Thực trạng về nguồn nguy hiểm cao độ

Một phần của tài liệu nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật việt nam-một số vấn đề về lý luận và thực tiễn. (Trang 33 - 41)

Về cơ bản, trong thời gian qua những quy định cụ thể của Bộ luật Dân sự, các Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về chế định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đã đáp ứng được tình hình chung của công tác áp dụng pháp luật, đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định hướng giải quyết rõ ràng, đúng pháp luật, tạo cách giải quyết đồng bộ, thống nhất cao

Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế trong quy định, đồng thời làm phát sinh một số vướng mắc khi tiến hành giải quyết các vụ việc liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ, cụ thể:

+ Hạn chế trong việc định nghĩa nguồn huy hiểm cao độ còn theo phương pháp liệt kê

Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ được quy định trong khoản 1 Điều 623 theo hướng liệt kê, vì vậy không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật khác.

Nguồn nguy hiểm cao độ theo khoản 1 Điều 623 được hiểu là những vật đang tồn tại hiện hữu mà hoạt động vận hành, sản xuất, vận chuyển, bảo quản… chúng luôn chứa đựng khả năng gây thiệt hại cho môi trường và những người xung quanh. Tính nguy hiểm của nó còn thể hiện ở chỗ con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối nguy cơ gây thiệt hại.

Theo tinh thần khoản 1 Điều 623, ngoài những loại nguồn nguy hiểm cao độ đã được liệt kê trong điều này, còn có những loại nguồn nguy hiểm cao độ khác theo quy định của pháp luật. Trong thực tế có những sự vật chưa từng được pháp luật quy định là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng nếu có đầy đủ tính chất của nguồn nguy hiểm cao độ thì có được coi là nguồn nguy hiểm cao độ không?

Ví dụ: hoạt động gây thiệt hại của xe đạp điện, xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 (khái niệm “phương tiện giao thông vận tải cơ giới” trong các văn bản hiện nay không quy định những phương tiện này là nguồn nguy hiểm cao độ), ong bò vẽ, rắn độc, cá sấu, trâu điên chó dại… khi xem xét sự vật gây thiệt hại có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không, cần căn cứ vào tính chất của sự vật đó như: mức độ nguy hiểm; khả năng kiểm soát của con người đối với sự vật; quy định của pháp luật liên quan đến việc trông giữ, sử dụng… Xe đạp điện hay xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 là những phương tiện giao thông có gắn động cơ, khi tham gia giao thông có thể đạt vận tốc lớn, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác, vì vậy cần được xẹm là nguồn nguy hiểm cao độ. Đối với trường hợp chó dại, trâu điên gây thiệt hại tới

tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người, mặc dù rất nguy hiểm nhưng đây là những động vật đã được thuần hóa, không còn mang tính chất hoang dã, không thể coi là “thú dữ”. Mặt khác, BLDS đã có riêng điều luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625) áp dụng đối với chủ sở hữu, người quản lý súc vật nên không thể áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được. Trong khi đó, ong bò vẽ, rắn độc, cá sấu mặc dù không phải là “thú dữ” (theo các định nghĩa trong từ điển) nhưng phải coi là nguồn nguy hiểm cao độ vì đây là loại động vật còn mang tính hoang dã, chưa được thuần hóa và có tính chất nguy hiểm lớn. Việc xác định một vật có được coi là nguồn nguy hiểm cao độ hay không sẽ phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và tính chất của sự vật đó. Nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ bao gồm những sự vật được liệt kê tại Điều 623 Bộ Luật dân sự mà còn bao gồm những sự vật khác mà hoạt động của chúng luôn chứa đựng khả năng gây thiệt hại cho môi trường xung quanh, con người không thể hoàn toàn kiểm soát được nguy cơ gây thiệt hại. Đối với nguồn nguy hiểm cao độ, pháp luật thường có những quy định nghiêm ngặt trong việc trông giữ, vận hành, sử dụng, vận chuyển… chúng để tránh gây thiệt hại.

Như vậy có thể thấy, việc định nghĩa mang tính liệt kê về nguồn nguy hiểm cao độ sẽ dẫn tới việc bỏ sót những nguồn nguy hiểm cao độ khác, bởi thực tế đã chứng minh có rất nhiều nguồn chứa đựng tiềm tàng nguồn nguy hiểm cao độ và hậu quả của những nguồn nguy hiểm ấy cũng rất to lớn cho con người và môi trường, nhưng lại chưa được quy định cụ thể trong các quy định của pháp luật dẫn tới việc lúng túng, khó khăn khi xử lý các vấn đề việc xảy ra.

Vì vậy, xác định nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ căn cứ vào khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ tại Điều 623 Bộ luật dân sự mà còn phải căn cứ vào các văn bản, các quy định khác có liên quan.

+ Chưa có quy định rõ đối với việc bồi thường trách nhiệm do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây ra.

Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây thiệt hại thì ai có trách nhiệm bồi thường: ví dụ thú dữ trong rừng tấn công gây thiệt hại cho người đi rừng? Theo quy định hiện nay, những tài sản như vậy là một loại tài nguyên thiên nhiên và là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, thuộc sự quản lý của bộ, ngành có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có văn bản nào quy định cơ quan quản lý Nhà nước phải bồi thường và vì vậy, không ai phải chịu trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp này…

+ Chưa phân định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại

do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự…

Trách nhiệm cụ thể cho từng chủ thể khi xảy ra các trường hợp liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ đã được chuyển giao, đặc biệt là chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự vẫn chưa được quy định cụ thể trong luật, dẫn đến sự lúng túng khi xác định trách nhiệm thuộc về ai và dẫn tới việc khó khăn khi giải quyết vụ việc.

+Chưa có quy định nào phân định cụ thể về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế. Thực tiễn cho thấy khi xét xử, nhiều trường hợp cứ thấy thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người hay do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Thậm chí, Nghị quyết 03/2006 còn đưa ra ví dụ để hướng dẫn cho trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp: “Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương hoặc bị chết”. Ví dụ này có thể dẫn đến cách hiểu loại trừ trường hợp người bị thiệt hại cố ý lao vào xe ô tô tự tử thì mọi thiệt hại do xe ô tô gây ra đều áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cách hiểu như vậy rõ ràng là không phù hợp.

.

II. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Mặc dù Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật này (như Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP) đều dành ra những quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều quy định bất cập, gây ra những tranh cãi, quan điểm khác nhau trên thực tế áp dụng. Sau đây là một số quy định mà chúng tôi cho là bất cập, cần sửa đổi, hoàn thiện:

- Thứ nhất: Về khái niệm thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ.

Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ được quy định trong Khoản 1 Điều 623 theo hướng liệt kê, vì vậy không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật khác, đồng thời bỏ sót những nguồn nguy hiểm cao độ khác tồn tại trong thực tiễn. Vì vậy, không nên định nghĩa nguồn nguy hiểm cao độ theo hướng liệt kê mà chỉ cần xác định tiêu chí chung để được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.

- Thứ hai: Về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: Cần có quy định rõ ràng về việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại là do sự tác động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

- Thứ ba: Cần phân định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự như đã phân tích. Cụ thể:

+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác theo nghĩa vụ lao động: Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu

nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ phải tự chịu trách nhiệm.

+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có nghĩa vụ trông coi, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

- Thứ tư: Pháp luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây ra cho các chủ thể khác; Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan Nhà nước chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như: trưng dụng, tạm giữ…

Nguồn nguy hiểm cao độ và vấn đề về Bồi thường trách nhiệm do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đã được Pháp luật quy định một cách cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2005 và hướng dẫn chi tiết trong Nghị quyết số 03/2006 NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Về cơ bản đáp ứng được tình hình chung của công tác áp dụng pháp luật, đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định hướng giải quyết rõ ràng, đúng pháp luật, tạo cách giải quyết đồng bộ, thống nhất cao, góp phần giúp những người bị thiệt hại bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, răn đe những hành vi sai trái của những người sở hữu, chiếm giữ, sử dụng tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ, nâng cao ý thức chiếm giữ, sử dụng, quản lý các tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ một cách hợp lý, an toàn, đúng quy định của pháp luật nhằm hạn chế gây hậu quả và thiệt hại cho bản thân và những người khác.

Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế trong quy định, đồng thời làm phát sinh một số vướng mắc khi tiến hành giải quyết các vụ việc liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó cần có những phương hướng để tiến hành hoàn thiện hơn hệ thống pháp lý bằng việc đưa ra các quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn cho các trường hợp liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005), Bộ luật Dân sự. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao , Nghị quyết 03/2006/ NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

3. Đoàn Đức Lương (2011), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, NXB Đại học Huế, Thừa Thiên Huế.

4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2008), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 2, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

5. http://luatminhkhue.vn/dan-su/trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do- nguon-nguy-hiem-cao-do-gay-ra.aspx 6. http://toaan.quangnam.gov.vn/ta/news/Trao-doi-nghiep-vu/Mot-so- van-de-ve-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do-nguon-nguy-hiem-cao- do-gay-ra-Phan-1-364.html 7. http://toaan.quangnam.gov.vn/ta/news/Trao-doi-nghiep-vu/Mot-so- van-de-ve-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do-nguon-nguy-hiem-cao- do-gay-ra-Phan-2-364.html

Một phần của tài liệu nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật việt nam-một số vấn đề về lý luận và thực tiễn. (Trang 33 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(40 trang)
w