Đới ven bờ là khu vực diễn ra nhiều hoạt động sống của sinh vật. Các hoạt động này có thể giữ vai trò quan trọng trong cấu tạo địa chất của một vài khu vực, song cũng có thể chẳng có ý nghĩa gì ở một vài khu vực khác. Ví dụ sự phát triển của các rạn san hô ven bờ vừa bảo vệ bờ biển vừa mở rộng bờ hay hoạt động sống của những tổ chức sinh vật ở chân vách có thể làm phá hủy các vách biển. Một số loài sinh vật khác do có cấu tạo xương là canxi khi chết xác của chúng trở thành nguồn trầm tích vụn cung cấp cho các qúa trình trầm tích ven bờ, đôi khi chúng trở thành nguồn trầm tích chính cho các hoạt động trầm tích ngay tại khu vực đó. Ngoài ra sự có mặt của các loài thực vật như rong, tảo, cỏ biển cũng góp phần xây dựng và bảo vệ bờ biển nhờ khả năng lưu giữ và ổn định trầm tích của chúng. ở các vùng đất ngập nước hay vùng cửa sông ven biển, sự phát triển của các loài thực vật thủy sinh đã trở thành các bẫy trầm tích mịn, cản trở qúa trình di chuyển trầm tích và làm lấp đầy thủy vực (nếu có sự cân bằng ổn định giữa nguồn cung cấp trầm tích và sự biến đổi của mực nước biển). Đặc biệt, sự xuất hiện của một số loài tảo có kích thước lớn có thể trở thành nguyên nhân gây ra xói lở và làm di chuyển các vật liệu hạt thô như cuội, sỏi. Với các khu bờ được hình thành do hoạt động của sinh vật sẽ được đề cập cụ thể ở chương 3. Chương 4 là các qúa trình cửa sông, delta do ảnh hưởng của các yếu tố sinh học.
2-6. Sự biến đổi của mực nước biển