Kiến nghị đối với Chính phủ

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cho vay đối với doanh nghiệp xây lắp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.DOC (Trang 86 - 88)

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động xây lắp:

Hiện tại, hệ thống các văn bản pháp lý về xây dựng có quá nhiều, có những văn bản còn chồng chéo lên nhau và chưa cập nhật với thực tế. Do vậy, trong thời gian tới cần có những sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ban ngành trong việc ra các văn bản luật. Đồng thời thực hiện phân cấp quản lý đầu tư, quy định rõ trách nhiệm của từng khâu trong việc quản lý nhà nước về xây dựng.

- Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư xây dựng

Đi đôi với việc phân cấp, cần từng bước thực hiện tách chức năng quản lý sản xuất ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm xoá bỏ tình trạng khép kín trong các khâu từ lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thi công,... trong cùng một Bộ, ngành và địa phương.

Để thống nhất quản lý nhà nước về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng cần sửa đổi, bổ sung những tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã lạc hậu không còn phù hợp; sớm nghiên cứu ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với tiến bộ khoa học, kỹ thuật và thông lệ quốc tế.

- Tăng cường rà soát và giám sát chặt chẽ các công trình, dự án đang thực hiện và dự định thực hiện đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đảm bảo hiệu quả đầu tư. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kiên quyết không quyết định đầu tư đối với các công trình chưa chắc chắn về nguồn vốn, tránh tình trạng các công trình đầu tư dở dang, kéo dài, hoặc không phát huy hiệu quả đầu tư, lãng phí vốn nhà nước. Đồng thời, cần quy định rõ người có thẩm quyền quyết định đầu tư nếu làm sai pháp luật, không hiệu quả phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do quyết định không đúng gây ra.

- Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng:

+ Tiếp tục bổ sung, sửa đổi qui định về giải phóng mặt bằng: Cần có các điều khoản bắt buộc để tái định cư cho người bị thu hồi đất nếu họ có yêu cầu, đồng thời bảo đảm các điều kiện sống cho họ trong thời gian chưa được tái định cư. Đối với đất thu hồi phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, phải có các điều khoản quy định người nhận đất có trách nhiệm đóng góp kinh phí đào tạo nghề cho đối tượng bị thu hồi đất, hoặc tuyển dụng một số lao động vào làm việc cho doanh nghiệp...

+ Có các chế tài rõ ràng đối với những đối tượng cản trở công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.

- Đẩy mạnh hoạt động sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, lành mạnh hoá tình hình tài chính

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, lỗ luỹ kế lớn và khó khăn về tài chính, có doanh nghiệp đã mất hết vốn nhà nước nên việc khắc phục tình trạng trên là điều không dễ dàng. Trong khi đó, số nợ tồn đọng của các doanh nghiệp này, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản tại các ngân hàng thương mại còn khá lớn. Vì vậy, việc tập trung làm lành mạnh hoá tài chính, xử lý nợ và lỗ luỹ kế của các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các DNXL nói riêng là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng. Trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan ban ngành phải kiên quyết sắp xếp lại đối với những doanh nghiệp

kinh doanh thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục, theo các hình thức cổ phần hóa, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê, giải thể và phá sản.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cho vay đối với doanh nghiệp xây lắp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.DOC (Trang 86 - 88)