II. 2. 2. 1. Cấu trúc kiến tạo
Khu vực Tây Nguyên nằm trong bình đồ kiến tạo vỏ lục địa Đông Nam Á (Sundaland) có cấu tạo bởi đá kết tinh Tiền Cambri và một phần nằm trên đới ghép nối Srê Pock, cấu tạo bởi các thành tạo liên quan đến vỏ đại dương và cung đảo của nhánh Paleotethys ở phía nam địa khối Kon Tum. Trong Mesozoi muộn, vùng này là một bộ phận của dải pluton-núi lửa rìa lục địa Đông Á, còn trong Kainozoi thì nằm trong trường phun trào bazan cao nguyên Nam Đông Dương.
Kiến trúc sâu
Theo tài liệu địa vật lý trọng lực, độ sâu bề mặt Moho ở khu vực Tây Nguyên là 32, 5-35km với hướng sâu dần từ đông bắc đến tây nam, bề mặt Conrađ sâu 14-15km với hình dạng một nếp lõm đẳng thước có tâm lõm ở khu vực Chư Cơ Nong. Bề mặt móng kết tinh chỉ sụt võng ở khu vực Buôn Ma Thuột với độ sâu không quá 2km. Trên phần lớn diện tích tờ lộ ra các đá móng của kiến trúc Tiền Cambri.
Các tập hợp thạch - kiến tạo
Arkei: bao gồm các tập hợp đá phiến kết tinh đặc trưng cho bối cảnh thềm - núi lửa của rìa lục địa nguyên thủy, bị uốn nếp rộng và thoải.
Neoproterozoi - Paleozoi thượng: trong phạm vi đới ghép nối Srê Pock, hệ tầng Đăk Lin được thành tạo trong bối cảnh cung đảo. Tập hợp đá được tạm xếp vào hệ tầng Khâm Đức ở khu vực M'Drăk trên tờ này có vẻ là một đới xáo trộn trước cung, có lẫn lộn các tổ phần của vỏ đại dương và được dồn kết ở đới hút chìm. Trong phạm vi rìa nam địa khối Kon Tum phổ biến các xâm nhập granitoiđ vôi-kiềm kiểu I của phức hệ Bến Giằng - Quế Sơn, đặc trưng cho rìa lục địa tích cực kiểu Anđes.
Trias: các khảo sát gần đây cho thấy ở khu vực M'Drăk có các diện lộ granit sáng màu dạng gneis tương tự loại gặp ở tờ Tuy Hòa có tuổi tuyệt đối ứng với Trias. Chúng được xem là các granit kiểu S đồng tạo núi va chạm.
Các phun trào felsic của hệ tầng Mang Yang và xâm nhập kiểu IS của phức hệ Vân Canh là các sản phẩm tạo núi va chạm. Hệ tầng Mang Yang ít bị biến vị.
Jura hạ - trung: trầm tích của loạt Bản Đôn được thành tạo ở bối cảnh rìa lục địa thụ động trong một bồn vũng vịnh gần bờ. Chúng bị uốn nếp không đồng đều, có khi rất hẹp, dạng đường trong chuyển động nghịch đảo vào giữa Jura trung.
Mesozoi thượng:đá phun trào vôi kiềm của các hệ tầng Đèo Bảo Lộc và Nha Trang, cũng như xâm nhập kiểu I của các phức hệ Định Quán và Đèo Cả được xếp vào cung magma rìa lục địa tích cực kiểu Anđes.
Các xâm nhập granit sáng màu kiểu S của phức hệ Cà Ná có lẽ là sản phẩm sau cùng về thời gian và không gian của cung rìa lục địa tích cực này.
Kainozoi: các đá mạch của các phức hệ Phan Rang và Cù Mông với thành phần tương phản liên quan với bối cảnh căng giãn mở rift ở Biển Đông vào Oligocen.
Lớp phủ bazan của các hệ tầng Túc Trưng và Xuân Lộc sản sinh trong Pliocen - Đệ tứ khi vỏ ở đây bị căng giãn, nóng chảy ở phần dưới hoặc có liên quan đến hoạt động của một ngòi manti.
Các trầm tích lục địa của hệ tầng Sông Ba thành tạo trong các bồn kéo tách dọc theo đứt gãy trượt bằng Sông Ba.
Các đơn vị cấu trúc - kiến tạo
Khu vực Tây Nguyên có thể chia 3 đơn vị có kích thước không đều thuộc 3 đới kiến tạo chính của kiến tạo Nam Việt Nam:
- Khối M'Drăk - Sơn Hòa chiếm diện tích lớn nhất trong vùng nghiên cứu. Khối có thể chia ra 2 phụ khối: Sông Hinh - M'Drăk và Ia H'Leo - Buôn Hồ. Khối Sông Hình - M'Drăk đặc trưng cho cấu trúc địa chất đới Kon Tum, gồm sự lộ ra của móng kết tinh Tiền Cambri. Móng bị phá hủy hoặc bị phủ bởi các thành tạo xâm nhập, phun trào của rìa lục địa tích cực, phát sinh trong 2 giai đoạn Paleozoi muộn - Mesozoi sớm và Mesozoi muộn. Trong lúc đó ở phụ khối Buôn Hồ - Ia Hleo phần lớn diện tích của móng kết tinh bị sụt và bị phủ bởi trầm tích Jura hạ-trung và Pliocen-Đệ tứ. Các thành tạo trước Jura chỉ lộ ra từng khối sót: Chư Pho, Chư Mơ Sê, Chư Tan Mo. . .
- Khối Cư Mơ Rông là phần cực đông của đới Srê Pock, được cấu tạo bởi các tổ hợp thạch - kiến tạo Carbon thượng - Permi hạ (tổ hợp cung đảo tạo thành rift và hình thành vỏ lục địa vào Trias: Trần Văn Trị và nnk. , 1985), phun trào Trias giữa (tổ hợp thạch - kiến tạo xiết ép). Chúng bị phủ bởi phun trào Pleistocen - Đệ tứ.
- Khối Buôn Ma Thuột là phần rìa phía bắc đới Đà Lạt, đặc trưng bởi lớp phủ Jura hạ-trung và các lớp phủ phun trào Pliocen - Đệ tứ. Cấu trúc sâu của khối có lẽ được tạo nên bởi móng kiến trúc Tiền Cambri.
II. 2. 2. 2. Đứt gãy kiến tạo
Đứt gãy trong vùng khá phát triển với 4 phương chính:
Nhóm các đứt gãy phương Tây bắc-đông nam, Kinh tuyến, Đông bắc - tây nam và nhóm các đứt gãy phương Á vĩ tuyến.
Đặc trưng của các nhóm đứt gãy này có thể tóm tắt như sau:
- Nhóm đứt gãy tây bắc - đông nam, bao gồm nhiều đứt gãy có chiều dài trên 80km. Các đứt gãy thường cách nhau 5-8km. Hầu hết các đứt gãy này thể hiện rõ trên ảnh vũ trụ, bản đồ dị thường từ và trọng lực, song so sánh các thể địa chất hai bên cánh thì chúng có độ dịch chuyển nhỏ chủ yếu trượt bằng phải, mặt trượt các đứt gãy hầu như thẳng đứng. Đáng kể nhất là đới đứt gãy Sông Ba tạo nên địa hào hẹp phương tây bắc - đông nam, lấp đầy bởi các thành tạo Neogen.
- Nhóm đứt gãy kinh tuyến: trong phạm vi Tây Nguyên xuất hiện rất nhiều photolineamen, các dị thường từ trọng lực kéo dài theo phương kinh tuyến tập trung thành 2 đới M'Drăk - An Khê và Sơn Hòa - Vĩnh Thạnh. Đới tập trung nhiều đứt gãy thường kéo dài 40-80km, đứt gãy có mặt trượt thẳng đứng, có nơi lấp đầy các dải xâm nhập mafic tuổi Pleistocen - Đệ tứ. Đáng kể nhất là đới đứt gãy Po Koo phương á kính tuyến nằm rìa phía tây bắc khu vực Tây Nguyên. Hầu hết, chúng là các đứt gãy tách giãn hoặc đứt gãy trượt thuận và hoạt động chủ yếu vào thời kỳ Pliocen - Đệ tứ.
- Nhóm đứt gãy đông bắc - tây nam: là 2 đứt gãy lớn Vĩnh An-Tuy Hòa và Rạch Giá - Buôn Ma Thuột. Đứt gãy Rạch Giá - Buôn Ma Thuột kéo dài từ Buôn
Ma Thuột qua Cư Mơ Rông đến suối Lon. Đứt gãy có mặt trượt hầu như thẳng đứng với sự dịch chuyển bằng trái. Đứt gãy Vĩnh An - Tuy Hòa ở góc đông nam tờ dài 40km, mặt trượt thẳng đứng với sự dịch chuyển bằng trái. Đáng chú ý hơn cae là đới đứt gãy Nha Trang - Tánh Linh, phương Đông bắc- tây nam, nằm ở rìa đông nam Tây Nguyên.
- Nhóm đứt gãy á vĩ tuyến: kém phát triển và chỉ có 2 đứt gãy kéo dài từ Chư Cúc dọc sông La Cơ Rong Ha Năng. Đứt gãy hầu như thẳng đứng thể hiện sự tách ngang và dịch chuyển bằng phải.
Trong số các đứt gãy có mặt trong khu vực Tây Nguyên có một số đứt gãy chính (đứt gãy từ bậc 1 đến đứt gãy bậc 2): đáng kể nhất là các đứt gãy
* Đới đứt gãy Sông Ba. phương tây bắc -Đông Nam, phân bố ở rìa phía tây khu vực Tây Nguyên (giáp với biên giới Lào và Cam Phu Chia)
* Đứt gãy Po Kô, phương á kinh tuyến, phân bố ở rìa phía tây khu vực Tây Nguyên (giáp với biên giới Lào và Cam Phu Chia)
* Đứt gãy Nha Trang-Tánh Linh, phương đông bắc - Tây Nam, phân bố ở rìa phía đông nam khu vực Tây Nguyên (giáp với đồng bằng thềm tích tụ, biển Đông và Cam Phu Chia)
* Đới đứt gẫy Sông Re, phương á kinh tuyến. phân bố ở rìa phía đông khu vực Tây Nguyên.
Trong giai đoạn hiện đại các đứt gãy này hoạt động mang tính chất kế thừa và đóng vai trò làm rah giới giữa các cấu trúc tân kiến tạo lớn trong khu vực Tây Nguyên.
Hình 2. 3:Sơ đồ kiến tạo Pliocen-đệ tứ khu vực Tây nguyên, thu nhỏ từ tỉ lệ 1/250 000
CHƯƠNG 3
THU THẬP DỮ LIỆU MÔ HÌNH SỐ ĐỘ CAO (DEM) CHO KHU VỰC TÂY NGUYÊN KHU VỰC TÂY NGUYÊN