2. Ta muốn cái gì?
3. Phải muốn cách nào?
Trong chương trên tôi đã xét trí tuệ và tình cảm có ích và hại cho nghị lực ra sao và chỉ cách dùng lý trí để hướng dẫn, điều hoà tình cảm.
Bắt đầu từ chương này tôi lần lượt xét phương pháp luyện ba năng lực của nghị lực, tức óc suy nghĩ, óc quyết đoán và sức hoạt động.
1. Phần đông thanh niên ở trường ra không biết mình muốn cái gì?
Ở đời hễ không muốn thì không được một cái gì cả. Ngay những người trúng số độc đắc một điều hoàn toàn do vận may mà cũng phải muốn rồi mới được, phải muốn trúng số và mua vé số rồi mới trúng số. Nói chi tới mọi công việc làm ăn, sau khi muốn còn phải bền gan thực hành ý muốn hàng năm, hàng chục năm; vậy mà ta không biết muốn thì làm sao thành công được? Muốn quả thực là điều quan trọng nhất ở đời và biết muốn là bước đầu để thành công.
Khốn nỗi, trường học lại không dạy ta muốn. Lời đó có vẻ như ngoa, phải chăng, bạn? Học sinh nào mà không muốn thuộc bài, làm được bài, được thầy yêu, được hơn bạn, được phần thưởng, được thi đậu? Nhưng cái muốn đó chưa thực là muốn vì do thói quen chứ không do sáng kiến, muốn mà có khi không lượng sức mình đạt được không, hoặc muốn mà không tự lập một chương trình để thực hành. Phần đông học sinh cứ theo đúng lời thầy dạy, rồi kẻ thiếu thiên tư thì thất bại, người có thiên tư thì thành công, và sự thành công đó tự nhiên quá, ít khi do muốn mà được. Cũng có một số học sinh có chí, tự vạch đường lối để theo và quyết tâm thực hành, song số đó rất ít, mỗi lớp may ra được vài ba người còn bao nhiêu đều để nhà trường và số phận muốn cho mình cả.
giờ sau học môn kia, cứ như vậy hàng chục năm, học sinh không phải tự ý lựa chọn, quyết định một việc gì nên khi ở trường ra, không được dắt dẫn từng bước nữa, họ hoá bỡ ngỡ, như người mất phương hướng. Ngay như sự quyết định quan trọng nhất trong đời họ là sự lựa nghề, họ cũng không có ý kiến gì hết.
Tại Pháp, mấy năm trước người ta đã điều tra và thấy già nửa các cậu tú phân vân không biết chọn nghề nào rồi nhắm mắt theo lời khuyên của người khác mà ghi tên đại vào một trường đại học. Ấy là người Pháp có những sở hướng nghiệp mà thanh niên còn hoang mang như vậy, tình cảnh thanh niên nước nhà mới ra sao?
Tôi còn giữ một bức thư của một bạn trẻ hỏi tôi phải theo một chương trình nào để tự học các môn tâm lý, chính trị, văn chương, tổ chức và các môn vô tuyến điện nữa. Bạn ấy chưa thông tiếng Pháp và hiện đương theo một lớp cán bộ thanh niên, tỏ vẻ chán nản vì thấy con đường đi dài quá. Ai ở trong tình cảnh đó mà không chán nản? Mục đích không rõ rệt, muốn nhiều quá mà không tự lượng sức mình thì làm sao thành công được?
Bạn ấy còn khá, còn có thiện chí thì ít nhất cũng đã muốn học thêm, còn biết bao thanh niên khác chẳng biết muốn gì cả, thấy người khác sống ra sao thì cũng sống như vậy, ở trường ra, tìm một việc làm nào đó, hợp với mình hay không, có tương lai hay không, không cần biết, miễn có tiền là đủ, rồi thì cưới vợ, có con, đọc báo mỗi buổi trưa và đi coi hát bóng mỗi tối thứ bảy… rồi lão, rồi bệnh, rồi tử, thế là hết một đời sống không mục đích, một đời sống vô nghĩa, vô vị, gần như cây cỏ.
Nếu ở cuối ban trung học, người ta rút bớt chương trình một môn nào đó và thêm mỗi tuần một giờ tập cho học sinh điều tra suy xét để quyết định lựa một nghề hợp với họ, thì lợi cho họ, cho quốc gia biết bao!
Chẳng hạn người ta bảo học sinh kể tên ba nghề mà học sinh thích nhất, rồi tra cứu trong các thư viện, phỏng vấn các trường dạy về mỗi nghề và các người đã làm những nghề đó, sau cùng quyết định và lập chương trình để thực hành quyết định đó.
Như vậy học sinh tập có sáng kiến, nghiên cứu, suy nghĩ, tìm hiểu mình và biết muốn, ích lợi gấp mấy những bài học thuộc lòng về triết lý hoặc sinh vật học.