Đối với phương pháp đánh giá rủi ro tại Sở giao dịch I ngân hàng Công Thương, việc đưa ra những quy định hướng dẫn về phân tích, đánh giá rủi ro nói chung còn thể hiện rõ tính chất quy phạm nhất định. Hơn nữa các nội dung mà phương pháp phân tích đưa ra chưa thể hiện được đẩy đủ quan điểm hệ thống và mối liên hệ logic chặt chẽ. Các phương pháp phân tích rủi ro cho thấy cán bộ thẩm định rủi ro chỉ phân tích rủi ro dự án ở trạng thái tĩnh là chủ yếu.
Đối với phương pháp định tính mà Sở giao dịch I sử dụng để đánh giá rủi ro về cơ bản đã xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, tuy nhiên các khía cạnh mới chỉ được xem xét độc lập và chưa được đánh giá tương quan với các khía cạnh khác.
Đối với phương pháp phân tích độ nhạy khi ngân hàng sử dụng để định lượng rủi ro đối với dự án đầu tư, ngân hàng đã không tính đến mối quan hệ giữa các yếu tố, ví dụ như giá và sản lượng có quan hệ với nhau. Hơn nữa, trong quá trình phân tích độ nhạy của dự án đầu tư, chỉ một vài nhân tố thay đổi, các nhân tố khác giữ nguyên do vậy kết quả phân tích không phản ánh đúng thực tế của dự án.
Thêm vào đó, phương pháp này còn không tính đến xác suất xảy ra các biến cố, việc phân tích còn mang tính chất tổng quát sơ sài, chưa tính toán một cách toàn diện và cụ thể các rủi ro xảy ra vì vậy kết quả phân tích độ nhạy chỉ được coi là tài liệu tham khảo.
Cán bộ thẩm định rủi ro tại Sở giao dịch I, thường chú trọng đến những yếu tố biến động lớn như giá bán sản phẩm, tổng chi phí, doanh thu…mà it chú ý đến những yếu tố có sự thay đổi so với dự toán như tổng vốn đầu tư…
Việc phân tích rủi ro hầu hết được thực hiện bằng phương pháp thủ công, số lượng các phương pháp làm căn cứ phân tích, đánh giá dự án không nhiều song thực tế cũng chưa đầy đủ, đúng mức hoặc không đúng như các phương pháp đã được quy định.
Chính vì vậy, cán bộ thẩm định cần đánh giá kỹ càng hơn nữa tấc động của những yếu tố này khi có sự thay đổi, để đảm bảo sự chính xác trong công tác đánh giá rủi ro tại Sở giao dịch I.