2.2.1. Quan niệm về thiện và ác
Nói đến đạo đức học ta không thể không nói tới những quan niệm nền tảng của nó như thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm, tội lỗi... Vậy trong chủ nghĩa hiện sinh, như thế nào được coi là thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm...
Trong đạo đức học Mác – Lênin, thiện là giá trị đạo đức khẳng định lợi ích xã hội, bất cứ yếu tố cấu trúc nào có tác động khẳng định lợi ích xã hội thì được coi là
giá trị thiện. Ý nghĩ và hành vi bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, hy sinh bảo vệ tổ quốc là những giá trị thiện. “Ác” là phản giá trị đạo đức, phủ định lợi ích xã hội. Yếu tố cấu trúc nào có tác động khẳng định lợi ích xã hội hay lợi ích của người khác thì bị coi là ác, ý nghĩ và hành vi ăn cắp, tham nhũng tài sản xã hội chủ nghĩa, ý nghĩ và hành vi phản bội Tổ quốc là những ác.
Theo đạo Phật, thiện cú nghĩa là lành, là tốt, là việc phải, hợp lý, là những việc hợp với lẽ phải, cú lợi cho mình và cho người ở hiện tại cũng như trong tương lai; ác cú nghĩa là dữ, là xấu, trỏi lý, là những việc trỏi với lẽ phải, cú hại cho mình và cho người ở hiện tại cũng như trong tương lai.
“Thiện” trong chủ nghĩa hiện sinh được thể hiện với tư cách các phương diện
hiện sinh của tự do và trách nhiệm về tự do. “ác” là sự từ bỏ thiện. Thiện, ác theo quan niệm đạo đức học hiện sinh là những nguyên tắc đạo đức do mỗi cá nhân tự tạo ra thông qua hành vi lựa chọn của mình. Giá trị thiện thể hiện ở hành động phù hợp, đúng với mong muốn, tiêu chuẩn của cá nhân đặt ra, nếu cá nhân nào làm trái với nguyên tắc của lòng mình thì hành vi đó sẽ tạo ra cái ác.
Điều này có nghĩa là, nếu theo quan niệm đạo đức học Mác – Lênin, giá trị thiện, ác gắn liền với lợi ích của xã hội, lợi ích của người khác, bị ràng buộc vào những chuẩn tắc của xã hội, của luật pháp… thì đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh lại gắn liền với tự do. Theo trường phái triết học này, mỗi con người đều có tự do. Tự do là tự do lựa chọn và đưa ra quyết định trong những tình huống nhất định của cuộc sống.
Tự do theo quan niệm hiện sinh không bị giới hạn bởi khái niệm và hoạt động sống của con người, tự do không dựa trên cơ sở nhận thức và tuân theo quy luật tất yếu khách quan như quan niệm của triết học Mác. Tự do là sự tự lựa chọn sự tồn tại của mình, biểu hiện ở khả năng lựa chọn quan hệ của mình với một tình thế nhất định. Theo quan niệm này, hoàn cảnh khách quan tự nó
không hạn chế tự do của chúng ta mà chỉ có chúng ta cảm nhận chúng với tư cách là một vật cản, trở ngại đối với tự do của chúng ta.
Nếu triết học Mác cho rằng: các nhà triết học trước kia chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, nhưng vấn đề là thay đổi, cải tạo thế giới thì Sartre lại cho rằng vấn đề không phải là thay đổi thế giới mà là thay đổi quan hệ của mình với thế giới.
Đạo đức học theo chủ nghĩa hiện sinh, không phải chọn các giá trị đúng, các giá trị chuẩn mực theo tiêu chí của xã hội…bởi ngoài tự do sẽ không có giá trị nào tồn tại độc lập với các lựa chọn của chúng ta, bởi chính hành vi chọn lựa của chúng ta sẽ tạo ra cái tốt hay cái xấu, cái thiện hay cái ác. “Nhiệm vụ đạo đức của chúng ta là nhìn nhận tự do hoàn toàn của mình và sử dụng nó để tạo ra chính mình” [51;331].
Tự do trong triết học hiện sinh là giá trị đạo đức cao nhất, một hành động, một tính cách được đánh giá là tốt không phải vì nó theo một chuẩn mực nào mà tiêu chí để đánh giá nằm ở chỗ hành động đó có diễn tả, có thể hiện sự sáng tạo cá tính độc đáo của con người hay không?
Theo Sartre, con người có quyền lựa chọn bất cứ cái gì và hành động theo những gì mình chọn là có tự do. Con người không bị ràng buộc bởi bất kỳ cái gì ngoại trừ phải đối diện với chính bản thân mình để tự đưa ra quyết định lựa chọn theo cách riêng của mình. Tự do của con người không theo khuôn mẫu có sẵn nào, tự do của con người chỉ có thể đạt được trong sự tìm kiếm một nghệ thuật sống ở đời bằng cách không bao giờ chấp nhận một giá trị định sẵn nào.
Những việc làm được chỉ đạo, chi phối bằng yếu tố bản năng của con người, mà không theo khuôn mẫu giá trị định sẵn, theo quan niệm đạo đức học trong chủ nghĩa hiện sinh sẽ mang giá trị thiện; còn khi hành động của con người bị ràng buộc, trói chặt vào những thói quen, những công thức xã hội,
những tập tục ngàn đời có sẵn thì con người sẽ mất tự do, mất tự do bởi vì con người hèn nhát, an phận chịu giam hãm trong nhà tù của những chuẩn mực, khuôn mẫu đúc sẵn, của những quy tắc, tập tục hèn nhát. Điều này nghĩa là con người an phận theo những chuẩn tắc của xã hội mà quên đi mình phải sáng tạo, phải độc đáo, phải thể hiện sự tự do của mình qua những hành động được dẫn dẵn bằng bản năng, bằng nguyên tắc của lòng mình để tạo ra chính mình. Những suy nghĩ và việc làm này chính là sự từ bỏ thiện, nói cách khác, cái ác được thể hiện ở đây.
Sartre cũng kêu gọi con người sáng tạo vì tự do của con người là tự do sáng tạo chứ không dập khuôn máy móc theo những gì định sẵn, nếu ai đó cho rằng con người không có tự do thì đều sai trái, nhưng nếu con người lựa chọn cái hèn hạ thì điều này đồng nghĩa với việc con người tự hạn chế tự do của chính mình. Do đó, để con người thực sự được tự do một cách sáng tạo, thì con người phải đánh giá các giá trị để thiết lập trật tự các giá trị mở đường cho tự do và sáng tạo.
Đối với Sartre, người có đạo đức là người dám ăn dám nói theo suy nghĩ của mình, dám nói đến cùng không dấu diếm bất cứ chi tiết nào, không sợ bất cứ lời dị nghị xã hội nào và dám hành động theo lương tâm của mình. Người có đạo đức, làm điều thiện là người phải giành lấy tự do từ những tập tục truyền thống, những quy ước xã hội và khi đã giành được tự do thì con người không nên giữ nó trong tháp ngà mà phải dùng tự do để dấn thân vào trong xã hội, vào trong cõi đời này, phải dựa vào tự do để thực hiện những hành động có ích.
Nói tóm lại, dám là chính mình sẽ trở thành người có đạo đức theo quan niệm đạo đức học của Sartre cũng như của chủ nghĩa hiện sinh. “Đạo đức không phải vấn đề chọn các giá trị “đúng”, bởi vì ngoại trừ tự do, không có giá trị nào khác tồn tại độc lập với các chọn lựa của chúng ta. Chính hành vi
chọn lựa của chúng ta tạo cho nó giá trị, làm cho nó thành tốt. Nhiệm vụ đạo đức của chúng ta là nhìn nhận tự do hoàn toàn của mình và sử dụng nó để tạo ra chính mình” [51; 331]
Những quan niệm về thiện và ác xem như là giá trị tuyệt đối, những giá trị cố hữu được định sẵn bởi những tập tục, công thức, những chuẩn mực xã hội đều bị bác bỏ theo nguyên tắc đạo đức học của chủ nghĩa hiện sinh. Theo các nhà đạo đức học hiện sinh, thiện và ác chỉ có thể liên hệ tới một hoàn cảnh đặc biệt, hành động của con người phải hướng tới cái thiện, loại trừ cái ác. Trong tình thế, hoàn cảnh hiện thời con người đang sống, cái ác cần diệt trừ, cái họa, cái nạn của thế giới cần phải loại bỏ là tình trạng nghèo đói, là sự áp bức bóc lột, sự lừa dối, giả tạo....
2.2.2. Về trách nhiệm
Bên cạnh việc quan tâm tới các yếu tố thiện và ác, tới các hành động có thể coi là đúng hay sai, tốt hay xấu, đạo đức học còn quan tâm tới trách nhiệm, nghĩa vụ hay bổn phận của mỗi cá nhân đối với hành vi của mình. Đạo đức trong triết học hiện sinh cũng không thể bỏ qua bổn phận, trách nhiệm của con người tới việc làm, tới sự lựa chọn, tới quyết định của chính mình trên cơ sở tự do lựa chọn và sáng tạo.
Trách nhiệm trong đạo đức học học Mác – Lênin gắn liền với lợi ích cá
nhân và lợi ích xã hội, trong đó, lợi ích xã hội phải được ưu tiên hơn. “Xã hội luôn đưa ra yêu cầu mỗi cá nhân phải tôn trọng, tăng cường lợi ích xã hội. Đây là trách nhiệm không thể thoái thác được của cá nhân…tất cả những trách nhiệm ấy do xã hội (hay người khác) đặt ra nhằm khẳng định lợi ích xã hội hay lợi ích người khác” [28;119].
Ở đây ta thấy, theo đạo đức học mácxít, trách nhiệm của mỗi cá nhân là làm tuân theo những chuẩn mực, khuôn mẫu giá trị do xã hội hoặc người khác đặt sẵn cho mình. Nếu hoàn thành công việc theo đúng những quy tắc có sẵn
đó của xã hội sẽ được coi là có trách nhiệm đạo đức, ngược lại, không tuân thủ nguyên tắc ưu tiên lợi ích xã hội, không làm theo chuẩn mực chung của xã hội, mà quyết định lựa chọn theo ý muốn chủ quan của cá nhân mình, theo nguyện vọng, bản năng của mình sẽ bị coi là thiếu trách nhiệm, không có trách nhiệm.
Như đã biết, nguyên tắc thứ nhất của chủ nghĩa hiện sinh là con người không
là gì khác ngoài cái mà tự nó làm thành chính mình, nhờ có tự do mà con người
tạo ra chính mình, “con người trước hết là một hiện hữu ném mình tới một tương lai và là hiện hữu ý thức về việc hình dung mình là hiện hữu trong tương lai. Con người là khởi điểm của một kế hoạch tự ý thức về mình, hơn là một mảng rêu, một mớ rác, hay một cây cải; không có gì tồn tại trước kế hoạch này; không có gì ở trên đời cả; con người sẽ là cái mà nó dự định trở thành” [52; 634].
Chính sự tự do của con người là hành vi tự tạo ra giá trị, hành vi của mỗi cá nhân sẽ phát minh ra giá trị. Con người sẽ phải tự quyết trong việc lựa chọn hành vi của mình chứ không thể dập khuôn theo những giá trị định sẵn và cũng không thể dựa vào người khác để đưa ra quyết định cho mình vì con người phải tự tạo ra chính mình và phải tự chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn của mình. Do vậy, đối với đạo đức học hiện sinh, trách nhiệm, bổn phận là việc phục tùng những giá trị mà bản thân mình lựa chọn, chứ không phải phục tùng những giá trị của xã hội hay của người khác đã lựa chọn, sắp xếp trước theo lợi ích của họ.
Một ví dụ rất tiêu biểu trong quan niệm này của đạo đức học hiện sinh là: “Trong thời kỳ bị quân Đức chiếm đóng, một người học trò của Sartre đến xin ông một lời khuyên rằng nên ở lại nước Pháp để làm việc và nuôi dưỡng mẹ già đang không có nguồn sống hay sang Anh quốc để tiếp tục cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Sartre trả lời chàng trai trẻ như sau: bạn hãy tự lựa chọn lấy con đường của bạn và tự quyết lấy giá trị của sự tự do lựa chọn đó. Sự
sáng tạo ra những giá trị là một hành vi riêng tư và không một ai có thể làm thay cho mình được” [40;391]
Như vậy, việc mình sẽ trở thành người như thế nào là do con người tự do lựa chọn, do con người tự sáng tạo nên chính mình, con người lên kế hoạch cho những hành vi của mình để hành vi đó tạo ra các giá trị. Tự do hoàn toàn thuộc về con người, là của con người, nhờ sự tự do này mà con người phải tự quyết định chọn lựa các tình huống và khi con người đã tự quyết các hành vi của mình thì con người không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai, con người không thể hèn nhát trốn tránh trách nhiệm, mà con người phải có bổn phận, tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình dù quyết định đó cho kết quả như thế nào. Sartre viết “con người chịu trách nhiệm về thế giới và về chính mình như là cách- thể hiện- hữu…. Trách nhiệm của vị ngã rất nặng nề, vì nó là kẻ làm cho có thế giới; và vì nó chính là kẻ tự làm cho mình có, bất cứ trong hoàn cảnh nào nó cũng phải hoàn toàn nhận lấy hoàn cảnh đó, dầu là nghịch cảnh mấy đi nữa, và khó chấp nhận mấy đi nữa; nó phải chấp nhận với ý thức kiêu căng rằng, mình là tác giả của hoàn cảnh, vì rằng những trớ trêu nguy khốn nhất hoặc những hăm doạ tai ác nhất, có thể phương hại đến bản thân tôi, nếu có được một ý nghĩa nào, đều nhờ dự phóng của tôi; và nhờ số kiếp dấn thân của tôi mới có những trớ trêu hoặc hăm doạ ấy”[trích theo: 60;304]
Những người trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổ lỗi do hoàn cảnh, môi trường chi phối quyết định của mình đều bị thuyết hiện sinh phê phán. Chẳng hạn, có học thuyết cho phép con người bào chữa hành vi đã làm nhưng lẽ ra không nên làm của mình như là do yếu tố khách quan chi phối như hoàn cảnh tác động, do ảnh hưởng của bạn bè, gia đình…còn hiện sinh thuyết lại không chấp nhận quan niệm này vì cho rằng như vậy là không trung thực.
Trên thực tế, quyết định chọn lựa là do chính bản thân mình, chính mình tự quyết trốn chạy hiểm nguy, chính mình làm cho mình trở thành kẻ hèn nhát
chứ không phải do hoàn cảnh, do môi trường hay do kinh nghiệm cuộc sống…cho nên tôi không thể đổ lỗi cho ai mà phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Xuất phát từ quan niệm con người bị tự do, nghĩa là chỉ cần con người sống là có tự do, tự do là điều con người không thể tránh khỏi, tự do là cái được phán quyết cho con người. Trong cuộc sống chúng ta luôn đối mặt với các tình huống buộc phải đưa ra lựa chọn bất kể đó là tình huống như thế nào, nhưng nhờ có tự do mà con người quyết định lựa chọn cái gì, do vậy, con người sẽ phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình cho dù khi lựa chọn hành vi là do đam mê. Theo Sartre “nếu có người đe doạ làm hại chúng ta, nếu chúng ta không làm một hành động nào đó, chúng ta có tự do từ chối đòi hỏi của họ và chấp nhận bị hại. Cả khi chúng ta bị nhốt trong tù và bị kiềm chế thể lý, chúng ta vẫn có tự do để chọn thái độ của mình trong tình huống ấy. Đối với những người nói rằng họ không thể không hành động như thế, bởi vì họ bị lôi kéo bởi đam mê…Sartre nói con người chịu trách nhiệm về đam mê của mình” [51; 333]
Như vậy, bất kể kết quả đến như thế nào thì người có đạo đức phải chịu trách nhiệm về hành vi tự quyết của mình vì người có đạo đức theo quan niệm của các nhà triết học hiện sinh là người dám ăn, dám nói những điều mình suy nghĩ; tự làm, tự chịu…
Tuy nhiên, nói đến trách nhiệm, đạo đức học hiện sinh không chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của bản thân chúng ta mà mỗi người còn phải chịu trách nhiệm về mọi người. Vậy tại sao tôi lại phải chịu trách nhiệm về mọi người khi mọi người cũng như tôi, cũng có tự do để tự quyết, tự tạo ra chính mình?
Theo đạo đức học hiện sinh, không thể có cái tốt, xấu, thiện, ác định sẵn,