Giải pháp tạo vốn và xuất khẩu tranh cho Trung tâm

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 29 - 30)

6. Bố cục luận văn

3.2.5 Giải pháp tạo vốn và xuất khẩu tranh cho Trung tâm

và làng tranh Đông Hồ

Vốn là yếu tố cực kỳ quan trọng và không thể thiếu được trong quá trình sản xuất ở làng nghề nói chung. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư vào sản xuất ở làng nghề Đông Hồ cũng như Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ còn thấp, chủ yếu là vốn tự có. Vậy, trước mắt cần đảm bảo cung cấp vốn cho làng nghề Đông Hồ, tạo lập môi trường kinh tế ổn định và có chính sách tăng tích lũy để đầu tư phát triển làng nghề. Mở rộng và phát triển hệ thống ngân hàng phục vụ làng nghề, cho làng nghề vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ngoài hệ thống ngân hàng, nên phát triển lành mạnh quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính tư nhân. Nhà nước phải có chính sách bảo hộ quyền lợi của người cho vay và người đi vay. Khai thác triệt để các khoản vốn hỗ trợ từ bên ngoài thông qua các chương trình, dự án doanh nghiệp vừa và nhỏ trong làng nghề. Nghiên cứu sửa đổi quy định thế chấp khi vay vốn cho sát với từng loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong làng nghề.

Trong tất cả các giải pháp đưa ra thì điều quan trọng nhất, có khả năng quyết định nhất vẫn là ở chính người dân Đông Hồ. Nội lực cũng như khả năng đứng vững trên đôi chân của người Đông Hồ sẽ quyết định sự khởi sắc của làng tranh trong tương lai không xa.

Tiểu kết chương 3 :

Thực trạng tranh dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền là một tiếng kêu cứu của một làng nghề truyền thống. Nguyên nhân có nhiều, nhưng thực tế đang diễn ra tình trạng nghề làm mã phát triển nhanh chóng những năm gần đây, vì những lợi ích trước mắt mà người dân làng Đông Hồ đang quay lưng với nghề tranh. Song một điều thấy rất rõ là nghề làm tranh dân gian là yếu tố tạo nên thương hiệu cho làng nghề Đông Hồ từ trước tới nay. Vì vậy, để phát triển bền vững làng nghề trong tương lai thì cần vực dậy thực trạng mai một của nghề tranh, trước tiên là đi lên từ phát triển du lịch làng nghề. Du lịch làng nghề được phục dựng thì đó là một bước đệm thành công cho những hoạt động tiếp theo của nghề làm tranh dân gian.

KẾT LUẬN

Làng nghề tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng vùng Kinh Bắc, là một trong những trung tâm sản xuất tranh dân gian và hàng mã lớn nhất của Việt Nam. Nằm trên huyết mạch giao thông khá thuận lợi, vị trí của làng Đông Hồ là một lợi thế cho giao lưu và phát triển kinh tế xã hội. Nghề làm tranh dân gian ở Đông Hồ đã trải qua quá trình thăng trầm cùng với sự biến thiên lịch sử của làng. Những bức tranh dân gian còn lại đến nay trở thành nguồn tài sản quý giá của dân tộc. Đó là hiện thực đời sống sinh động được phản ảnh qua tranh dân gian, những sinh hoạt, quan niệm và ước mơ của người Việt.

Tranh dân gian Đông Hồ mang nhiều đặc trưng của ngôn ngữ tạo hình, được xếp vào dòng nghệ thuật đồ họa, một loại hình ra đời sớm trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Về nội dung, tranh Đông Hồ đa dạng về thể loại, đề tài. Đó là tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh sinh hoạt, tranh đả kích, châm biếm, tranh tuyên truyền cổ động,…. Mỗi loại tranh có nội dung và cách thức biểu đạt khác nhau, song nó là tấm gương phản ánh một cách trung thực nhất, biểu hiện cốt cách tình cảm và con người Việt Nam. Về hình thức nghệ thuật, nét nổi bật của dòng tranh Đông Hồ là phương pháp in tranh bằng cả ván in nét và ván in màu. Tranh Đông Hồ in nét và in màu đều in úp ván theo kiểu đóng dấu trên giấy dó quét nền điệp. Màu dùng để in tranh là những sản vật và nguyên liệu lấy từ tự nhiên được chế biến bằng kỹ thuật thủ công, nghệ nhân làng Hồ gọi là màu thuốc cái, như lấy từ than lá tre, lá chàm, hoa hòe, hoa hiên, son, điệp….Màu tự nhiên in tranh mềm, xốp, không bị phai màu. Cùng với chất điệp óng ánh làm cho màu trong và sâu, khiến những mảng màu nguyên chất trở thành màu độc đáo. Đường nét trong tranh Đông Hồ cũng to, đậm, đơn giản nhưng cô đọng, chắc khỏe. Tranh dân gian trải qua những thăng trầm, tuy có một số thay đổi nhất định về hình thức nghệ thuật, hay về nội dung, sản xuất và tiêu thụ, nhưng nhìn chung thì những thay đổi đó là tích cực và là sự thích ứng trước thời đại mới. Thay đổi đó không làm mất đi đặc trưng cơ bản của tranh dân gian Đông Hồ, hơn thế còn khẳng định được những bước đi riêng của một làng tranh đang đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền. Thách thức với làng tranh Đông Hồ hiện nay là rất lớn, tuy chỉ còn hai gia đình nghệ nhân còn gắn bó với nghề và quyết tâm bảo tồn, phát triển nghề tranh này, nhưng những việc họ làm thật ý nghĩa và thật đáng trân trọng. Về mặt ý nghĩa, tranh Đông Hồ vẫn luôn là sản phẩm tinh thần độc đáo của văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, là đối tượng quan tâm tìm hiểu của nhiều người ở trong và ngoài nước.

Nhà nước và chính quyền địa phương cùng với các ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới sự phát triển của làng tranh, coi đó là tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với những người nghệ nhân giỏi của Đông Hồ. Họ là những người còn lại giữ vững tâm huyết, hết lòng yêu nghề và có ý thức giữ gìn nghề truyền thống trên quê hương mình. Để khắc phục những khó khăn về thị trường tiêu thụ, trước hết các nghệ nhân cần khôi phục nguyên gốc dòng tranh dân gian truyền thống. Đồng thời, các nghệ nhân cũng cần phối hợp với các họa sĩ chuyên nghiệp nhằm tạo ra những mẫu tranh mới, đáp ứng thị hiếu của người chơi tranh hiện nay.

Một phần của tài liệu Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh Hiện trạng và hướng phát triển (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(30 trang)