Thứ nhất: Về kết quả và chất lượng hoạt động kinh doanh:
Mặc dù Công ty có một số lượng khách hàng đông đảo, số hợp đồng cung cấp dịch vụ không ngừng tăng hàng năm nhưng lợi nhuận của Công ty có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Ngoài nguyên nhân là do vấn đề cạnh tranh, Công ty phải giảm phí thu vào đối với mỗi hợp đồng dịch vụ; còn một nguyên nhân khác đó là việc quản lý chi phí hoạt động của Công ty chưa tốt. Chất lượng của các dịch vụ chưa thực sự đảm bảo một cách tốt nhất, do Công ty thiếu nhân viên có trình độ cao, lượng thời gian để thực hiện một hợp đồng tương đối ngắn; Công ty tập trung vào việc mở rộng các dịch vụ cung cấp và số lượng hợp đồng hơn là chất lượng các hoạt động. Bằng chứng là năm 2002, AASC đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước đình chỉ việc kiểm toán đối với công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long do vi phạm quy định về công bố thông tin và giao dịch chứng khoán.
Thứ hai: Về đội ngũ công nhân viên và cơ cấu tổ chức:
Về trình độ, năng lực quản lý của nhân viên Công ty còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là với các Công ty kiểm toán quốc tế. Cụ thể, trong lĩnh vực kiểm toán BCTC các ngành công nghiệp nặng, ngân hàng,..Công ty chỉ mới kí hợp đồng kiểm toán với một số DN vừa và nhỏ, còn các công ty và tập đoàn lớn thì do các công ty kiểm toán nước ngoài thực hiện như E&Y, KPMG,... Số lượng các nhân viên có kinh nghiệm còn ít, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của các cuộc kiểm toán và danh tiếng của Công ty.
Về công tác đào tạo, mặc dù các nhân viên của Công tuy được đào tạo chính quy song vẫn không đáp ứng được yêu cầu về kiến thức kiểm toán, đặc biệt trong kiểm toán dự án, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Việc tổ chức, huấn luyện, đào tạo còn ít, việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, hội nghề nghiệp quốc tế xây dựng các chương trình đào tạo, mở rộng vẫn còn hạn chế cả số lượng và thời gian.
Thứ ba: Về công tác kiểm toán : trước khi thực hiện kiểm toán, các KTV tìm hiểu thông tin về khách hàng là cơ sở để nhận diện về kế hoạch kiểm toán. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ yếu thông qua phỏng vấn theo bảng mẫu câu hỏi làm cho thông tin thiếu khách quan. Đối với khách hàng cũ, Công ty chủ yếu dựa vào hồ sơ kiểm toán năm trước, điều này chưa linh hoạt nên có thể bỏ sót những thông tin mới quan trọng về khách hàng.
Tìm hiểu hệ thống KSNB và đánh giá rủi ro chỉ dừng vào bảng câu hỏi, chưa cân nhắc vào sự phù hợp đối với từng khách hàng. Đánh giá rủi ro kiểm toán được thực hiện theo bảng ước lượng mức trọng yếu được AASC xây dựng sẵn, ít qua xét đoán nghề nghiệp. Ngoài ra, chọn mẫu trong thực hiện kiểm toán ít đại diện chủ yếu dựa vào xét đoán nghề nghiệp; chính những vấn đề trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kiểm toán của Công ty. Thực hiện các thử nghiệm kiểm soát hầu hết không được sử dụng, tiếp cận hệ thống KSNB chỉ dừng ở đánh giá mức trọng yếu và rủi ro kiểm soát.
Trong kiểm toán, chủ yếu thực hiện thủ tục đối chiếu chi tiết, trong khi đó, thủ tục phân tích ít khi được sử dụng hoặc nếu có sử dụng thì chưa có sự liên hệ với các chỉ tiêu của ngành, của đơn vị khác. Thủ tục gửi thư xác nhận ít được áp dụng.
Thủ tục kiểm toán chủ yếu được sử dụng trong một số chu trình kiểm toán chính quan trọng như doanh thu, tiền, chi phí,...Một số thủ tục như rà soát lại hồ sơ kiểm toán nhiều khi chưa thực hiện theo đúng quy trình đã xây dựng; việc xem xét các sự kiện phát sinh sau kiểm toán và thực hiện bút toán điều chỉnh chưa thực sự được chú trọng.
Ngoài ra, trang thiết bị hỗ trợ cho hoạt động kiểm toán còn ít và lạc hậu. mỗi phòng nghiệp vụ chỉ được trang bị một số lượng hạn chế về máy móc thiết bị chuyên môn, ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian công việc và chất lượng công việc; bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phòng ban làm việc của các phòng nghiệp vụ quá chật hẹp ảnh hưởng đến môi trường làm việc, hiệu quả công việc của nhân viên. Chế độ đãi ngộ đối với các KTV chưa thực sự tốt nên không thu hút được các KTV có trình độ cao và kinh nghiệm.
Công ty chưa ứng dụng công nghệ thông tin nhiều trong công tác kiểm toán, KTV thực hiện công việc một cách thủ công, ghi chép chủ yếu dựa trên giấy tờ làm việc, không thực hiện trên máy vi tính như một số Công ty kiểm toán lớn như E&Y, KPMG,...Việc ghi chép trên giấy tờ làm việc như kí hiệu, đánh tham chiếu,.. chưa thống nhất ảnh hưởng đến chất lượng cuộc kiểm toán và tới công việc tổng hợp kết quả kiểm toán.
KẾT LUẬN
AASC có bề dày hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán và tư vấn tài chính, là một trong hai cái nôi đào tạo kiểm toán đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Hiện nay, trong giai đoạn kinh tế thị trường phát triển, Công ty đã không ngừng mở rộng thị trường hoạt động, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, nhằm đảm bảo giữ vững uy tín và niềm tin đối với khách hàng. Trong suốt quá trình kinh doanh mặc dù gặp phải những khó khăn nhất định nhưng Công ty luôn không ngừng vươn lên để khẳng định mình thông qua các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, các khoản nộp ngân sách nhà nước,...
Trong quá trình thực tập ban đầu, em đã được tìm hiểu về quá trình hình thành, lịch sử phát triển cũng như cơ cấu tổ chức của Công ty; đặc biệt là hoạt động kiểm toán – hoạt động chính, giữ vị trí chủ đạo của Công ty. Qua đó, em đã có cái nhìn tổng quan về các hoạt động, về quy trình dịch vụ nói chung và quy trình kiểm toán nói riêng của AASC. Đồng thời, em cũng tích lũy được kinh nghiệm thực tế để nhằm nâng cao sự hiểu biết sâu hơn về chuyên ngành kiểm toán.
Một lần nữa Em xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của GS.TS. Nguyễn Quang Quynh và các anh chị trong phòng Đầu tư nước ngoài !
Hà Nội, tháng 02 năm 2009
Sinh viên
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Các tài liệu đào tạo nội bộ của AASC
2. Chương trình kiểm toán của AASC
3. File kiểm toán của Công ty ABC, XYZ, 2006 của AASC 4. Hồ sơ kiểm toán mẫu của AASC
5. Kiểm toán – Auditing
Tác giả: ALVIN.AREN & JAMES K.LOEBBEKE
Dịch và biên soạn: Đặng Kim Cương & Phạm Văn Dược Nhà xuất bản Thống kê
6. Kiểm toán tài chính
Chủ biên: GS-TS Nguyễn Quang Quynh Nhà xuất bản Tài chính 2005
7. Kiểm toán
Tác giả: Tập thể tác giả Khoa Kế toán Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Nhà xuất bản Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh 1997
8. Kế toán tài chính trong các doanh nghiệp
Chủ biên: PGS.TS. Đặng Thị Loan Nhà xuất bản Tài chính
9. Hệ thống các chuẩn mực kế toán Việt Nam
Nhà xuất bản Tài chính
10. Hệ thống các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
Các Quyển I, II, III, IV Nhà xuất bản Tài chính
11. Một số tạp chí chuyên ngành: Kế toán và Kiểm toán