực lẫn tiềm lực để cạnh tranh với các hãng quảng cáo đa quốc gia chuyên nghiệp và hùng mạnh.
Trong lĩnh vực quảng cáo bằng công nghệ 3D cũng vậy, một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có niềm tin với công nghệ 3D do các công ty 3D của Việt Nam sản xuất, vẫn chấp nhận bỏ chi phí cao hơn để tìm đến các công ty 3D của nước ngoài. Hiện nay, phương pháp sử dụng công nghệ 3D trong lĩnh vực quảng cáo đang ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng phát triển rất mạnh mẽ, do đó các công ty quảng cáo 3D Việt Nam nói chung và Công ty VietGraphics nói riêng cần phải tìm cách khắc phục thực trạng trên để góp phần đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ 3D trong nước, giúp các doanh nghiệp VN tiết kiệm chi phí và có thể áp dụng rộng rãi công nghệ 3D vào các hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp mình.