Quá trình phát sinh CTR gắn liền với quá trình sản xuất và sinh hoạt của con người. Công trình khảo sát chất thải toàn cầu (Tổ chức hàng hải quốc tế) đã thống kê, cứ tạo ra tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 1 tỷ USD sẽ làm phát sinh khoảng 4.500 tấn chất thải công nghiệp, trong đó 20% là chất thải nguy hại.
Hiện nay, số liệu về phát sinh CTR mới chủ yếu được thống kê tại các khu vực đô thị và các khu CN còn ở các khu vực nông thôn, hầu như số liệu về CTR chưa được thống kê một cách đầy đủ do việc quản lý, thu gom chưa thống nhất, hệ thống xử lý cũng chưa hoàn thiện. Theo thống kê 2008, lượng CTR đô thị bình quân khoảng 1,45kg/1 người/ngày còn ở khu vực nông thôn thì con số đó là 0,4kg/người/ngày. Có thể thấy rằng lượng chất thải mà chúng ta thải ra môi trường hàng ngày là quá lớn; như vậy, điều cấp thiết hiện nay cũng chính là tìm ra những biện pháp xử lý khoa học và lâu dài.
Biểu đồ 6.1a: Hiện trạng phát sinh CTR ở các vùng kinh tế của nước ta và dự báo năm 2015
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường Đô thị - Nông thôn, Bộ xây dựng, 2010
Biểu đồ 6.1b: Thành phần CTR toàn quốc năm 2008 và xu hướng thay đổi thời gian tới
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường Đô thị - Nông thôn, Bộ xây dựng, 2010
Trong năm 2008, tổng lượng CTR của cả nước lên tới con số gần 28 triệu tấn, gấp đôi so với con số này vào năm 2003 với chỉ khoảng 15,5 triệu tấn và còn tiếp tục gia tăng trong giai đoạn sau đó.
Từ biểu đồ ta thấy, trong các loại chất thải rắn thì CTR đô thị luôn đứng ở vị trí đầu bảng với khoảng 13 triệu tấn năm 2008, theo sau bởi chất thải nông thôn và chất thải công nghiệp; chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ là chất thải y tế và chất thải làng nghề, tuy nhiên không hề ít về mức độ độc hại. Điều đáng buồn là theo dự báo của Bộ xây dựng và Bộ TN&MT, đến năm 2015, khối lượng CTR phát sinh ước tính đạt khoảng 44 triệu tấn/năm, cao gấp 1,5 lần so với năm 2008. Mặt khác, CTR đô thị và CTR công nghiệp được dự báo tiếp tục tăng, chiếm khoảng 73% trong năm 2015; ngược lại, CTR nông thôn và làng nghề lại giảm, đặc biệt là CTR nông thôn, chiếm 32,6% năm 2008, được dự báo chỉ chiếm 22,5% vào năm 2015. Nguyên nhân của sự thay đổi cũng được dự đoán là kết quả của công cuộc Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, cùng với đó là quá trình đô thị hóa đang ngày càng gia tăng ở những tỉnh thành phố khác; cơ cấu các ngành kinh tế thay đổi đáng kể: tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng cao, nông nghiệp và thủ công nghiệp giảm.