Khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, nguyên tắc đảm bảo yếu tố lỗi trong bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đã được loại trừ, có nghĩa chỉ cần xác định được chủ thể có nghĩa vụ bồi thường, có hậu quả xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là đã xác lập được một quan hệ bồi thường dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Điều quan trọng phải xác định lỗi trong trường hợp này là lỗi có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra, lỗi xuất phát từ hành vi gây ra hậu quả.
Cụ thể, theo qui định tại khoản 3 Điều 623 BLDS và điểm c mục 2 phần III Nghị quyết 03 năm 2006 thì về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Chúng ta cần nhận định rõ, lỗi trong trường hợp này là lỗi đối với hậu quả xảy ra. Bởi lẽ trên thực tiễn lỗi cố ý hoàn toàn của hành vi chưa hẵn là cố ý hoàn toàn đối với hậu quả.
Ví dụ: Xe môtô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe mô tô) gây ra.
Tuy nhiên, nếu A đang lái xe môtô, B chờ sẵn nhảy vào chắn ngang trước đầu xe A để dùng cây đánh A, sau đó B bị xe A tông chết. Trường hợp này B chỉ có lỗi hoàn toàn đối với hành vi còn đối với hậu quả B không có lỗi, do vậy A không bị loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
Trên thực tế, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra do sự kiện bất ngờ rất nhiều, vấn đề đặt ra là tại sao người gây thiệt hại do sự kiện bất ngờ được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 11 Bộ luật Hình sự) nhưng lại không được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường dân sự. Những hậu quả gây ra sau sự kiện bất ngờ do phía bị hại có lỗi hoàn toàn đối với hành vi hoặc do người thứ 3 có lỗi, nhưng đặt trách nhiệm dân sự cho chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là không đảm bảo tính công bằng xã hội, thiếu tính thuyết phục cộng đồng và không thống nhất giữa các qui định pháp luật đối với cùng những trường hợp khách quan, không buộc chủ thể phải thấy trước tình huống (Sự kiện bất ngờ, Tình thế cấp thiết, Sự kiện bất khả kháng). Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung BLDS 2005, nhà làm luật cần quan tâm đến vấn
đề miễn trừ nghĩa vụ bồi thường đối với nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong sự kiện bất ngờ. Đồng thời Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao cần có hướng dẫn về mức độ bồi thường thiệt hại trong trường hợp không có lỗi, bởi vì đã không có lỗi mà lại chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thì không có cơ sở lý giải, khó được cộng đồng chấp nhận.