II. CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ CỦA VIỆT
2. Tự do hóa thương mại và hành động của Việt Nam
2.3.1 Giai đoạn 2001 2005
Trong giai đoạn 2001-2005, hoạt động xuất nhập khẩu được quản lý theo quy định tại Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg về quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001- 2005.
Về quyền kinh doanh xuất nhập khẩu:
Quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã dần dần được mở rộng. Nghị định số 44/2001/NĐ-CP năm 2001 cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được quyền xuất khẩu tất cả hàng hóa, không phụ thuộc ngành nghề, ngành hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu. Đây là một bước tiến mới so với Nghị định số 57/1998 trước đó.
Về chính sách thuế quan:
Trong giai đoạn 2001-2005, đối với các nước có hiệp định thương mại với nước ta, hàng hóa nhập khẩu từ các nước này đều được hưởng mức thuế suất nhập khẩu MFN. Mức thuế suất này được điều chỉnh liên tục. Tuy nhiên, khác với các dòng thuế được ban hành nhằm thực thi các cam kết CEPT-AFTA, ACFTA và AKFTA, mức thuế này thay đổi theo những chiều hướng khác nhau. Mức thuế suất MFN trung bình của tất cả các dòng thuế đã tăng dần từ 16,25% năm 2001 lên gần 16,5% năm 2002 và lên trên 18,5% năm 2003. Diễn biến tăng này chủ yếu là do nước ta đã thuế quan hóa nhiều công cụ phi thuế quan khác (tức là áp dụng các rào cản thuế quan để thay thế các rào cản phi thuế quan đối với nhập khẩu của một số mặt hàng). Thêm vào đó, nhiều dòng thuế cũng được ban hành mới, điều chỉnh tăng để hạn chế thương mại và/hoặc tạo dư địa cho đàm phán cắt giảm thuế quan. Trong các năm tiếp theo đó, thuế suất MFN trung bình đã giảm liên tục xuống còn gần 17,6% năm 2006. Tuy nhiên, không phải mức thuế trung bình của mọi nhóm hàng phân theo HS đều tăng và giảm như trên. Trên thực tế, thuế suất nhập khẩu đối với nhiều nhóm hàng phân theo hệ thống HS thậm chí còn giảm liên tục.