Thứ nhất, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh đã thực hiện hóa
khẩu hiệu chiến lược của chủ nghĩa Mác - Lênin “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại”.
Cùng với các chiến sĩ chống CNTD, Hồ Chí Minh đã lập ra Hội liên hiệp thuộc địa, cho xuất bản tờ báo Le Paria để đoàn kết các dân tộc. Nếu như trước đó Lênin kêu gọi đoàn kết giai cấp vô sản phương Tây với các dân tộc
thuộc địa phương Đông họp tại Bacu (tháng 9/1920). Nhưng Lênin chưa có điều kiện tổ chức thực hiện nó trong thực tiễn, thì Hội liên hiệp thuộc địa do Hồ Chí Minh sáng lập ra chính là sự thể hiện sinh động đoàn kết đó trong thực tiễn cách mạng. Khi đến Trung Quốc, Người lại cùng các nhà cách mạng các nước thuộc địa phương Đông thành lập hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức, tạo thành “một trong những cái cánh của cách mạng vô sản” thế giới. Trong thực tiễn Người hoạt động không mệt mỏi cho sự liên hiệp, đoàn kết các dân tộc thuộc địa. Người đã tham gia công đoàn hải ngoại ở Anh; vào Đảng Cộng sản Pháp và là thành viên của Ban Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp và tham dự vào Đại hội V, VII và các Hội nghị của Quốc tế Cộng sản; xây dựng lực lượng cách mạng ở các nước phương Đông, tổ chức một số Đảng Cộng sản ở khu vực Đông Nam Á… Đó là những việc làm thiết thực để biến khẩu hiệu chiến lược của chủ nghĩa MÁc - Lênin vào thực tế sinh động, chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành độc lập, tự do và tiến bộ cho mỗi dân tộc. Như vậy, Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra khẩu hiệu chiến lược của chủ nghĩa Mác - Lênin vào cuộc sống, biến nó thành hiện thực sinh động. Đây là đóng góp lớn của Người cho cách mạng thế giới.
Thứ hai, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh góp phần mở ra kỷ
nguyên độc lập, dân tộc và đảm bảo tính pháp lý quốc tế của dân tộc Việt Nam.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nước ta ở trong tình trạng “đen tối như không có đường ra”, cuộc đấu tranh của dân tộc vẫn tiếp tục nhưng vì không có đường lối đúng đắn nên vẫn “giống như một con tàu lướt nhanh trên những ngọn sóng xa lạ mà không có kim chỉ nam”, Nguyễn Ái Quốc đã quyết tâm ra đi tìm cho được con đường cứu nước, cứu dân. Vượt qua lối mòn của những người đi trước, Người đã thực hiện một cuộc khảo sát có một không hai trong lịch sử các dân tộc bị áp bức, như Người đã nhận định: đây là nguyên nhân gây ra sự suy yếu của cách mạng Việt Nam. Người đã đặt chân lên các cường quốc đế quốc, dân tộc ở các nước thuộc địa ở các châu lục để quan sát, tìm hiểu, so sánh, lựa chọn và tổng kết để tìm ra con đường đi cho dân tộc phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người tham gia phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới trong gần mười năm qua, để cuối cùng đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tìm thấy con đường cứu nước khi đọc được “Bản sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, trở thành người chiến sĩ cộng sản bằng việc tán thành Quốc tế III và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Người đã dành toàn bộ sức lực vào việc nghiên cứu vấn đề cách mạng Việt Nam và đóng góp vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Ngày 3/2/1930, với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và soạn thảo Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Người đã mở ra một bước ngoặt mới có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc ta, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối của Việt Nam. Đó còn thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự vững vàng về quan điểm, tính kiên định về nguyên tắc với sự mềm dẻo, uyển chuyển về sách lược và phương pháp cách mạng đạt đến một trình độ nghệ thuật để giành thắng lợi từng bước, từ đó đi đến thắng lợi cuối cùng. Điều này thể hiện rõ nhất trong câu nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người.
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, vấn đề cơ bản cũng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đó cũng là sự kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, gắn lợi ích của cách mạng Việt Nam với lợi ích của cách mạng thế giới, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ giúp đỡ của Đồng minh và các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Với tài năng nhạy cảm đặc biệt của nhà chiến lược thiên tài, Hồ Chí Minh đã thể hiện nghệ thuật tạo thời cơ cách mạng, nhờ đó mà cách mạng Việt Nam đã đi đúng hướng và giành thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu cho kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Trong Tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định trong thực tiễn đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam với các quyền dân tộc thiêng liêng đó. Tuyên ngôn độc lập là hòn đá tảng đầu tiên khẳng định cả trên nguyên tắc và thực tế, cả quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam do Người lãnh đạo đã gắn liền với cuộc đấu tranh giai cấp, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, thực hiện các quyền dân chủ cơ bản của con người.
Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là từ quan điểm gắn độc lập dân tộc với tự do của con người, gắn quyền dân tộc thiêng liêng với quyền cơ bản của con người. Đây là một quan điểm “gốc” quốc tế đầy tính nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn độc lập của Người được coi là bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của các dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự chủ, tự do, hạnh phúc và văn minh. Những đóng góp của Người đã làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân dân toàn thế giới coi là người mở kỷ nguyên độc lập và tính pháp lý quốc tế của nước Việt Nam, suy tôn là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Thứ ba, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh đã bắc nhịp cầu
đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.
Hồ Chí Minh đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới cũng như tư tưởng cách mạng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Đó là đóng góp đầu tiên của Người đối với nhân dân Việt Nam và nhiều dân tộc khác, cuộc khảo nghiệm quốc tế trong gần 10 năm, từ truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc, ở Người đã hình thành ý thức giai cấp, ý thức về sự cần thiết của các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đánh dấu bước chuyển biến, quyết định trong nhận thức và hành động của Người về đoàn kết quốc tế là việc tham gia Đại hội Tua của Đảng Cộng sản Pháp với câu nói nổi tiếng: “Tôi đến đây để cùng các đồng chí góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Bằng những hoạt động cụ thể của mình, Người bắc nhịp cầu đoàn kết giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Pháp và cách mạng thế giới. Người đã xuất hiện như một chiến sĩ quốc tế xuất sắc đấu tranh cho tình hữu nghị, đoàn kết giữa các dân tộc.
Những năm 20 của thế kỷ XX, nhiều Đảng Cộng sản còn bàng quan với cách mạng thuộc địa, chủ nghĩa cơ hội, cải lương còn ảnh hưởng xấu đến giai cấp vô sản ở các nước chính quốc, Hồ Chí Minh đã tuyên truyền, tổ chức các dân tộc thuộc địa nhận thức về vận mệnh của mình, thức tỉnh giai cấp vô sản
ở các nước chính quốc về tình hình thuộc địa, lên án CNTD khắc phục sự hiểu lầm, thiếu hiểu biết về “hậu phương của chủ nghĩa đế quốc” của cả đôi bên nhằm thống nhất hành động chống CN ĐQ, thực dân; đồng thời nhằm bảo vệ những quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, xây dựng liên minh đoàn kết giữa các dân tộc thuộc địa với nhau và với các nước chính quốc. Đây là cống hiến của Hồ Chí Minh trong việc xây dựng truyền thống đoàn kết giữa nhiều Đảng Cộng sản châu Âu với giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa.
Công tác ở chính Quốc tế CỘng sản trên đất nước Nga - Xô viết, trên các diễn đàn quốc tế, Người đều cất cao tiếng nói cho sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc thuộc địa và giai cấp vô sản ở các nước chính quốc. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc được biết và quan hệ với nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng của các Đảng Cộng sản và các nước trên thế giới. Tại đây, Người đã đặt viên gạch đầu tiên, xây dựng nền móng cho mối đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.
Nếu như trước đây ở châu Âu, Người liên hiệp các dân tộc bị áp bức trong Hội liên hiệp thuộc địa, thì khi quay trở về châu Á, Người liên hiệp các dân tộc như: Trung Quốc, Ấn Độ, Miến Điện, Triều Tiên, Indonesia… Trong Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức, đều nhằm đoàn kết, thống nhất hành động chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đối với các dân tộc châu Á, Hồ Chí Minh như người rung hồi chuông thức tỉnh về công cuộc giải phóng dân tộc, bênh vực quyền lợi cho họ. Với các dân tộc Đông Dương, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt Người nêu rõ những người cộng sản Việt Nam phải giúp đỡ hai dân tộc Lào và Campuchia. Người quyết định thành lập mặt trận “Việt Minh”, vận động Ai Lao độc lập đồng minh, Cao Miên đọc lập đồng minh, tiến tới Đông Dương độc lập đồng minh. Nhân dân Lào và Campuchia khắc sâu hình ảnh của Hồ Chí Minh, Người đặt nền tảng và xây dựng tình đoàn kết hữu nghị của ba dân tộc Đông Dương.
Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa các dân tộc bị áp bức, tinh thần bình đẳng hữu nghị, hòa bình giữa các dân tộc. Ở Người lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, là tinh thần hữu ái “bốn phương vô sản đều
là anh em” và Người là hiện thân của tình cảm cao đẹp đó. Các dân tộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh đều tìm thấy sự đồng tình ủng hộ của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc cho dân tộc mình. Trong hoạt động đoàn kết quốc tế, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã phân biệt bọn thực dân đế quốc với nhân dân lao động, với những người yêu chuộn hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ trong các nước tư bản, đế quốc.
Nhìn lại hoạt động đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh thấy rõ: Người đã đặt cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, thực hiện nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại, đặt nền tảng vững chắc cho đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia dân tộc. Chính đường hướng chiến lược đó sau này trở thành nét đặc sắc của cách mạng Việt Nam: đoàn kết với nhân dân Pháp trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đoàn kết với nhân dân Mỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hình thành mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam ngày càng rộng lớn. Đó chính là hiệu quả thực tiễn trong đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh.