Chương II: Phân tích, đánh giá công tác tạo động lực lao động tại Công ty cổ phần Viễn thông – tin học bưu điện
1.3.3. Một số vấn đề có liên quan khác:
Bên cạnh các mặt tích cực đạt được thì Công ty còn một số tồn tại:
• Chính sách Marketing và mở rộng thị trường:
Chính sách Marketing sản phẩm, dịch vụ chưa được chú trọng, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này dẫn đến hoạt động của Công ty kém sôi nổi. Hầu hết các cán bộ công nhân viên trong Công ty chỉ mới được dào tạo các kỹ năng phần cứng về nghiệp vụ chuyên môn, chưa chú trọng đào tạo các kỹ năng phần mềm như Marketing dành cho nhà Quản lý (Marketing đấu tiền hay đầu trí), Kỹ năng Quản lý cho Nhà quản lý cấp trung, Kỹ năng quản trị dự án, Kỹ năng bán hàng, Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng trình bày/báo cáo, Giao tiếp chủ động trong công việc, Anh văn, Đấu thầu, PR, Đầu tư…Để mở rộng thị trường thì Công ty phải chú trọng đến hoạt động này.
• Chính sách thu hút và gìn giữ nhân tài:
Hiện nay, Công ty đang có kế hoạch mở rộng thị trường nên cần bổ sung nguồn nhân lực cho kế hoạch hợp lý. Lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay đang là lĩnh vực hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp hay đối thủ cạnh
tranh. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên một số lao động trong đội ngũ công nhân viên trong Công ty không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà chuyển sang một số Công ty khác có mức độ ưu đãi lớn hơn. Hoạt động thu hút lao động giỏi có trình độ chuyên môn vào làm việc tại Công ty cũng gặp khó khăn. Do vậy, Công ty nên chú trọng đến hoạt động thu hút và gìn giữ nhân tài để phát triển Công ty vững mạnh hơn.
• Văn hóa Công ty:
Văn hóa của doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, là tài sản lớn của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp mạnh sẽ là nguồn lực, là cơ sở cho người lao động làm việc vì mục tiêu chung của Công ty. Hiện nay, lĩnh vực văn hóa Công ty ở trạng thái “chìm”. Ta chỉ có thể cảm nhận được văn hóa tại Công ty Viễn thông – tin học bưu điện khi đi sâu vào hoạt động của Công ty. Với môi trường làm việc tốt, quan hệ cán bộ công nhân viên và lãnh đạo thân thiện…Tuy nhiên, để có một nét văn hóa riêng trong Công ty nhằm tạo động lực cho người lao động thì Công ty nên có những chính sách, kế hoạch và phương pháp thích hợp như triết lý kinh doanh của Công ty, phương pháp quản lý của lãnh đạo, văn hóa thương hiệu, xây dựng mô hình văn hóa phù hợp…
• Công tác Quản trị nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế:
Hoạt động quản trị nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của Công ty. Nhìn chung các hoạt động đều được Công ty chú trọng và thực hiện theo quy trình nhất định từ khâu nghiên cứu hoạch định nguồn tài nguyên đến tuyển dụng, đào tạo, đánh giá thực hiện công việc của người lao động…Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực thì còn tồn tại một số mặt tiêu cực như:
Việc nhân viên chấp hành quy chế của Công ty đôi lúc còn lỏng lẻo, đa số người lao động làm việc theo kiểu ”bảo đâu làm đó”, không có tính linh
hoạt, sáng tạo, thiếu mạnh bạo, dẫn đến hiệu quả công việc còn thấp. Thêm vào đó, suy nghĩ về thời gian làm việc theo lối lãng phí còn nhiều. Nhân viên chưa tận dụng hết thời gian làm việc, hiện tượng” đến muộn, về sớm” vẫn tồn tại. Công ty cần có những đổi mới trong cách thức quản lý để hoạt động quản trị nhân lực mang lại hiệu quả tốt hơn.
2. Thực trạng công tác tạo động lực tại Công ty cổ phần Viễn thông – tin học bưu điện.
• Phương pháp thu thập số liệu:
Để tìm hiểu thực tế công tác tạo động lực cho người lao động tại Công ty cổ phần Viễn thông – tin học bưu điện, tôi sử dụng phát phiếu điều tra đến cán bộ công nhân viên trong Công ty. Cuộc điều tra nhằm thăm dò ý kiến mọi người về việc thực hiện công tác tạo động lực làm việc tại Công ty.
Mẫu phiếu điều tra gồm 22 câu hỏi liên quan đến các vấn đề tạo động lực cho người lao động trong Công ty. Đó là những thông tin liên quan đến tiền lương, thưởng, phúc lợi và các yếu tố thuộc về môi trường, điều kiện làm việc, quan hệ lãnh đạo. Có những câu hỏi trực tiếp vào nội dung quan tâm, có những câu hỏi mang tính trắc nghiệm để kiểm tra độ chính xác của các thông tin chính cần thu thập. Chi tiết bảng hỏi có trong phần phụ lục của chuyên đề. Kết quả thu thập được thông qua các câu hỏi trong mẫu phiếu điều tra được tổng hợp, phân tích. Phương pháp phân tích dựa trên tỷ lệ % của mỗi ý kiến được hỏi đối với các câu hỏi nhằm đánh giá công tác tạo động lực của Công ty và đưa ra các giải pháp hoàn thiện công tác tạo động lực cho người lao động. Vì hạn chế về thời gian và nguồn lực nên mẫu phiếu điều tra phát ra cho 50 đối tượng đại diện cho cán bộ công nhân viên trong Công ty (các bộ phận phòng ban ở các lứa tuổi và giới tính khác nhau). Do tâm lý người lao động là tương đối rụt rè và do không có thời gian nên họ không muốn đưa ra ý kiến của mình nên các thông tin về cá nhân hầu như không có được. Bảng
câu hỏi này chỉ xin đi phân tích những nội dung chính mà người lao động đã trả lời chứ không đi phân tích phần thông tin chung.
1. Tạo động lực cho người lao động qua tiền lương và phụ cấp:
Tiền lương là phần thu nhập cơ bản của cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu Điện (sau đây gọi tắt là Công ty). Trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng làm lành mạnh đội ngũ lao động, nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả công việc của từng người. Do đó xác định tiền lương là một trong các yếu tố quan trọng nhất của mỗi đơn vị. Quy chế trả lương phải được gắn giữa giá trị lao động của cá nhân và kết quả thực hiện chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của từng tập thể và toàn Công ty; có tác dụng trực tiếp tới thái độ lao động, ý thức yêu ngành nghề của người lao động, từ đó ảnh hưởng tới kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty.
Để tìm hiểu về các chính sách tiền lương của Công ty, ta tìm hiểu về quy chế trả lương của Công ty. Quy chế chung về tiền lương trong toàn Công ty là những cơ chế, chính sách về tiền lương áp dụng cho toàn doanh nghiệp. Đây là những cơ chế, chính sách mang tính nền tảng, người quản lý căn cứ vào đó để tiến hành công tác tính lương cho người lao động.