KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.1 Đặc điểm về đối tượng nghiên cứu.
* Tuổi : Qua kết quả bảng 1, trong 28 bệnh nhân nghiên cứu có độ tuổi trung bình 57,64±7,2.
Bệnh nhân ít tuổi nhất là 37 tuổi, cao tuổi nhất là 69 tuổi, độ tuổi tập trung từ 50 đến 69 tuổi. Tỷ lệ tuổi ở nhóm nghiên cứu cũng tương đương với các nghiên cứu của Trần Thị Hiền (1996), Hoàng Khánh Toàn (1999), Bùi Thị Mẫn (2004), Nguyễn Thùy Hương (2004)[14], [16], [21], [24].
Theo quan niệm của YHCT thì người trên 40 tuổi, công năng tạng phủ bắt đầu suy giảm, thiên quý bắt đầu suy, đặc biệt là công năng các tạng phế, tỳ, thận bị rối loạn làm cho việc vận hóa thủy thấp bị ngưng trệ gây ra chứng đàm thấp.
Theo YHHĐ thì lứa tuổi trên 40 có sự thay đổi trong chu kỳ sinh học, lượng nội tiết tố giảm, nhất là nữ giới, làm cho sức đề kháng cơ thể yếu đi, tạo điều kiện bệnh tật phát sinh. Do vậy, người ở lứa tuổi này thường dễ “phát phì”, cơ thể bắt đầu quá trình lão hóa [15], [16].
Điều này chứng tỏ : hội chứng RLLPM máu và chứng “ Đàm ẩm ” của YHCT có liên quan mật thiết đến tuổi.
* Giới : Qua kết quả bảng 2 có 9 nam chiếm tỷ lệ 32,1% và 19 nữ chiếm tỷ lệ 67.9%, như vậy tỷ lệ nữ nhiều hơn nam, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. So sánh với nghiên cứu của Bùi Thị Mẫn (2004) thì thấy tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thùy Hương (2004) tỷ lệ nữ cũng nhiều hơn tương đương với tỷ lệ nữ của chúng tôi [16], [21].
* Về các yếu tố nguy cơ : Qua kết quả bảng 3 trong 28 bệnh nhân nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân béo phì là nhiều nhất, sau đó đến tăng huyết áp và bệnh mạch vành. Kết quả trên cho thấy rõ bệnh nhân rối loạn lipid máu đa phần có liên quan đến các yếu tố nguy cơ.
* Về thói quen ăn uống : Qua kết quả bảng 4 : 20/28 bệnh nhân có thói quen ăn uống lệch lạc, trong đó 80% bệnh nhân có thói quen ăn mỡ, 20%
bệnh nhân có thói quen ăn mặn. Đây cũng là điều lý giải trực tiếp bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa lipid máu đa phần đều có liên quan đến thói quen ăn uống [9], [10].
* Đặc điểm về hội chứng tăng lipid máu :
- Theo De Gennes : Qua kết quả bảng 5, trong 28 bệnh nhân chiếm tới 50% là bệnh nhân tăng lipid máu hỗn hợp, 42,9% tăng triglycerid máu, thể tăng cholesterol vô căn chiếm tỷ lệ rất ít (7,1%). Tỷ lệ tăng cholesterol này là thấp nhất so với các nghiên cứu của Trần Thị Hiền, Hoàng Khánh Toàn, Bùi Thị Mẫn, Nguyễn Thùy Hương [14], [16], [21], [24].
- Theo EAS : Qua kết quả bảng 6 : số người ở týp C, D là nhiều nhất còn các týp A,B,E chiếm tỷ lệ rất ít, như vậy tức là đa phần bệnh nhân tăng cả cholesterol và triglycerid trong đó cholesterol tăng không cao lắm.
Cách phân loại ở bảng 5 và bảng 6 tuy có khác nhau tuy có khác nhau nhưng đều có đánh giá chung là : Trong 28 bệnh nhân nghiên cứu có tỷ lệ tăng cholesterol là không cao lắm, chủ yếu là tăng triglycerid.
* Đặc điểm bệnh nhân theo Y học cổ truyền : Qua kết quả bảng 7, số lượng bệnh nhân thể phong đàm là nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 42,9%, sau đó mới đến thể nhiệt đàm (31,2%) và táo đàm (25%). Điều này cũng nói lên việc bệnh nhân đến khám bệnh là khi bênh bắt đầu nặng, xuất hiện những biến chứng chứ hiếm khi bệnh nhân đến khám ngay từ khi bệnh nhẹ, chưa có biến chứng.