2. Giải pháp tăng cường hoạt động cho vay Ngân hàng TMCPCTVN-
2.3. Nâng cao chất lượng tín dụng đối với các doanh nghiệp
2.3.1. Nâng cao hiệu quả khâu thẩm định
Thẩm định hồ sơ vay vốn là khâu đầu tiên trong toàn bộ quá trình cho vay. Chất lượng thẩm định thế nào sẽ ảnh hưởng quyết định đến chất lượng tín dụng sau này. Cán bộ tín dụng nghiên cứu hồ sơ vay vốn cần chú ý các vấn đề cốt lõi sau:
Năng lực pháp lý của khách hàng: Để đánh giá năng lực pháp lý, Ngân hàng căn cứ vào các giấy tờ chứng nhận về tư cách pháp nhân hoặc thể nhân của khách hàng. Ví dụ như: giấy phép thành lập, giấy đăng ký kinh doanh, điều lệ hoạt động, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp,…Các giấy tờ đó phải chứng minh doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo đúng các quy định trong các luật tổ chức hoạt động của loại doanh nghiệp đó như: Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, Luật đầu tư nước ngoài,…
Năng lực tài chính của khách hàng: Được đánh giá qua các báo cáo tài chính do khách hàng cung cấp và các thông tin thu thập được từ các nguồn bên ngoài, trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu tài chính chủ yếu. Từ đó, các bộ tín dụng có cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những con số trong các bản báo cáo tài chính chỉ cho chúng ta thấy những số liệu trong quá khứ. Để đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất về khả năng thực sự của khách hàng, cán bộ tín dụng phải biết cách kết hợp những số liệu trên với những thông tin thu thập được. Từ đó, dự báo những tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án để có biện pháp đối phó kịp thời.
Hiệu quả phương án vay vốn và trả nợ: Thực tế và lý luận đã chứng minh điều kiện về tài sản thế chấp không phải là điều kiện quan trọng nhất. Tính khả thi, hiệu quả của phương án, dự án sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp vay vốn mới là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu để Ngân hàng xem xét cho vay. Để đánh giá được một phương án, dự án có tính hiện thực, khả thi, hiệu quả thì cán bộ tín dụng cần tính toán các chỉ tiêu tài chính của dự án như: giá trị hiện tại ròng, tỷ suất lợi nhuận của vốn đầu tư, thời gian hòa vốn, vòng quay của vốn lưu động,…Đối với những dự án thuộc lĩnh vực phức tạp, vượt khỏi tầm thẩm định của các cán bộ tín dụng thì phải thuê chuyên gia về lĩnh vực đó tư vấn thêm.
Đánh giá các bảo đảm tiền vay: Tài sản đảm bảo tiền vay là các khoản thu để bù đắp khoản vốn mà Ngân hàng bỏ ra trong trường hợp khách hàng không trả được nợ. Trong quá trình thẩm định, cán bộ tín dụng phải kiểm tra thủ tục hồ sơ pháp lý, giấy tờ sở hữu, tiêu chuẩn tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh phải đúng với những quy định hiện hành. Tuy nhiên cần lưu ý là điều kiện doanh nghiệp phải đủ tài sản thế chấp chỉ là một trong những biện pháp bảo đảm vốn vay, phòng ngừa rủi ro khi dự án sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc gặp rủi ro ngoài dự kiến, hoạt động không hiệu quả.
2.3.2. Công tác giám sát quá trình sử dụng vốn vay
Nâng cao vai trò công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay là công việc quan trọng để đảm bảo chất lượng cho vay. Cán bộ tín dụng phải luôn ở thế chủ động giám sát quá trình sử dụng vốn vay của doanh nghiệp, đặc biệt là giám sát quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhanh chóng phát hiện kịp thời những tình huống có vấn đề và nguyên nhân của nó. Trên cơ sở đó đề ra những biện pháp khắc phục hoặc có phương cách bảo toàn được vốn vay, tránh thất thoát tiền vay.
2.3.3. Công tác xử lý nợ tồn đọng
Cần tranh thủ sự ủng hộ của NHNH, Ngân hàng CTVN, chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ và áp dụng các biện pháp mạnh đối với những con nợ chây ỳ.
2.3.4. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tín dụng
khách hàng, có thể giúp đỡ khách hàng trong việc thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh.
Củng cố và hoàn thiện đội ngũ cán bộ nói chung. Ngân hàng phải tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tín dụng đi học nâng cao nghiệp vụ, đó là các điều về thời gian, tài chính. Ngoài ra, Ngân hàng cũng cần đề ra các chế độ thưởng phạt hợp lý để khuyến khích cán bộ tích cực trong công tác tín dụng. Khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ có thành tích tốt, ngược lại cần có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những người làm sai quy tắc, gây thiệt hại cho Ngân hàng.
3. Điều kiện thực hiện giải pháp
Như đã phân tích ở trên, nguồn vốn huy động của Ngân hàng là tăng lên theo các năm. Năm 2007: 201 tỷ đồng, năm 2008: 306 tỷ đồng, năm 2009: 434,7 tỷ đồng. Đây chính là điều kiện tốt để Ngân hàng tiến hành giải pháp đẩy mạnh huy động vốn. Sự gia tăng của nguồn vốn huy động có thể sẽ kéo theo cả sự tăng lên của vốn huy động trung, dài hạn, giúp Ngân hàng có được một nguồn vốn trung, dài hạn lớn hơn phục vụ cho vay theo hình thức trung, dài hạn. Như vậy, giải pháp tăng cường vốn huy động cho Ngân hàng là khả thi.
Về điều kiện thực hiện giải pháp xây dựng cơ chế cho vay phù hợp, linh hoạt với các doanh nghiệp có những thuận lợi, khó khăn nhất định. Cụ thể: Việc đa dạng hóa các hình thức cho vay với các hình thức kể trên là việc Ngân hàng có thể làm được, đặc biệt với hình thức cho vay bảo lãnh. Vì hiện nay đã có sự ra đời của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó hình thức cho vay này càng tỏ ra có ứng dụng thiết thực với doanh nghiệp có quy mô vốn ít ỏi vì vẫn có thể vay được vốn. Trong khi Ngân hàng vẫn có thể yên tâm thu hồi được vốn. Tuy nhiên, với hình thức cho vay tín chấp thì chưa khả thi vì số năm hoạt động của Ngân hàng mới chỉ trên ba năm, khó có cơ sở xác định được đối tượng doanh nghiệp nào là có chữ tín. Việc giảm lãi suất cho vay cũng nằm trong khả năng của Ngân hàng.
Song Ngân hàng phải biết áp dụng khéo léo với từng đối tượng doanh nghiệp để mang về lợi nhuận cao nhất cho Ngân hàng từ doanh số cho vay tăng lên. Công tác đơn giản hóa thủ tục cho vay thực tiễn cho thấy là việc làm không hề dễ dàng. Hiện nay, tuy Ngân hàng CTVN đã sử dụng thống nhất một bộ hồ sơ cho vay đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp nhưng thực tế cho thấy vẫn có sự cồng kềnh trong thủ tục đi vay. Sự đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn trong hoạt động cho vay là vấn đề cần có thời gian và phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng mới có thể thực hiện được.
Việc nâng cao chất lượng tín dụng bằng cách nâng cao nghiệp vụ thẩm định tài chính dự án là một việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi Ngân hàng phải có một đội ngũ cán bộ tín dụng thành nghiệp vụ và giàu kinh nghiệm thực tế. Hiện tại, Ngân hàng đã tập hợp được một đội ngũ cán bộ tín dụng trẻ, giỏi kiến thức nghiệp vụ. Tuy nhiên, hạn chế là do trẻ nên họ chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế. Do vậy, tuy kết quả nợ xấu giảm dần nhưng vẫn còn trong các năm. Để thực hiện giải pháp này Ngân hàng nên có những thay đổi để có một cơ cấu cán bộ tín dụng theo độ tuổi hợp lý.
Việc giám sát hoạt động của doanh nghiệp là hết sức khó khăn. Mặc dù cán bộ tín dụng có thể tận dụng sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, các mối quan hệ với khách hàng trước đó và các mối quan hệ khác để đánh giá, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác có thể dựa vào các báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp để phần nào biết được tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Cần lưu ý rằng phần lớn các con số báo cáo của doanh nghiệp là thiếu trung thực.
Công tác tăng cường đào tạo cán bộ tín dụng là hoàn toàn thực hiện được. Bởi lẽ nguồn thu nhập của Ngân hàng qua các năm hoàn toàn đủ khả năng để tảng trải cho hoạt động này mà vẫn đảm bảo cho việc chi cho các hoạt động khác. Hơn nữa, cán bộ tín dụng trẻ tuổi có thể học hỏi kinh nghiệm từ các cán bộ công tác lâu năm khác, học hỏi lẫn nhau để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm làm việc cho mình.
KẾT LUẬN
Qua thời gian thực tập tại Ngân hàng TMCPCTVN – Chi nhánh Hoàng Mai em đã tìm hiểu thêm được nhiều hoạt động của toàn Chi nhánh: hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp nói riêng. Trong điều kiện hiện nay, với sự tác động của nhiều nhân tố khác nhau đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm 2009 thì vấn đề mở rộng cho vay phải đề ra một cách hợp lý, sao cho vừa hiệu quả , vừa an toàn. Đảm bảo được sự phát triển của Chi nhánh nói riêng và Ngân hàng Công thương nói chung trong sự suy thoái của kinh tế toàn cầu.
“Đánh giá hoạt động cho vay các doanh nghiệp” là rất quan trọng với sự phát triển của Ngân hàng. Qua phân tích ở trên có thể thấy hoạt động cho vay doanh nghiệp tại Chi nhánh đã đạt được hiệu quả đáng kể: ngày càng tăng về doanh số cho vay, doanh số thu nợ, dư nợ, và ngày càng giảm dần tỷ lệ nợ quá hạn. Đó thực sự là một kết quả đáng khích lệ cho Chi nhánh trong giai đoạn kinh tế suy thoái vì không phải Ngân hàng nào cũng làm được. Đặc biệt là với một Chi nhánh còn non trẻ trong thâm niên hoạt động như Ngân hàng TMCPCTVN -Hoàng Mai.
Tuy nhiên vì là Chi nhánh mới hoạt động do đó Ngân hàng cũng không tránh khỏi những thiếu sót cần khắc phục. Cụ thể ở đây là: vẫn còn có một lượng vốn cho vay bị tồn đọng lại ở các doanh nghiệp mà Ngân hàng chưa thu hồi hết được.Cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện các giải pháp đã được đề cập ở trên, đặc biệt chú trọng vào giải pháp về lãi suất, nâng cao hiệu quả khâu thẩm đinh tài chính doanh nghiệp, để hoạt động cho vay và các hoạt động khác của Ngân hàng đạt hiệu quả hơn.
Một lần nữa em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Thạc sỹ Hoàng Hương Giang cùng toàn thể các thầy cô trong Khoa Thương mại và Kinh tế quốc tế, và các cô chú, anh chị trong Ngân hàng TMCPCTVN – Chi nhánh Hoàng Mai đã tạo điều kiện tốt nhất cho em hoàn thành chuyên đề cuối khóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Tài liệu và số liệu do cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCPCTVN – Chi nhánh Hoàng Mai cung cấp.
2.Nghiệp vụ Ngân hàng thương mại – Giáo trình ĐHKTQD 3.Kế toán Ngân hàng – Giáo trình ĐHKTQD