Về nội dung chuẩn mực

Một phần của tài liệu Một Số Ý Kiến Nhằm Hoàn Thiện Chuẩn Mực Kế Toán Việt Nam Số 15 - Hợp Đồng Xây Dựng (Trang 26 - 28)

Xét về nội dung thì VAS 15 đã khá đầy đủ, nó đề cập đến mọi góc cạnh của việc hạch toán một hợp đồng xây dựng theo chế độ kế toán hiện hành. Tuy nhiên trong chuẩn mực này có sử dụng một số thuật ngữ thuộc chuyên ngành xây dựng mà lại không có lời giải thích, hoặc có giải thích nhưng chưa rõ ràng. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho những người ngoài ngành khi có quan tâm và muốn tìm hiểu về chuẩn mực này.

Những vấn đề được trình bày trong VAS 15 khá cụ thể. Tuy nhiên cách bố cục của một số nội dung lại chưa logic, khiến cho người đọc phải vất vả mới có thể hiểu được một cách kỹ càng và thấu đáo vấn đề, khó gắn kết lý thuyết với thực tiễn quy trình công tác hạch toán kế toán ở các doanh nghiệp.

Có một thực trạng là trong thực tế, rất ít khi người ta sử dụng loại "Hợp đồng xây dựng với chi phí phụ thêm", vì nếu sử dụng loại hợp đồng này cả nhà thầu và chủ đầu tư phải đầu tư thêm nhiều thời gian, công sức và tiền của cho việc theo dõi, ghi chép thẩm định các khoản chi phí hợp lý của hợp đồng nhằm tránh tình trạng khai man đẩy chi phí của hợp đồng lên cao hơn, hoặc thấp hơn chi phí thực tế của hợp đồng, gây thiệt thòi cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu. Mặt khác, trong xu thế giá cả giảm sút, nếu lợi nhuận của nhà thầu được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên tổng chi phí của hợp đồng thì lợi nhuận của nhà thầu sẽ giảm vì tổng chi phí giảm (giả định tỷ lệ này không được thay đổi). Vì vậy loại hợp đồng này lại càng ít được áp dụng.

2. Xem xét với chuẩn mực kế toán quốc tế số 11 – “Construction Contracts”

VAS được xây dựng trên cơ sở IAS, vì thế VAS 15 có sự hài hoà và thống nhất cao về nội dung và cách thức trình bày so với IAS 11. Tuy nhiên, VAS được xây dựng dựa trên nhiều cơ sở khác nữa (đã trình bày ở trên) và áp dụng cho tất

cả cách doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành, các thành phần kinh tế ở Việt Nam do đó VAS 15 mang những nét riêng, khác biệt so với IAS 11.

Thứ nhất, trong mục 22 - VAS 15 nêu rõ: Doanh thu và chi phí của Hợp đồng xây dựng được ghi nhận theo hai trường hợp: Trường hợp nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, và trường hợp nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện. Trong IAS 11 thì không phân biệt hai trường hợp này. Một công trình xây dựng thường phải được tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định, nhà thầu và doanh nghiệp xây lắp phải thống nhất với nhau ngay từ đầu tiến độ thi công công trình. Do đó cách ghi nhận doanh thu, chi phí hợp đồng xây dựng theo cách thứ nhất thường được áp dụng nhiều hơn cách thứ hai. Tuy nhiên ở Việt Nam, còn khá nhiều doanh nghiệp xây lắp nhỏ - một số ông “cai xây dựng” cũng biến đội quân của mình thành doanh nghiệp xây lắp – họ chỉ thực hiện những công trình nhỏ như: nhà ở, nâng cấp phòng học ở các trường học, xây nhà Ủy ban nhân dân… Họ chỉ được thanh toán một phần tiền sau khi đã thực hiện một phần công việc, và được chủ thầu nghiệm thu phần công việc đó. Vì đặc điểm riêng đó mà chuẩn mực kế toán Việt Nam quy định kế toán tại các doanh nghiệp xây lắp được phép ghi nhận doanh thu, chi phí Hợp đồng xây dựng theo hai trường hợp trên. Trong hiện tại và tương lai gần, Việt Nam sẽ vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp xây lắp nhỏ kiểu như vậy, do đó việc quy định hai trường hợp ghi nhận doanh thu, chi phí hợp đồng xây dựng như trên là hợp lý.

Thứ hai, trong mục 28 - VAS 15 quy định rằng: "Trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng không thu hồi được một khoản nào đó đã được tính trong doanh thu của hợp đồng và đã được ghi trong báo cáo kết quả kinh doanh, thì những khoản không có khả năng thu được đó phải được ghi nhận vào chi phí". Ở điểm này, mục 28 - IAS 11 quy định: những khoản nghi ngờ không có khả năng thu hồi được như trên được ghi nhận theo hai cách, hoặc được ghi nhận là chi phí, hoặc được ghi giảm doanh thu. Tuy nhiên cách ghi giảm doanh thu hiếm khi được áp dụng.

Thứ ba, trong mục 29 - IAS 11, ngoài những nội dung giống với mục 29 - VAS 15 thì IAS 11 có quy định thêm: "Việc điều chỉnh này trở nên không cần thiết khi kết quả của hợp đồng được ước lượng một cách tin cậy". Theo VAS 15 thì “Doanh nghiệp phải thường xuyên xem xét và khi cần thiết phải điều chỉnh lại các dự toán về doanh thu và chi phí của hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng” – nhưng điều đó chỉ cần thiết khi kết quả của hợp đồng được ước lượng chưa hoàn toàn tin cậy, do đó phần quy định thêm ở IAS 11 là hoàn toàn hợp lý, và VAS 15 nên hoàn thiện theo hướng đó.

Thứ tư, một điểm khác biệt hoàn toàn giữa IAS 11 và VAS 15 là: IAS 11 có đưa thêm phần phụ lục, trong đó nêu một ví dụ cụ thể về cách hạch toán Doanh thu, Chi phí của Hợp đồng xây dựng, minh hoạ cho những quy định - những lý thuyết đã được trình bày trong phần nội dung chính của chuẩn mực. Đây là một phương tiện hữu hiệu giúp người đọc dễ hiểu và hiểu sâu hơn nội dung chuẩn mực và cách vận dụng trong thực tiễn. Có lẽ đó là thiếu sót của những người soạn thảo chuẩn mực ở Việt Nam, hoặc cũng có thể là do ở nước ta mỗi khi có Quyết định ban hành một chuẩn mực nào thì sau đó sẽ có Thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực đó, do vậy việc đưa thêm một ví dụ minh họa trong phần phụ lục của chuẩn mực không mang nhiều ý nghĩa lắm.

Một phần của tài liệu Một Số Ý Kiến Nhằm Hoàn Thiện Chuẩn Mực Kế Toán Việt Nam Số 15 - Hợp Đồng Xây Dựng (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(36 trang)
w