Khi hỏi ý kiến người khác

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghị lực để lập thân (Trang 38 - 39)

Khi ta quá do dự, nhất là khi có sự xung đột giữa các thị dục của ta hoặc giữa lý trí và tình cảm, óc ta thường kém sáng suốt, ta nên hỏi ý kiến những người thân từng trải hơn ta.

Tuy nhiên, bạn nên nhớ hai điều dưới đây:

- Đừng hỏi ý kiến của nhiều người quá, những ý kiến đó có thể trái nhau và bạn sẽ thêm phân vân. Cổ nhân khuyên cất nhà thì đừng cất bên lề đường cái vì người nào đi ngang cũng đứng lại nhìn rồi kẻ chê chỗ này, người chê chỗ kia, người muốn sửa bức tường phía trước, người muốn phá mái hiên phía sau… riết rồi bạn sẽ nhức tai, hoang mang và rút cục ngôi nhà chẳng còn cái vẻ gì cả.

La Fontaine trong bài ngụ ngôn Hai cha con người xay bột và con lừa đã tả tâm trạng và hành động xuẩn ngốc của một ông già xay bột cùng khiêng lừa với con để đem tới chợ bán, như ta khiêng heo vậy. Một người trông thấy, phá lên cười. Ông già biết mình khờ, cởi trói cho lừa để lừa đi. Rồi ông cho con cưỡi lừa còn mình lọ mọ theo sau. Một người thứ hai chê ông, già mà làm mọi cho trẻ. Ông bèn leo lên lưng lừa, để con ông cuốc bộ. Một bọn con gái thấy vậy, trách ông không biết cưng con, bắt con lẽo đẽo theo sau. Ông cũng nghe, cho con cùng cưỡi lừa với ông. Đi được một quãng, một bọn người nữa bảo ông điên, bắt lừa chở tới hai người thì chưa tới chợ, lừa đã chết rồi, còn đâu mà bán. Cả hai cha con lại leo xuống, đi bộ. Một chàng nọ trông thấy, cười là có lừa mà không biết cưỡi, thật ngu như lừa! Ông già tức quá đáp: “Tôi ngu như lừa thật, tôi nhận vậy, tôi thú vậy, nhưng từ nay, dù ai chê, ai khen, ai nói gì thì nói hoặc chẳng nói gì cũng mặc, tôi cứ làm theo ý tôi thôi”.

Không nghe lời người khác, không phải là khôn. Ta vẫn nên hỏi ý kiến của những người mà ta tin là sáng suốt, nhưng ta đừng nên làm theo ý mọi người, mà phải suy nghĩ rồi quyết định lấy, không được để người khác quyết định thay mình, bất kỳ trong việc lớn, việc nhỏ; nếu không ta sẽ mất cá tính và nghị lực ta sẽ suy giảm.

Tôi quen một người đi mua cái nón, cái cà vạt cũng để vợ lựa cho, viết một bức thư thường thăm bạn cũng hỏi vợ “như vậy được không”, thậm chí đến làm cái đơn khiếu nại cũng cậy vợ làm “quân sư”, vắng vợ thì hỏi ý con, ý cháu, mà ông ta là một vị thẩm phán chứ, còn bà vợ không có bằng cấp tiểu học. Những người như vậy làm sao mà tự lập được.

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghị lực để lập thân (Trang 38 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(56 trang)